1. Bún chả cá
Bún chả cá là món ăn quen thuộc nhưng ở Bình Định, nó đặc biệt với hương vị độc đáo. Thực khách thường khuyến khích nhau rằng vào buổi sáng, không gì ngon bằng bún chả cá.
Chả cá được làm từ những con cá tươi ngon, đảm bảo vị thơm và mặn mà. Nước lèo trong suốt, đun đều với cà chua, thơm và hạt lựu, tạo ra hương vị đặc trưng. Khi ăn, kết hợp với rau sống, chanh và ớt xa tế Bình Định, tạo nên bữa ăn ngon miệng của người dân miền biển.
2. Mắm nhum Mỹ An
Vùng đất miền Trung không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều con người tài giỏi, những bãi biển đẹp như bức tranh mà còn là quê hương của một nền ẩm thực phong phú với nhiều món ăn đặc sắc. Trong đó, không thể không nhắc đến món mắm nhum Mỹ An - Bình Định, một loại đặc sản quý mà tương truyền khi xưa là cống phẩm dâng cho vua chúa, quý tộc.
Nhum là một động vật thuộc loại nhuyễn thể, có họ hàng với trai, sò; sống ở những gành đá ven bờ biển nước ấm, lẫn trong rong rêu. Nhum có nhiều loại, để muối mắm phải là nhum ta màu đen. Mắm nhum nhuyễn tan, sền sệt, có màu đỏ đục và thơm rưng rức.
Mắm nhum ăn cách gì cũng ngon, nhưng phổ biến nhất là dùng với bún hoặc chấm rau sống cùng thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng. Vị ngọt của thịt heo, rau rừng kết hợp chén mắm nhum thơm ngào ngạt với đầy đủ vị chua, mặn, ngọt, cay là món ăn chỉ mới nghe đã khiến chúng ta phải nuốt cái “ực” vì thèm.
Người ta gọi mắm nhum Mỹ An là món không phải cứ có tiền là ăn được, ai có cũng để dành đãi khách quý chứ không bán. Khách du lịch đến Bình Định ai ăn được mắm nhum có thể vỗ ngực tự hào mà khoe rằng mình đã có một “trải nghiệm” thật đáng nhớ.
3. Bánh hỏi cháo lòng
Một trong những món ăn bạn nhất định phải thử khi có dịp ghé qua Bình Định chính là bánh hỏi cháo lòng.
Đặc điểm của cháo lòng Bình Định là được nấu rất lỏng. Cháo khi nấu xong có màu trắng của gạo, màu vàng của nghệ chứ không đen đen do màu huyết và đặc quánh. Không cần bỏ dầu mỡ gì, chỉ mỡ heo được tạo ra từ bộ lòng cũng đủ nhìn nồi cháo lấp lánh. Khi cháo chín, người ta bỏ lá hành xắt nhuyễn hoặc vài cọng lá hẹ. Vài chỗ còn cho thêm hành tím củ xắt lát phi thơm.
Bánh hỏi là loại bánh được làm đúng từ bằng bột gạo nên thơm ngon và khá dai. Bánh hỏi làm từng thớ nhỏ, mỏng vừa miệng ăn rồi trét lên đó tí dầu đã chín pha thêm hẹ loại nhỏ. Về lòng heo thì thường, người ta chọn bộ lòng của những con vừa mới mổ. Bộ lòng kèm với tim, gan và cật. Tất cả rửa sạch sơ chế rồi bỏ chung vào nấu với gạo. Khi bộ lòng tim gan này vừa chín là vớt ra để nguội và xắt xắp lên dĩa.
Bánh hỏi tại đây sẽ được ăn kèm với lòng và thịt heo thái miếng, bên cạnh là chén cháo bốc hơi nghi ngút. Cách ăn đặc biệt này mang đến cho bạn trải nghiệm thú vị khi được thưởng thức cái mềm của bánh, cái giòn dai sừn sựt của lòng và vị ngon ngọt của cháo. Chính cái hương vị tuyệt vời ấy đã làm xao xuyến bao du khách thập phương và cả chính người dân nơi đây.
