Tết Trung Thu là dịp tuyệt vời nhất để tổ chức những trò chơi truyền thống, mang lại niềm vui cho các bé thiếu nhi. Cùng Team PasGo khám phá những trò chơi dân gian ý nghĩa và thú vị để tạo nên một Tết Trung thu 2023 đáng nhớ cho các bé nhé!
1. Múa lân
Múa Lân, hay còn được biết đến là múa Sư tử, là một trò chơi truyền thống trong mỗi dịp Tết Trung thu. Khi tiếng trống vang lên, những chú lân đầy màu sắc sẽ nhảy múa tạo nên không khí rộn ràng cho đêm trăng tròn.
Múa lân - trò chơi Trung thu sôi động cho các bé
Để giúp trẻ thực hiện những đợt múa lân đẹp mắt, đúng nhịp điệu và hình thức, cha mẹ/ thầy cô cần chuẩn bị những vật dụng như một cái trống cỡ vừa, mặt nạ lân, ông địa, thần tài. Hướng dẫn trẻ vào vai và chạy vòng theo nhịp trống để tạo không khí sôi động nhất. Ngoài ra, có thể tổ chức cuộc thi giữa các đội, đội nào múa đẹp và được nhiều người bình chọn nhất sẽ chiến thắng. Phương pháp này sẽ làm cho không khí Tết Thiếu nhi trở nên vui nhộn hơn.
2. Rước đèn ông sao
Rước đèn ông sao là một trò chơi Trung thu truyền thống gắn liền với kí ức tuổi thơ của các bé thiếu nhi.
Không chỉ giới hạn ở đèn ông sao truyền thống, ngày nay, đèn đã trở nên đa dạng với nhiều hình thức khác nhau như đèn ông sư, đầu sư tử, đèn hình con cá, con thỏ... với vô số hình dạng và màu sắc, tạo thêm sự lung linh, phô diễn cho đêm hội trăng trung thu.
Rước đèn ông sao - một trò chơi Trung thu truyền thống cho các bé
3. Rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây là trò chơi dân gian truyền thống được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích trong ngày Tết Trung Thu, đặc biệt là đối với các bé mầm non.
Đây là trò chơi nhóm, yêu cầu khoảng 5 – 6 trẻ em tham gia, trong đó có 1 người đảm nhận vai trò “ông chủ”, các trẻ còn lại tụ tập bám vai hoặc nắm áo của người đứng trước, tạo thành một hàng dài.
Rồng rắn lên mây - trò chơi dân gian Trung thu được các bé mầm non ưa thích
Cách chơi như sau: Bọn trẻ di chuyển và đọc thơ: “Rồng rắn lên mây. Có cây lắc lư. Có ngôi nhà điểm binh. Có ông chủ ở nhà không?” Nếu ông chủ trả lời “không”, bọn trẻ tiếp tục di chuyển; nếu ông chủ nói “có”, trẻ sẽ hỏi: “Ông cho xin khúc nào?”. Ông chủ có thể chọn “giữa” hoặc “đuôi”. Toàn bộ nhóm chạy, ông chủ đứng dậy và đuổi theo để chạm vào khúc đã chọn. Nếu ông chủ bắt được khúc đó, người đó trở thành ông chủ và trò chơi bắt đầu lại.
4. Kéo Co
Một trò chơi dân gian không thể không kể đến trong ngày rằm tháng 8 là trò chơi kéo co.
Cách chơi như sau: Trẻ sẽ được chia thành hai đội với số thành viên bằng nhau. Mỗi bên nắm một đầu dây. Ở giữa có một miếng vải đỏ đặt ở vạch cân bằng. Khi tiếng còi vang lên, hai đội dùng sức kéo. Đội nào kéo vải đỏ về phía họ nhiều hơn thì thắng. Trò chơi đòi hỏi sự phối hợp giữa các thành viên.
Trò chơi kéo co giúp trẻ phát triển tinh thần đoàn kết
Đây là trò chơi dịp Tết thiếu nhi không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn phát triển tinh thần đoàn kết, làm việc nhóm cho các bé. Vì vậy, hãy tổ chức trò chơi kéo co cho các bé trong đêm hội trăng rằm 2023 này.
5. Bịt mắt đập niêu
Bịt mắt đập niêu là trò chơi dân gian vui nhộn và thú vị, thường được chơi trong dịp Trung Thu, phù hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Cách chơi như sau: Bố hoặc mẹ sẽ bịt mắt và cõng con. Con trên lưng chỉ đường cho bố, mẹ đến và dùng gậy đập vào niêu bằng đất hoặc thú nhồi bông. Đập cho đến khi trúng, người chơi sẽ chiến thắng.
Bịt mắt đập niêu - trò chơi Trung thu thú vị cho trẻ em
6. Mèo đuổi chuột
Mèo đuổi chuột là trò chơi truyền thống trong dịp Trung Thu, dành cho trẻ mầm non. Trò chơi tập thể này phù hợp cho các bé từ 4 tuổi trở lên. Bạn có thể tham gia cùng con mình để tạo nên không khí vui tươi trong đêm phá cỗ.
Mèo đuổi chuột - trò chơi Trung thu truyền thống của người Việt
Cách chơi như sau: Một em đóng vai chuột cầm chiếc khăn chạy ngoài vòng tròn và thả khăn vào một em mèo bất kỳ mà không để mèo biết. Nếu mèo không nhận ra, chuột có quyền cầm khăn quất mạnh vào lưng, vai mèo. Mèo sẽ phải đứng dậy, chạy quanh tránh và sau đó quay về ngồi lại. Nếu mèo thoát, chuột sẽ thắng.
