4. Bài văn nghị luận ấn tượng của HSG quốc gia số 5
'Ai bảo dính vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong.'
Nguyễn Bính đã từng than thở như thế. Bao con người cũng phải gánh chịu nỗi đau vì sự bạc bẽo của văn chương. Tại sao như vậy? Phải chăng nghệ thuật đòi hỏi rất cao ở người nghệ sĩ, đúng như Lêônit Lêônôp đã yêu cầu: 'Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung'.
Xuân Diệu và Nguyễn Tuân cũng có ý kiến tương tự như nhà văn Nga, khẳng định rằng các nghệ sĩ phải trau dồi cá tính sáng tạo của mình. Mỗi tác phẩm phải là một sự hiện diện của nhà văn đối với cuộc đời. Do vậy cái mới, cái độc đáo trong phong cách của người sáng tác phải thể hiện ở sự tìm tòi cái mới về nghệ thuật cũng như nội dung. Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Hiện thực cuộc sống là kho đề tài vô tận để người nghệ sĩ khám phá, phát hiện, nhưng đối với mỗi cây bút, nó lại được chiếu rọi dưới một ánh sáng riêng. Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình và biết làm cho ấn tượng ấy có được hình thức riêng biệt, độc đáo. Đúng như vậy, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của nghệ thuật.
Cuộc sống bày ra trước mặt biết bao cảnh ngộ, số phận. Người nghệ sĩ hơn những người bình thường ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể nói lên rõ rệt bản chất của hiện thực. Độc giả tìm đến với tác phẩm trước hết là để bồi đắp tâm hồn, làm phong phú hơn vốn tri thức. Vì lẽ đó, người sáng tác phải đem đến cho họ một cái nhìn mới, mang đậm dấu ấn chủ quan.
Cuộc sống là phong phú vô tận, nhưng sự hiểu biết và hứng thú của nhà văn thì có hạn. Do đó ngoài việc tìm đến những mảnh đất mới của hiện thực để gieo mầm tư tưởng, người nghệ sĩ phải biết phát huy vốn ấn tượng riêng của mình để tìm ra những gì mới mẻ trong những đề tài quen thuộc. Có như vậy, nhà văn mới tránh khỏi sự lặp lại vô nghĩa những điều mà người khác đã nói. Nói cách khác, mỗi nghệ sĩ phải tìm ra cho mình một con đường riêng để đến với cuộc sống và trái tim bạn đọc. Lep Tônxtôi đã từng nói với những người viết văn trẻ, đại ý: Nào, các anh có đem đến cho chúng tôi một cái gì mới khác với những người đến trước anh không? Bàn về thơ Nguyễn Tuân cũng khẳng định: 'Thơ là đã mở ra được một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị đóng kín'.
Mỗi tác phẩm là một thông điệp thẩm mỹ mà người nghệ sĩ gửi đến bạn đọc. Do đó trước hết mỗi tác phẩm là một 'khám phá về nội dung'. Muốn vậy, nhà văn không chỉ là 'người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho', mà phải biết 'đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có' (Nam Cao). Nhà văn phải biết nhìn sâu vào cuộc sống, hiểu về tâm hồn của con người để khám phá ra những vấn đề mới, cất tiếng nói riêng của mình với cuộc đời. Trong nghệ thuật, nội dung và nghệ thuật gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Nội dung là nội dung của hình thức, hình thức là hình thức của nội dung. Một nội dung mới sẽ tìm cho mình một hình thức mới. Sự thay đổi về hình thức biểu hiện cũng có thể kéo theo sự thay đổi về nội dung. Có khi nhà văn đề cập đến những vấn đề của muôn đời nhưng lại nói với giọng điệu riêng, âm sắc riêng của tâm hồn mình; do vậy tác phẩm vẫn đem đến cho người đọc cái mới đáng quý.