4. Bánh ít lá gai
'Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi'
Đúng thế, người dân Bình Định có biệt tài làm bánh ít lá gai. Món bánh này tuy thật dẻo nhưng không hề dính răng. Cắn một miếng mà bạn sẽ cảm nhận được cả vị ngọt, vị thơm, béo, bùi và thoáng chút cay nồng. Ngày nay, khi mà các loại bánh hiện đại được bày bán tràn ngập thì bánh ít lá gai sẽ mang đến cho bạn một cảm giác tìm lại vị đồng quê xưa, cái mộc mạc như chính người dân nơi đây vậy.
Muốn ăn bánh ít lá gai đúng chuẩn tại Bình Định thì bạn phải tìm về với xứ Tuy Phước. Làm bánh có ba công đoạn chính là làm vỏ bánh, nhận bánh, và gói bánh. Để làm ra được những chiếc bánh đúng chất đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từng công đoạn, phải có kinh nghiêm và lòng yêu nghề.
Vậy đó khắp mọi miền đất nước có biết bao nhiêu loại bánh ít như bánh ít trần, bánh ít nhân tôm thịt, bánh ít nhân đâu xanh, bánh ít lá gai ở Sài Gòn, bánh ít miền Tây, ... nhưng bánh ít lá gai Bình Định lại là loại bánh làm nên con người cũng như tính cách của người Bình Định: mộc mạc, chân chất, nhưng uy hùng như ngọn tháp, ấm áp lòng người.
5. Nem chợ Huyện
'Ai đến Vinh Thạnh quê em
Thưởng thức nem chợ Huyện, ngắm đêm hát tuồng'
Hương vị của Nem chợ Huyện không chỉ là đặc sản của Bình Định mà còn trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Vị ngọt béo, dai giòn, ăn mãi không chán làm say đắm bất kỳ thực khách nào.
Điều độc đáo của Nem chợ Huyện chính là việc sử dụng lá ổi để bọc nem; lá ổi tươi tắn được chọn từ vườn, cẩn thận lau chùm lá một cách sạch sẽ để không làm mất đi hương thơm tự nhiên. Lá ổi không chỉ giúp giữ cho nem không bị ẩm mà còn đóng góp vào hương vị đặc trưng. Sau khi bọc xong, nem cần khoảng 3 - 4 ngày để có thể thưởng thức.
Đã ngon khi tươi, nhưng nếu bạn nướng nem cùng than hoa, ăn kèm với bánh tráng, chả ram, rau mùi, tía tô, chuối, khế, dưa leo, nước mắm pha chua ngọt, hạt tiêu, tỏi và ớt, bạn sẽ hiểu vì sao Nem chợ Huyện lại là một biểu tượng của ẩm thực Bình Định.
Một điều thú vị khác là, nem không chỉ xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày mà còn trở thành phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, giỗ chạp ở Bình Định. Thêm vào đó, chiếc nem còn làm tăng thêm hương vị cho những đêm hát tuồng truyền thống.
6. Mực ngào Bình Định
Khô mực ngào tỏi ớt hoặc được gọi là “Mực ngào” là một món đặc sản nổi tiếng của miền biển Quy Nhơn, Bình Định. Quy trình làm mực ngào Bình Định đòi hỏi sự tỉ mỉ và tài năng từ việc chọn nguyên liệu, nướng mực, chế biến nước sốt đến việc trộn đều chúng tại với nhau.
Mực được đánh bắt từ vùng biển khơi, sau đó lựa chọn những con mực tốt nhất để phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Kết hợp cùng ớt, tỏi và các nguyên liệu khác, tạo ra hương vị độc đáo không thể quên.
