1. Bánh chưng
Bánh chưng là một món quan trọng không thể thiếu trong bữa tiệc Tết của người Tày. Khác biệt với bánh chưng của các dân tộc khác, bánh chưng của họ được gói dài, tròn, màu đen đặc trưng. Hương vị hấp dẫn của bánh đến từ nếp nương và thịt lợn đen thả đồi, kết hợp cùng đỗ xanh, lá dong rừng tươi. Mỗi chiếc bánh chưng là sự kết hợp tinh tế giữa các nguyên liệu tự nhiên, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Trong ngày Tết, việc thưởng thức bánh chưng không chỉ là nét truyền thống mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn đối với gia đình và tổ tiên.


2. Bánh dày
Cũng như bánh chưng, bánh dày là món ăn ngày Tết của người Tày không thể thiếu, bánh chưng được coi là cha thì bánh dày chính là mẹ và thường song hành cùng nhau. Người Tày thường giã bánh dày vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là lễ mừng lúa mới. Ở mỗi vùng miền, bánh dày lại được làm theo những cách khác nhau, nhuộm màu từ lá cây, củ quả hoặc để trắng nhưng đều hấp dẫn và mang hương vị đặc biệt.
Bánh dày của người Tày được làm từ gạo nếp thơm đem đồ chín rồi giã thật nhuyễn đến khi bột quánh lại thì được gói bằng lá chuối, ngoài ra người ta có cho thêm nước. Người Tày có hai loại bánh dày là bánh có nhân và bánh không nhân, bánh có nhân thường là nhân đỗ xanh. Gạo nếp làm bánh dày thường là gạo nếp nương bản địa. Theo người dân ở đây, chỉ có nếp nương trồng tại chính vùng đất quê hương mới cho ra được loại bánh dày thơm ngon nhất, nếp trồng nơi khác không thể đem lại hương vị như nếp nương “nhà trồng”.


3. Xôi ngũ sắc
Cũng giống như nhiều dân tộc vùng núi phía Bắc khác, xôi ngũ sắc (còn gọi là cơm đen cơm đỏ) là món ăn không thể thiếu trong ẩm thực Tết của người Tày. Món xôi của người Tày dùng trong những ngày Tết sẽ có 5 màu tượng trưng cho ngũ hành: trắng, xanh, đen, đỏ và vàng ứng với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Màu sắc của xôi được tạo nên hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên như nghệ, lá cây, chính vì vậy ngoài việc tạo màu sắc đẹp thì còn có tác dụng chữa bệnh.
Theo niềm tin của người dân tộc Tày, mỗi màu sắc có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi. Màu đỏ là biểu tượng của lửa và của sự no ấm nhiệt huyết, màu vàng đại diện cho cây lúa và các loại hoa màu, màu tím đại diện cho đất đai trù phú, màu trắng mang ý nghĩa của tình yêu thủy chung, màu xanh lam gắn với áo trang phục truyền thống của người Tày. Vào vụ lúa mùa, mỗi gia đình người Tày đều dành riêng một mảnh ruộng cấy nếp nương để Tết nấu xôi, làm bánh chưng. Nếp nương tròn hạt, thơm, hạt xôi mọng, dẻo, ngọt thơm hương vị đặc trưng vùng núi cao. Món xôi ngũ sắc của người Tày ngon hơn khi thưởng thức với cá nướng hoặc thịt nướng.


4. Bánh chè lam
Cũng giống như bánh khảo thì bánh chè lam cũng là món Tết rất nổi tiếng của người Tày. Chè lam dường như là thứ quà của nhiều miền quê Việt, vậy nhưng mỗi nơi lại đem đến cho người ăn những cảm nhận riêng trong hương vị. Với người Tày, chè lam trước kia thường chỉ được làm vào dịp Tết nguyên đán cùng với bánh khảo và bánh chưng, nhưng ngày nay, do sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu của thực khách, chè lam được làm quanh năm.
Món ăn này là sự kết hợp tuyệt vời của bột nếp dẻo, mật ngọt, lạc bùi và chút cay của gừng. Nguyên liệu làm bánh rất đơn giản nhưng các công đoạn chế biến thật sự cầu kỳ, từ công đoạn chọn gạo, rang gạo, xay gạo cho đến công đoạn sên đường và khấu bánh với các nguyên liệu. Bánh chè lam dẻo nhưng không hề dính và có mùi thơm rất quyến rũ nên bất cứ ai có cơ hội được thưởng thức đều sẽ nhớ mãi không quên. Món bánh chè lam khi nào làm xong, thường được cắt 1 phần dâng lên ông bà tổ tiên trước, sau đó là con cháu trong nhà cùng ngồi quây quần thưởng thức.