Cái độc đáo sáng tạo về nội dung và hình thức của tác phẩm tạo nên phong cách riêng của người nghệ sĩ không phải là chuyện cách nói mà chủ yếu là vấn đề cách nhìn, một cách nhìn nếu không do nghệ sĩ đem lại thì không bao giờ có được. Cái mới không chỉ đơn thuần thuộc về nội dung hay nghệ thuật một cách cực đoan, có nghĩa là không chỉ đơn thuần tìm ra cái mới trong hình thức mà trước hết phải xuất phát từ cái mới của nội dung. Khi cả tác phẩm toát lên cốt cách riêng, phong vận riêng mới lạ thì nó sẽ tác động mạnh mẽ vào người tiếp nhận. Người nghệ sĩ đi sâu vào cái chủ quan, cái cá nhân của mình, mặt khác vẫn phải gắn bó với cuộc sống để không đẩy sự mới lạ lên thành cá nhân chủ nghĩa.
Mỗi thời đại, mỗi tác giả góp vào dòng chảy văn học một cách cảm nhận mới, một niềm trăn trở khác nhau và một cách nói mới. Điều này sẽ tạo ra tính liên tục, phát triển sự phong phú của nền văn học. Mỗi giai đoạn văn học, mỗi nghệ sĩ có một bản sắc riêng, một diện mạo riêng. Chính những phát minh về hình thức đã góp phần làm cho văn học nhân loại vận động từ kiểu sáng tác này đến kiểu sáng tác khác.
Trong văn mạch dân tộc, nhìn trên diện rộng cũng có thể thấy mỗi thời đại để lại một khí chất, mang một cảm hứng chủ đạo khác nhau. Văn học Lý, Trần, Lê lấy cảm hứng chủ đạo là lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Sang giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, các nhà nghệ sĩ lại bị ám ảnh hơn cả bởi vấn đề số phận con người. Họ không đi vào ngợi ca cảnh thái bình thịnh trị như văn học thời Lê mà xoáy sâu vào bi kịch của những thân phận con người. Mỗi tác phẩm lớn của thời kỳ này là một tiếng yêu thương mỗi cá nhân. Sang giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cảm hứng nổi lên trong văn học chân chính lại là tình yêu mãnh liệt, khát vọng độc lập dân tộc. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các thi sĩ phong trào thơ mới nói lên khát vọng cởi trói cho cái 'tôi' cá nhân của mình... Mỗi thời đại có một nét riêng và cái riêng ấy dội vào tác phẩm với những âm hưởng khác nhau. Thú vị thật, độc đáo nhất với người đọc là sự lắng nghe những giọng điệu riêng của mỗi tâm hồn nghệ sĩ. Lĩnh vực thử thách lớn nhất đối với tài năng người cầm bút là trong một đề tài quen thuộc, anh có thể nói lên được điều gì mới lạ hay không. Bản sắc riêng, khí chất riêng của mỗi tâm hồn làm cho mỗi tác phẩm có một diện mạo riêng.