Người đầu bếp cần phải có sự tinh tế và kỹ thuật để giữ cho mực ngon nhất. Mực sau khi được thu mua từ các cảng biển sẽ được sơ chế và chế biến để giữ nguyên độ tươi ngon.
Mực ngào Bình Định có lớp sốt đỏ âu, dính đều quanh mực khô và tỏa mùi thơm hấp dẫn của tỏi. Vị ngọt thơm, cay cay của nước sốt hòa quyện với vị dai ngọt của mực khô nướng, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Ăn kèm với rau sống, khế chua, dưa leo càng làm cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn. Mời thêm vài người bạn để cùng thưởng thức!
7. Bánh xèo tôm nhảy rau mầm
Món bánh xèo tôm nhảy là niềm tự hào của người Bình Định mỗi khi giới thiệu về quê hương. Tên gọi độc đáo của món ăn kể về những con tôm đất đỏ nhảy đầy năng lượng, tạo nên bí quyết đặc biệt cho bánh xèo hấp dẫn này. Bạn sẽ nghe âm thanh xèo xèo của bột và những con tôm tươi ngon trên bếp lửa, nhìn thợ đúc bánh với đôi bàn tay điêu luyện.
Người dân thường ăn kèm rau mầm với bánh xèo tôm nhảy để bớt ngán. Rau mầm mươn mướt, hơi the cay nhưng mát và bổ, kết hợp với xoài chua thái sợi và một số loại rau sống khác. Cuộn trong miếng bánh tráng và chấm mắm tỏi ớt, có thể thêm vài tép tỏi tươi từ Lý Sơn để hương vị thêm nồng đượm.
Bánh xèo tôm nhảy rau mầm với vị thanh mát, thơm ngon sẽ khiến bạn luôn nhớ về Bình Định.
8. Bánh tráng nước cốt dừa
Khi đến du lịch Bình Định không thể bỏ qua món bánh tráng nước cốt dừa. “Hương thơm beo béo của dừa, vị giòn tan, ăn là nhớ” chính là điểm đặc trưng mà bánh tráng nước dừa Bình Định mang lại, chắc chắn sẽ không lẫn vào đâu được.
Làm bánh tráng nước cốt dừa tưởng chừng đơn giản, những người thợ làm bánh phải thức khuya dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu, nào là xay dừa, nhào bột, đâm nhuyễn hành, tiêu, ớt,.... bỏ ra nhiều công sức để làm nên chiếc bánh thơm ngon này.
Bánh tráng dừa phải nướng lên mới ăn được, khi nướng bạn phải trở liên tục để đảm bảo bánh chín đều. Bánh tráng nướng trên than hồng dậy mùi thơm hấp dẫn, bánh giòn thơm mùi hành, nước cốt dừa, tiêu, mè, kích thích vị giác làm cho mọi người cứ muốn ăn mãi không thôi.
Bởi vậy mới nói, để làm ra được những mẻ bánh đảm bảo chất lượng mang đúng hương vị đặc trưng của quê nhà đòi hỏi rất nhiều công sức của người làm bánh. Bánh tráng nước dừa Bình Định có thể được xem là “Tinh hoa của bàn tay Việt” bởi sự kì công, khéo léo tận tuỳ của những người làm bánh lành nghề chân chất.
9. Tré Bình Định
Tré – Cái tên độc và lạ của một món ăn ở Bình Định. Cũng chính bởi cái tên này mà nó đã thu hút nhiều thực khách tìm hiểu và thưởc thức món ăn. Món đặc sản Bình Định này thực ra đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành Trung Trung Bộ thế nhưng nổi tiếng thơm ngon nhất vẫn là Tré Bình Định, nó mang một hương rất riêng mà chỉ những con người ở nơi đây mới làm nên được.