7. Trò chơi úp lá khoai
Úp lá khoai là một trò chơi dân gian phổ biến, không giới hạn số lượng người chơi. Mọi người ngồi thành vòng tròn và đặt hai bàn tay xuống đất.
Cách chơi như sau: Mọi người ngồi thành vòng tròn và đặt hai bàn tay xuống đất.
Khi chơi, người đại diện bắt đầu đọc 'Úp lá khoai' và che phủ tay lên tất cả mọi người, lúc này những người chơi còn lại đồng loạt đưa tay lên trên.
Người đại diện hát và lấy từng bàn tay một.
'Mười hai chong chóng
Đứa áo trắng
Đứa áo đen
Đứa xách lồng đèn
Đứa cầm ống thụt
Thụt ra thụt vô
Có thằng té xuống giếng
Có thằng té xuống sình
Úi chà, úi da!'
Khi kết thúc ở từ cuối cùng là “Úi chà, úi da!”, người đại diện đặt tay vào tay của người chơi nào thì bàn tay đó của người chơi phải thụt vào hoặc người chơi đó phải chịu phạt.
Trò chơi Trung thu vui nhộn - Úp lá khoai
8. Trò chơi đi tàu hỏa
Trò chơi đi tàu hỏa là một trò chơi quen thuộc từ tuổi thơ, tạo nên không khí vui nhộn và ấm áp, đặc biệt phù hợp cho các bé mầm non và tiểu học.
Cách chơi như sau: Người chơi đứng thành hàng dọc. Người sau đặt tay lên vai người trước, tạo thành tàu hỏa. Người dẫn đầu chạy và hô lệnh 'Tàu lên dốc' hoặc 'Tàu xuống dốc'. Khi nghe lệnh 'Tàu lên dốc', mọi người chạy chậm với bàn chân nhón lên, chạy bằng mũi chân. Khi nghe lệnh 'Tàu xuống dốc', mọi người chạy chậm bằng gót chân. Trong khi chạy, mọi người hát bài đồng dao vui nhộn.
Trò chơi đi tàu hỏa - trò chơi Trung thu cho trẻ mầm non
*) Luật chơi: Toàn bộ đoàn tàu vừa chạy theo lệnh của đầu tàu vừa hòa mình vào bài đồng dao vui nhộn. Ai hát nhỏ hoặc không làm đúng động tác sẽ bị cả đoàn tàu áp đặt hình thức phạt nhẹ (tùy theo sự sáng tạo của đoàn tàu).
9. Thổi tắt ngọn đèn
Cách chơi như sau: Tất cả người chơi tạo thành vòng tròn, hai người được chọn vào trong cầm cây nến đã thắp. Khi còi thổi, họ phải cò cò và vừa che giấu ngọn đèn sau lưng, vừa thổi để tắt đèn của đối thủ. Người chơi nào để tắt đèn trước sẽ thua cuộc. Trò chơi có thể tổ chức từng cặp, sau đó chọn những người chiến thắng vào chung kết.
10. Con đường bao xa
Đây không chỉ là trò chơi mang lại niềm vui cho các bé mà còn giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát, ước lượng và tính toán. Trò chơi thể hiện tinh thần đoàn kết và gắn bó của các bạn nhỏ.
Cách chơi như sau: Tổ chức vào buổi tối. Người điều khiển đứng cách xa người chơi trên đoạn đường đã được biết trước chiều dài. Người điều khiển cầm đèn pin bật sáng rồi tắt đi. Người chơi ước đoán khoảng cách từ chỗ mình đến đèn sáng. Người điều khiển có thể bật đèn nhiều lần và người chơi ước đoán mỗi lần: ghi lần thứ nhất bao nhiêu mét, lần thứ hai bao nhiêu mét… và ghi vào giấy để nộp cho người điều khiển.
Người chơi nào ước đoán khoảng cách gần đúng với thực tế nhất sẽ thắng.
Con đường bao xa là trò chơi Tết Trung thu được nhiều trẻ em yêu thích
Trò chơi có thể diễn ra cả ban ngày, người điều khiển thay thế đèn pin bằng cờ.
11. Cách tổ chức Tết Trung thu 2023 cho bé
Hãy tham khảo một trong hai cách sau đây:
Cách 1:
- Bắt đầu bằng màn múa lân sống động.
- Tổ chức các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các em thiếu nhi và phụ huynh trình bày.
- Phá cỗ và rước đèn ông sao.
- Tổ chức lễ trao quà cho các em thiếu nhi.
Cách 2:
- Kể sự tích chú Cuội cung trăng, sự tích chị Hằng Nga.
- Biểu diễn văn nghệ.
- Tổ chức các trò chơi tập thể (chọn từ danh sách các trò chơi bên dưới).
- Tổ chức lễ trao quà cho các em thiếu nhi.
- Phá cỗ và rước đèn ông sao.
Trên đây là những trò chơi Trung thu mà bạn có thể tổ chức cho các bé trong dịp Tết Trung thu 2023 này. Team PasGo kính chúc các bạn một mùa Trung Thu ấm áp bên gia đình, tràn đầy trò chơi Trung Thu mới mẻ nhưng gần gũi!