1. Ôm và xoa dịu bé bất cứ khi nào bé khóc mà không có lý do
Tiếng khóc của trẻ có thể xuất phát từ những lý do tâm lý như muốn được bế hay chán nản, nhưng cũng thường xuyên là do những nhu cầu về thể chất, chính vì vậy, chỉ khi bế trẻ lên thì bố mẹ mới xác định được nguyên nhân thật sự của việc khó chịu về thể chất là gì. Hành động ôm bé một cách nhẹ nhàng là cách tiếp cận tốt nhất để giúp bé thư giãn, ổn định và đi vào giấc ngủ. Hãy yên tâm rằng việc ôm ấp này sẽ không khiến bé trở nên ỷ lại.
Khi bạn bế con áp vào lồng ngực, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy gần gũi, an tâm và được bảo vệ. Khi được bố mẹ ôm chặt, đứa nhỏ có thể cảm nhận được cơ bắp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể của bố mẹ và từ từ điều chỉnh cơ thể mình để đồng điệu với bố mẹ. Thông qua cách này, bố mẹ sẽ truyền cho em bé tình trạng thư giãn, bình tĩnh. Việc ôm bé cũng giúp cho bé cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Hành động này sẽ được vun đắp qua quá trình chăm sóc hằng ngày. Vậy nên nếu bé khóc, hãy bế bé lên nhé.
2. Để em bé khóc rồi nín
Nếu sau 30 phút cố gắng dỗ bé, dù bạn đã cho bé bú, bạn có thể để bé tiếp tục khóc cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Bạn cần giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng bên ngoài trong khi cố đưa bé vào giấc ngủ.
Bạn có thể quấn chặt bé và đặt bé nằm ngửa trong cũi. Hãy đóng cửa, đi sang một căn phòng khác, bật đài phát thanh, TV và làm bất cứ điều gì mà bạn muốn. Bạn thậm chí có thể dùng nút bịt tai hoặc tai nghe.
Hãy bảo toàn sức khỏe của chính bạn cho thời điểm mà bé thực sự cần đến bạn. Sau khi đặt bé ở phòng một mình, nếu bé khóc lâu hơn 15 phút, hãy bế lên và thử làm dịu bé một lần.
Đây là phương pháp cần một bà mẹ có tính kiên nhẫn. Để bé khóc chán rồi tự nín, không ôm ấp, dỗ dành là phương pháp được một số bố mẹ áp dụng để dạy cho trẻ biết rằng việc chúng khóc không thể thu hút sự chú ý của bạn. Theo đó, bố mẹ, người chăm sóc trẻ sẽ rời khỏi con khi bé khóc và để chúng tự nín. Điều này khác với việc bạn để con khóc trong thời gian ngắn khi đang bận làm việc gì đó.
3. Quấn bé trong một tấm chăn
Quấn khăn cho bé là phương pháp mà từ rất lâu đã được các mẹ tin tưởng và áp dụng, đặc biệt là đối với các bé sơ sinh. Việc quấn khăn không chỉ có tác dụng giống như một chiếc tổ kén bao bọc, ủ ấm và cho bé cảm giác an toàn giúp bé ngủ ngon, sâu giấc mà còn là cách để giữ ấm cơ thể và duy trì thân nhiệt của bé hiệu quả. Hành động này cực kỳ hữu ích trong việc làm dịu cơn khóc của bé. Nó cũng giúp làm giảm khả năng bé thức giấc do phản xạ giật mình và giúp bé ngủ lâu hơn.
Để quấn bé, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Bắt đầu bằng việc để bé nằm trên tấm chăn và hai cánh tay ở hai bên.
- Sau đó kéo phía bên trái của tấm mền qua cơ thể bé và gấp nó lại,
- Kéo từ dưới lên, kéo phía bên phải trên và gấp lại.
Đây là một kỹ thuật hữu ích cho bé từ khi mới sinh cho đến 4 tháng tuổi giúp hạn chế cơn quấy khóc của bé. Nếu bạn quấn khăn đảm thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức hoặc giải lao, xả stress một chút vì bé yêu của bạn sẽ ngủ tít cả vài tiếng trong chiếc tổ kén mà không hề ọ ẹ đâu.
4. Cho bé ngủ đêm thay vì ngủ ngày
Vài bé sơ sinh có thói quen thức đêm ngay từ trong bụng mẹ. Bạn có thể nhận biết điều này khi nhận thấy bé quẫy đạp trong bụng mẹ nhiều hơn vào ban đêm. Khi chào đời, bé cũng vẫn duy trì thói quen này một thời gian và sẽ làm mẹ rất mệt mỏi vì phải thức đêm nhiều. Sau sinh, bạn không thể thay đổi bé ngay được mà chỉ có thể bắt đầu dạy bé khi bé đã được hai tuần tuổi. Do đó, bạn nên lập một kế hoạch cụ thể để bé ngủ đêm nhiều hơn thay vì ngủ ngày.