Cũng viết về kỹ nữ, nhưng Bạch Cư Dị, Nguyễn Du, Xuân Diệu, Tố Hữu, mỗi người có một cách nhìn riêng, một cách nói riêng. Bằng khúc 'Tì Bà Hành', thi sĩ họ Bạch cất lên tiếng nói xót thương đầy cảm thông cho người phụ nữ tài sắc và cũng thể hiện nỗi đau trong chính số phận long đong, lận đận của mình. Tiếng hát của người kỹ nữ cất lên giữa đêm trăng cô vắng làm thức dậy bao nỗi niềm của chàng Tư mã áo xanh. Nỗi xót thương ấy, nỗi đau khổ ấy vẫn gặp trong văn học cổ điển. Thấm thía mà nhẹ nhàng, nỗi sầu muốn lan ra cùng cảnh vật:
'Bến Tầm Dương đêm khuya đưa khách
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu'
Không hiểu sao hai chữ 'canh khuya' với mỗi tâm hồn Việt Nam lại có sức gợi đến thế? Không chỉ gợi cái khuya của thời gian mà còn chứa sẵn trong đó cảm giác bất trắc, muộn màng, e sợ. Nỗi buồn lan ra theo những dải tơ trời , khiến không gian như lặng ngắt để lắng vào cõi tâm tư, thấm vào lòng người và tràn ra thành dòng lệ. Nỗi đau ở đây là sự cộng hưởng của hai nguồn yêu thương: thương người và thương thân, tạo mối tình tri âm và tri kỷ, nói đúng hơn là tạo nên sự xót thương, đồng cảm giữa những nạn nhân đau khổ cùng một lứa bên trời lận đận. Mang tấm lòng đầy yêu thương đến với cái đẹp. Nguyễn Du lại nhìn thấy trong thân phận bất hạnh của người ca nữ nơi đấu Long Thành cả lẽ hưng phế của thời cuộc bể dâu, của một đời người đã trải qua bao cơn sóng gió, bao phen giang sơn thay chủ đổi ngôi. Cảm quan dâu bể thấm sâu trong từng câu chữ, tạo thành nỗi thương người, thương đời da diết của nhà thơ.
Tất cả những cảm thương, đau đớn ấy thể hiện những nét tâm tình của con người trung đại, yêu thương mà bất lực, bất lực nhưng vẫn lặng lẽ nếm chịu nỗi đau. Sang đến thơ mới, cái 'tôi' cá nhân thức dậy với sự tự ý thức về bản ngã rất mãnh liệt. Ở một hồn thơ cuồng nhiệt như Xuân Diệu, hình ảnh người kỹ nữ không đau xót một cách ngậm ngùi, nàng như run lên vì đau khổ và giá lạnh.
'Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da'
Nàng như một linh hồn cô đơn bị vây phủ bởi bốn bề lạnh lẽo. Cái lạnh xuyên thấu vào tâm can. Trăng không 'trong vắt' một cách tĩnh lặng, xa xôi mà từ cái sáng của vầng trăng còn toả ra hơi lạnh và sự cô đơn.
Nếu như Bạch Cư Dị, Nguyễn Du, Xuân Diệu yêu thương mà vẫn bất lực, vẫn chỉ biết đau đời cất lên tiếng kêu tuyệt vọng với con tạo hay đánh ghen với khách má hồng, thì Tố Hữu lại đem đến cho chúng ta một niềm lạc quan, tin tưởng . Từ trong hiện tại còn bao nhục nhã, xót xa, thi sĩ đã hướng tới ngày mai, một ngày mai tươi sáng. Nhà thơ khẳng định cuộc đời đau khổ của người kỹ nữ kia sẽ đổi thay:
'Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ hôm nay'
Như vậy, cùng viết về người kỹ nữ, các nhà nghệ sĩ đã gặp nhau ở sự đồng cảm, xót thương. Nhưng mỗi tác phẩm lại có một linh hồn riêng, tạo nên sức sống riêng. Nếu Bạch Cư Dị, Nguyễn Du viết bằng thể thơ Đường luật thì Xuân Diệu lại sử dụng thể thơ tự do, thoát khỏi sự gò bó về niêm luật.
Thiên nhiên cũng là một đề tài muôn thuở của văn chương nhưng không bao giờ cũ bởi mỗi thời đại, mỗi nghệ sĩ lại nhìn thiên nhiên ấy với một cảm quan riêng. Trong thơ cổ, thiên nhiên mang kích thước vũ trụ và thường được miêu tả như là bức tranh tĩnh lặng. Cảnh vật thiên nhiên được khắc họa bằng đôi nét chấm phá cốt ghi lấy cái linh hồn của tạo vật. Cũng là gió ấy, trời nước ấy nhưng thiên nhiên hiện lên trong mỗi tác phẩm một khác. Ta hãy cùng thưởng thức thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi:
'Nước biếc, non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh, nguyệt bạc khách lên lầu.'