Tré Bình Định hay được mọi người chú ý đến bởi hình dạng của nó, như cây chổi nhỏ được người ta treo thành chùm ở các quán ven đường, bởi nó được gói bởi lớp rơm khô, buộc chặt 2 đầu, bên trong là phần thịt tré. Thịt tré gồm 2 phần: Thịt đầu heo và Thịt ba chỉ heo. Sau đấy sẽ bắt đầu nêm thêm gia vị tẩm ướp gồm: mè, hạt tiêu, tỏi, muối, riềng, đặc biệt là phần nêm nếm thính và bột nêm sao cho vừa vặn... rồi chúng được gói trong lá ổi già cho dậy mùi thơm.
Cách thưởc thức tré không có điểm khác biệt giữa các vùng miền mà phụ thuộc theo sở thích của mỗi người. Ở vùng đất Bình Định nói riêng, người dân thường dùng tré kèm với một ít tỏi muối chua, ăn như món khai vị ở các bữa tiệc, hoặc dùng tré ăn kèm với bánh đa và một số loại rau sống (dưa leo, đu đủ bào, chuối chát,...) rồi chấm với nước mắm tỏi ớt hoặc tương ớt.
Là món ăn chống ngán nên dù tré có bình dân, mộc mạc là vậy nhưng nó lại trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người dân xứ này. Bất cứ ai có dịp ghé ngang qua Bình Định thì việc mua những “nắm rơm cuốn 2 đầu” về làm quà cho người thân ở nhà sẽ là một sự lựa chọn không thể bỏ qua.
10. Cua Huỳnh Đế
Cua huỳnh đế (hay còn gọi với cái tên quen thuộc hơn là 'Cua hoàng đế'), thuộc hải sản biển, tuy rằng mang họ nhà cua nhưng hình dáng thì hoàn toàn khác. Cua huỳnh đế chỉ có 6 chân và 2 càng (cua bình thường có 2 càng và 8 chân). Do đó mà cua sau khi được ngư dân đánh bắt và dâng lên vua như cúng phẩm từ đó cua có tên là Cua hoàng đế hay gọi là Cua huỳnh đế.
Cua huỳnh đế được xem là vua của các loại cua bởi nó có mai đỏ vàng như một bộ long bào uy nghi của các nhà vua, hai bên có gai li ti sắc nhọn, hai chiếc càng to chắc khỏe. Cua thường sống trong những ngách đá trên biển Bình Định. Cua Huỳnh Đế có thịt thơm, chắc.
Chính vì thế, ngoài món hấp đơn giản và ngon, người ta còn chế biến Cua huỳnh đế thành những món khác như om mặn, rang muối, nấu cháo bằng cách luộc cua, lấy thịt, ướp gia vị rồi chao dầu để nấu cháo. Nồi cháo cua huỳnh đế ngon phải có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua.
Hiện nay trên cả nước đã có nhiều cơ sở chế biến và cung cấp các món ăn liên quan đến Cua huỳnh đế, tuy nhiên loại cua đặc biệt này tại Bình Định vẫn là một món ăn gì đấy rất riêng, mang đậm nét văn hoá và con người vùng biển miền Trung đầy nắng gió này.
11. Bún song thằn
Bún song thằn Bình Định hay có tên là bún song thần Bình Định có tên gọi là bún song thằn vì song là 2 mà thằn là dây. Vì bún có hình dạng một cặp dây nên được gọi là bún song thằn. Bún song thằn có chút khác biệt với các loại bún thông thường khác bởi thay vì sợi bún được làm từ bột gạo hay bột củ mì kéo sợi thì bún song thần lại được làm từ bột đậu xanh.
Sợi bún khô trắng đục như miến nhưng sáng màu hơn, khi nấu chín có độ trong. Một điểm đặc biệt nữa là món đặc sản này có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại bún khác. Bún song thằn được làm công phu nên có độ dẻo và không dính tay rất hấp dẫn. Mùi thơm từ bún tỏa ra với mùi đậu xanh rất thơm và ngon mắt.