5. Bánh khảo
Bánh khảo truyền thống là một phần quan trọng không thể thiếu trong những ngày Tết của người Tày. Món bánh kết hợp hương vị đặc trưng của bột gạo nếp, mùi thơm của vừng, vị ngọt của đường phên và hương rượu trắng tinh tế, tượng trưng cho sự hòa hợp, đoàn kết và tình yêu thương. Bánh thường được bọc trong những tờ giấy màu sắc rực rỡ, tạo nên bức tranh Tết tươi vui.
Món bánh khảo thường được chuẩn bị từ trước Tết, làm từ bột gạo nếp và nhân đậu xanh nhuyễn. Việc lựa chọn gạo nếp “Hèo” làm nguyên liệu làm cho bánh thêm thơm ngon và dẻo. Người Tày truyền thống sử dụng phương pháp nổ gạo truyền thống bằng lửa than hồng, tạo nên hương vị đặc biệt. Bột sau khi nổ và xay mịn được bọc kín trong túi ni lông để giữ cho bánh giữ được hương vị tinh tế và không bị mốc trong thời gian dài.


6. Thịt trâu khô
Thịt trâu khô là một món ăn truyền thống nổi tiếng của người Tày trong những ngày Tết. Thịt được chế biến thành nhiều món ngon như thịt trâu nấu lá cải, thịt trâu khô xào tỏi… Đây không chỉ là món ngon đậm hương vị miền cao nguyên, mà còn là biểu tượng của văn hóa sơn cước, là món quà ý nghĩa mà du khách thường nhận được khi ghé thăm đồng bào dân tộc Tày. Chuẩn bị cho món ăn này thường đòi hỏi nhiều công đoạn và được thực hiện từ trước Tết.
Thịt trâu tươi được tẩm ướp gia vị, sau đó sấy khô hoặc gác bếp để chế biến thành thịt trâu khô thơm ngon. Món thịt trâu khô không chỉ nổi tiếng với mùi thơm đặc trưng mà còn kết hợp tuyệt vời với hương vị của rượu ngô men lá Na Hang. Hương vị đặc trưng của món ăn là sự hòa quyện của vị khói bếp than và mắc khén, lá rừng.


7. Khâu nhục
Trong những dịp lễ tết, mâm cỗ của người Tày không thể thiếu món khâu nhục. Món này được làm từ thịt ba chỉ heo xếp trên bát lùm lùm giống như quả đồi, nên được gọi là khau nhục (khau có nghĩa là đồi, nhục là thịt). Còn có tên gọi khác là nằm khau (nằm: chín nhừ, khau: đồi). Dù có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng hiểu đơn giản đó là món thịt heo nấu nhừ.
Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận thịt ngầy ngậy, mềm nhừ. Khoai vừa bột vừa dẻo, kết hợp với cái giòn của củ cải khô và hạt tương đen. Hương vị đậm đà, béo ngon mà không bị mỡ, nhừ mà không nát. Món khâu nhục cầu kỳ trong cách chế biến, nhưng lại làm phong phú thêm hương vị cho mâm cỗ lễ, tết, thể hiện lòng hiếu khách của chủ nhân ngôi nhà.


8. Bánh chuối
Bánh chuối của người Tày không chỉ là dịp để những người con thể hiện tấm lòng thơm thảo đến đấng sinh thành của mình mà còn để tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam trong những ngày Tết. Khác với những dân tộc khác là ngồi thiền trà, ăn chay, thì dân tộc Tày lại làm những mẻ bánh chuối thơm ngon dâng cúng tổ tiên để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với những bậc sinh thành và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Để làm bánh chuối, sức hấp dẫn được thể hiện qua những bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Bánh chuối được gói thành cặp, sử dụng lá chuối khô để bọc. Nhìn những chiếc bánh được gói tỉ mỉ, gọn gàng có thể thấy sự khéo léo, đảm đang của các bà, các cô. Để làm một cặp bánh chuối phải trải qua những công đoạn khá cầu kỳ. Từ nguyên liệu rất gần gũi, khi làm bánh phải chuẩn bị lá chuối phơi khô để gói bánh và gạo nếp ngon. Bánh có màu nâu nhạt, vị ngọt nhẹ, thơm. Đây là sản phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng tổ tiên của dân tộc Tày trong dịp Tết cổ truyền. Bánh ăn ngon, không ngấy, lại để được lâu hơn những loại bánh khác nên khi khách đến chơi, người Tày vẫn thường biếu về làm quà.