Nếu bé ngủ được 3 tiếng vào ban ngày, hãy nhẹ nhàng đánh thức bé và chơi cùng bé hoặc cho bé ăn, tùy thuộc. Vậy ban ngày bạn nên chơi với bé càng nhiều càng tốt. Nói chuyện và hát cho bé nghe khi cho bú các cữ ban ngày. Đảm bảo phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày. Không cần “cắt đứt” mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày, như tiếng tivi, radio, máy giặt…Nếu đang bú chưa đủ sữa mà bé thiu thiu ngủ thì nhẹ nhàng đánh thức bé dậy bạn nhé.
5. Luyện cho bé nằm nôi khi bé buồn ngủ
Mặc dù trẻ sơ sinh cần phải được ôm ấp khi đang khóc nhưng không phải lúc nào bạn cũng cần phải làm như vậy. Nếu bạn can thiệp quá nhiều khi bé quấy khóc, bạn sẽ trở thành người không thể thiếu cho quá trình ngủ của bé. Bạn cũng sẽ không thể giải quyết chứng khóc đêm của bé vì bé chỉ có thể ngủ được nếu được bạn ôm ấp.
Để ngăn chặn điều này, khi bé buồn ngủ nhưng không khóc, hãy đặt bé trong nôi và để cho bé học cách tự an ủi và tự ngủ, đừng dỗ dành hoặc cho bú. Dần dần, bé có thể tự chìm vào giấc ngủ mà không cần được mẹ phải ôm ấp hay vỗ về.
Tuy nhiên bạn cần phải nhận biết được dấu hiệu cho thấy bé buồn ngủ. Thông thường sáu đến tám tuần đầu sau sinh, bé không thể thức lâu hơn hai giờ liên tục. Nếu bạn để bé thức lâu hơn hai giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và khó ngủ trở lại, và chắc chắn rồi bé sẽ quấy khóc và rất khó dỗ. Vì vậy, bạn nên tinh ý nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, lim dim, kéo tai, ngáp hay quầng dưới mắt thâm lại. Bạn đừng lo, chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ mau chóng nhận biết dấu hiệu con mình đang buồn ngủ. Nếu bạn nhận thấy bé buồn ngủ thì nên dỗ bé ngủ ngay.
Nếu bé đang ngủ trong nôi bỗng dưng thức dậy và khóc bố mẹ có thể nhẹ nhàng đưa nôi để giúp bé ngủ tiếp. Nếu bé vẫn không ngừng khóc, lúc này bố mẹ nên bế bé lên, đi lại và đu đưa nhẹ nhàng hoặc vỗ nhẹ vào lưng bé để trấn an đồng thời giúp bé dễ chịu hơn.
6. Khám phá không gian mới để an ủi bé khi quấy khóc
Chuyển đến một không gian mới hoặc môi trường lạ có thể tạo ra sự thay đổi kỳ diệu trong tâm trạng của bé. Khi bé liên tục quấy khóc, hãy đưa bé ra ngoài.
Bạn cũng có thể bế bé đi chung quanh, giải thích những công việc bạn đang làm, cung cấp đồ chơi và vật dụng để bé nhìn và chơi với chúng. Điều này giúp bé trở nên bận rộn, quên đi những cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, một số bé có thể không thích sự ồn ào và hối hả. Vì vậy, hãy lắng nghe và quan sát xem bé yêu thích điều gì.
7. Lên thời gian biểu cho bữa ăn của bé
Không nên cho bé bú mỗi khi bé khóc vì đói không phải lúc nào cũng là nguyên nhân khiến bé khóc. Thường mất khoảng 2 giờ để dạ dày bé tiêu hóa thức ăn, vì vậy khoảng thời gian giữa các lần ăn sẽ lâu, trừ khi bạn thực sự cảm thấy bé đói. Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, hạn chế uống quá nhiều cà phê, trà, nước ngọt có gas và các chất kích thích.
Chú ý đến nguy cơ bé bị dị ứng sữa bò nếu bé có tiêu chảy, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, thở khò khè khi uống sữa hoặc gia đình có tiền sử dị ứng sữa. Trong trường hợp này, thử cho bé uống sữa bột từ đậu nành mỗi tuần. Sữa đậu nành cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
Tránh ăn uống thực phẩm chứa sữa bò nếu bạn đang cho con bú trong vòng 1 tuần. Nếu bé có cải thiện khi chuyển sang sữa đậu nành, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiếp tục cho bé uống sữa này. Bạn cũng có thể thử sữa amino axit nếu bé không chịu sữa đậu nành.