Bún song thằn được chế biến thành rất nhiều món ngon như: ăn với nước dùng và thịt bò, nấu canh với thịt heo hoặc tôm hay xào với lươn... nhưng theo nhiều du khách đánh giá, ngon nhất là xào với lòng gà, ăn rất ngon, miếng bún thơm, lòng gà béo làm hài lòng bất kể những thực khách khó tính nhất. Nếu ai đã từng ghé thăm Bình Định mà không thưởng thức hoặc mua bún song thằn về làm quà là một thiếu sót vô cùng lớn.
12. Đặc sản Gié bò Tây Sơn
Gié bò là món ăn truyền thống của người dân tộc Bana ở vùng cao thuộc hai huyện An Khê và Vĩnh Thạnh. Món ăn này đã vượt ra khỏi biên giới địa lý và trở thành một phần quan trọng của ẩm thực Bình Định.
Gié bò được làm từ ruột non của bò, được chọn lựa kỹ càng và chế biến với các gia vị đặc trưng. Mùi thơm của ớt, gừng, sả kết hợp với vị chua của lá giang tạo nên hương vị đặc sắc. Khi ăn kèm với bún và rau sống, món ăn trở nên hấp dẫn và ngon miệng.
Mặc dù Gié bò có vị đắng và hôi đặc trưng từ ruột non, nhưng đây là một trải nghiệm ẩm thực độc đáo và đầy hấp dẫn. Món ăn này không chỉ béo ngon mà còn phản ánh đẳng cấp văn hóa ẩm thực của đất đai Bình Định. Dù bạn là ai, bạn đều có thể thưởng thức hương vị độc đáo này với giá vô cùng hợp lý.
13. Gỏi cá mai - Sushi Việt Nam
Ẩm thực Quy Nhơn đặc trưng với hương vị cay, mặn, và ít dầu mỡ. Gỏi cá mai không chỉ là một món ngon mà còn là phiên bản Việt của 'sushi' với hương vị độc đáo, không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Cá mai có hình dáng giống cá cơm nhưng mỏng hơn và có vảy. Thịt cá ngọt, giòn, không tanh, tạo nên lớp vị đặc trưng cho món gỏi. Người làm gỏi sẽ rút xương tùy thuộc vào kích cỡ cá, giữ cho thịt sau khi rút xương giữ nguyên vẻ tươi rói, giòn tan và hương vị biển mặn mẹ.
Để thưởng thức, thịt cá sau khi rút xương được ăn kèm với bánh tráng, rau sống như chuối chát, thì là, rau thơm, xà lách, và sợi xoài chua ngọt. Nước chấm được làm từ xì dầu pha sả ớt tỏi cay cay và tương đậu xay nhuyễn thơm phức.
14. Bún tôm Châu Trúc
Ở làng Châu Trúc, nằm bên bờ đầm Châu Trúc, một đầm nước ngọt lớn giáp ba xã Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng, người dân sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Từ tinh thần chăm chỉ lao động và tình yêu thiên nhiên của họ, đã ra đời một món ăn thú vị - bún tôm Châu Trúc.
Để làm nên món bún tôm, họ kết hợp hai nguyên liệu chính là tôm đất từ đầm lên và bún gạo. Sự đơn giản nhưng tinh tế đã tạo nên một tác phẩm ẩm thực tuyệt vời, phản ánh đẳng cấp của người làng Châu Trúc.
Nhấp mắt vào tô bún tôm, bạn sẽ cảm nhận sự hài hòa về màu sắc, thanh bạch, không màu mè hay dầu mỡ. Hương thơm nồng nàn của tôm đồng và vị ngọt thanh của bún gạo tạo nên một hòa quyện tuyệt vời. Bún tôm Châu Trúc không chỉ là món ăn, mà còn là biểu tượng của sự hòa quyện với thiên nhiên và lao động tận tâm.