9. Bánh gio
Bánh gio (bánh tro), tên gọi theo tiếng Tày là “ Pẻng tấu”, loại bánh được làm vào các dịp lễ Tết, được đem cúng đất trời, tổ tiên. Đây là loại bánh truyền thống, không thể thiếu trong các nghi lễ của dân tộc Tày. Một loại bánh được làm từ những nguyên liệu hết sức bình dị, dễ làm mà ngon đến đặc biệt. Bánh có vị ngọt thanh, pha chút nồng ngái của nước tro, ăn thấy lạ miệng mà không chán ngấy. Ấy mới biết sự khéo léo trong việc chế biến các món ăn của người Tày như thế nào, không cầu kì, tỉ mỉ như người Thái, nhưng hương vị luôn toát lên nét đặc trưng của dân tộc mình cũng như của các sản vật núi rừng phía Bắc.
Cái tên bánh gio xuất phát từ chính nguyên liệu làm bánh, đó là tro mịn. Tro được sử dụng để ngâm gạo làm bánh và dùng làm nước luộc bánh. Bà con người Tày lấy củi cây tầm gửi, cây sấu, rơm nếp... đốt thành tro, vò mịn, rồi đem lọc lắng lấy nước tro màu vàng nâu. Đem nước tro ngâm gạo trong vài tiếng cho tới khi hạt gạo mềm, vò sát hai ngón tay vào hạt gạo, hạt vỡ vụn ra. Gạo làm bánh tro là gạo nếp nguyên chất, không pha gạo tẻ. Lá gói bánh là lá dong rừng, chọn lá to, bánh tẻ, tước hết gân lá, đem luộc qua, lau khô. Nước luộc bánh là nước tro pha loãng, luộc bánh bằng củi cây rừng để được đồ rền ngon nhất.


10. Gà trống thiến
Gà trống thiến là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trên bàn ăn của người Tày để dành thiết đãi khách quý hoặc các tiệc ăn mừng, hiếu hỉ; đặc biệt vào những dịp lễ, Tết...Theo quan niệm dân gian, gà trống thiến là loại vật linh thiêng được chọn để dâng cúng tổ tiên, thể hiện ước vọng của người Việt một năm mới an khang, thịnh vượng hơn năm cũ.
Gà được lựa chọn phải là con to béo nhất, được làm sạch sẽ và đem luộc để bày thật trang trọng trên bàn ăn. Gà trống thiến có kích thước lớn gấp 2 - 3 lần so với gà bình thường. Thịt gà trống thiến ngọt, mềm nhưng săn chắc, da dày và giòn; sau khi luộc, màu gà ngả vàng óng rất đẹp mắt. Nhờ vậy, gà trống thiến rất được người dân ưa chuộng để ăn vào những ngày Tết hoặc đem biếu, tặng. Không chỉ người Tày mà với nhiều dân tộc thì món gà trống thiến hay thịt gà nhất định phải có trong bàn ăn ngày Tết.


11. Thịt chua
Nhắc đến món ăn ngày Tết của người Tày đặc trưng nhất thì chắc chắn thịt chua chính là cái tên không thể bỏ qua. Mỗi dân tộc có một cách chế biến thịt chua khác nhau. Với người Tày lại có cách làm món thịt lợn chua độc đáo riêng, khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi. Thịt lợn muối chua cũng là một cách bảo quản thịt khi không dùng hết ngay của người Tày. Thịt lợn chua của người Tày được chế biến thành rất nhiều món ngon cho ngày Tết như xào măng chua, xào riềng ăn cùng rau dớn…
Để làm nên món thịt lợn chua ngon và đặc trưng, rất kỳ công. Thịt lợn làm thịt chua phải chọn được thịt lợn đen “lợn lửng”, được bà con chăn nuôi theo hình thức thả rông. Sau đó trộn hỗn hợp lá gia vị (riềng, gừng, lá trầu, lá cơm đỏ) và rượu ngô với thịt. Dùng gạo tẻ hoặc gạo nếp nấu chín thành cơm sau đó xới ra để nguội và bóp đều vào thịt, cơm sẽ thấm muối giúp thịt bớt mặn. Công đoạn ủ thịt chua có thể mất 5 ngày đến nửa tháng hoặc lâu hơn tùy thuộc thời tiết và khẩu vị người ăn. Khi thịt đủ độ chua có thể mang ra thưởng thức. Món thịt chua ăn với xôi hoặc cơm nếp sẽ cực ngon.


12. Thịt lợn quay
Món thịt lợn quay là một đặc sản nổi tiếng của người Tày Văn Lãng (Lạng Sơn) và thường xuất hiện trên bàn ăn ngày Tết. Để nấu món này, người Tày chọn lựa giống lợn ta có xương nhỏ, thịt chắc, và nạc nhiều, trọng lượng từ 20 kg đến 30 kg. Lợn được quay chín trên lửa than hoa, quay đều khoảng 3 tiếng cho đến khi thịt chín đều. Khi lớp da ngoài khô, họ sử dụng hỗn hợp mật ong pha giấm để quết lên da lợn, tạo ra lớp da vàng rụm và giòn thơm.
Tùy thuộc vào quy mô sự kiện, người ta có thể quay lợn với trọng lượng khác nhau. Trong các dịp lễ Tết, khoảng 5-6 gia đình có thể cùng đụng 1 con lợn, với trọng lượng từ 40-50kg. Thịt lợn quay khi ăn sẽ được chấm với nước lấy ra từ bụng của lợn, mang đến hương vị ngọt đậm, béo ngậy, với hương thơm đặc trưng của lá và quả mắc mật.