Cảnh vật hiện lên như bức tranh sơn thủy hữu tình. Màu xanh của nước hòa cùng màu xanh của non tạo nên một vẻ đẹp thanh nhã. Con 'thuyền gối bãi' thật nhàn nhã, lặng lẽ. Cảnh tĩnh như không có chút xao động nào. Cả một bầu không khí thanh sạch, thơ mộng được mở ra. Nói là cảnh đêm mà sao ta vẫn thấy lung linh ánh sáng. Bến nước hay là bến thơ? Dường như không có chút bụi trần nào làm vẩn đục khung cảnh ấy. Hình ảnh con người - chủ thể trữ tình không đối diện với người đọc bằng một cái tôi cá thể một là nói về ai đó, có thể là một khách văn chương. Tư thế con người là đang vận động, đi lên cao, nhưng sao vẫn tĩnh lặng như không. Thi nhân thả hồn mình vào thiên nhiên, đắm say thiên nhiên, nhưng vẫn lặng lẽ, vẫn ung dung như đứng ngoài dòng chảy của thời gian. Ức Trai giao hòa với cảnh vật nhưng không hề làm cho nó động lên mà tất cả nhưng ngưng đọng lại.
Đến thời Nguyễn Khuyến, thiên nhiên vẫn mang nét đơn sơ, tĩnh lặng ấy:
'Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cầu trúc lơ phơ gió hắt hiu.'
Từ xanh ngắt không chỉ gợi độ xanh mà còn gợi chiều cao, chiều sâu thăm thẳm. Không gian thanh sạch như được đẩy ra tới vô cùng. Cảnh có chuyển động nhưng thật khẽ khàng. Cái lơ phơ vừa gợi sự thưa thớt của lá trúc trên cầu trúc vừa gợi sự lay động nhẹ nhàng. Dường như cái lơ phơ ấy chỉ để nhận ra làn gió hắt hiu.
Cũng là mùa thu ấy, làn gió ấy khi vào thơ Xuân Diệu chúng trở lên khác hẳn:
'Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đã nghe rét mướt luồn trong gió'
Làn gió của Xuân Diệu không hắt hiu thổi mà run rẩy vì thu đến. Rét mướt như một sinh thể ẩn trong gió. Cũng là cảnh cây cối, nhưng trong cảm quan của Xuân Diệu, lá cây cũng run lên vì lạnh.
5. Bài nghị luận ấn tượng của HSG quốc gia số 4
Những câu thơ của Anđécxen, vang lên từ thung lũng Ôđenzơ đầy sương mù và hoa thạch thảo tím biếc, đã gieo vào lòng nhà văn Pauxtôpxki những cảm xúc mãnh liệt: “Anđécxen đã hái những hạt thơ từ luống đất của người nông dân, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó nảy nở những bó hoa thơ tuyệt đẹp, an ủi trái tim những người khổ đau”. Thơ ca, hai chữ kỳ diệu mà bao đời vẫn chưa tìm ra một định nghĩa hoàn chỉnh. Thơ là gì? Thơ bắt nguồn từ đâu? Thơ có sức mạnh gì khiến triệu triệu trái tim trên thế giới không ngừng lay động? Phải chăng “thơ” như trong lời của nhà văn Nga V.Bêlinxki thế kỷ 19:”
Từ khi thơ ca xuất hiện mang đến hơi thở ấm áp cho hành tinh xanh với đại dương và những cánh rừng tươi thắm, chưa bao giờ có thể tổng kết được những định nghĩa về thơ. Có người cho thơ là “lơ tơ mơ”, “thơ là sự tuôn trào bột phát của tình cảm mãnh liệt”, thậm chí “thơ là một cái gì không định nghĩa được”. Phải chăng vì thế mà thơ thuộc về cõi huyền nhiệm, mông lung? Không, theo Bêlinxki, thơ là khái niệm hết sức gần gũi: “Thơ trước hết là cuộc đời”. Chữ “cuộc đời” như một vì sao sáng, bật lên từ thơ, làm rạng rỡ ánh sáng. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống. Cuộc sống luôn là nguồn cảm hứng vô tận của những tâm hồn nghệ sĩ. Nếu không bám rễ vào cuộc đời, thơ sẽ mãi mãi là cây non yếu đuối. Nhà thơ Lê Quí Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi non kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ”. Cuộc đời là mạch sữa ngọt ngào tuôn chảy nuôi dưỡng thi ca. Chế Lan Viên, một “triết gia thi sĩ”, từng rơi vào hố sâu tuyệt vọng: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh...”. Nhưng cuộc sống ấm áp của cách mạng đã làm tan băng giá trong tim thi sĩ: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ...”. Cuộc sống mênh mông và kỳ diệu! Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống, chứa đựng bóng hình cuộc sống và con người. Thơ ca là nơi gửi gắm tâm tình, ước mơ, khát vọng, những băn khoăn, ưu tư. Thơ không thể tách rời cuộc đời. Cuộc đời truyền nhựa sống cho thơ, và thơ làm đẹp cuộc đời, mang đến những phút giây tuyệt vời. Đọc thơ, người ta gặp tâm tư của người viết và cả tâm tư của chính mình, vì thơ là “tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí”. Thơ trở thành nhịp cầu vô hình dẫn dắt tâm hồn đến với tâm hồn, trái tim đến với trái tim. Nhà thơ là con ong cần mẫn trong khu vườn cuộc đời: “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật...”. Thơ là cuộc đời, nhưng không phải là trang giấy in nguyên vẹn hình bóng cuộc đời. Nhà thơ phải chắt lọc chất liệu từ cuộc đời, tạo nên những vần thơ thực sự giá trị. Thơ gắn liền với cảm xúc. Nhà thơ không thể hiện cuộc đời qua tình huống như nhà văn, mà bằng cảm xúc, ngôn ngữ thi ca. Thơ ca giá trị không thể tách rời cuộc sống. Đọc thơ mà không thấy nỗi lòng nhà thơ, đó không phải là thơ đích thực! Nếu không có Nguyễn Du uyên bác, không thể có “Truyện Kiều”. Nhưng nếu không có lầm than, cay đắng của xã hội phong kiến, không thể có những trang Kiều thấm đượm nhân bản. Nếu không có vùng quê Kinh Bắc yên bình, không thể có nỗi nhớ thiết tha của Hoàng Cầm trong “Bên kia sông Đuống”: “Em ơi buồn làm chi...”. Thơ luôn in đậm chữ “đời”. Cuộc đời ban cho thơ nguồn cảm hứng và chất liệu: “Vạt áo của nhà thơ không bọc hết bạc vàng...”. Thơ ca là hoa thơm của cuộc đời. Nếu chỉ từ trí tưởng tượng, thơ chỉ là hoa làm bằng “vỏ bào”. Nhà thơ phải nhặt hạt “bụi quý” trong cuộc đời để làm nên “bông hồng vàng” quý giá, mang niềm vui và cái đẹp cho tâm hồn người đọc. Ý kiến của Bêlinxki, “Thơ trước hết là cuộc đời”, không phải là cái nhìn phiến diện. Cuộc đời không phải là tất cả. Bêlinxki nhấn mạnh “nghệ thuật”. Thiếu nghệ thuật, thơ chỉ là ngọc thô. Thơ như cánh diều, cuộc đời tạo hình hài, nghệ thuật là gió nâng cánh diều bay cao. “Truyện Kiều” được yêu vì “ngôn ngữ gấm hoa” và âm hưởng ca dao dịu dàng: “Long lanh đáy nước in trời...”. Thơ bay cao từ nguồn gió nghệ thuật, mang đến cảm xúc thẩm mỹ tuyệt vời. Nhà thơ phải là thợ lặn lành nghề, tìm những viên ngọc trai lấp lánh trong đại dương cuộc sống. Nhà thơ cần rung động trước lớp sóng cuộc đời, nhưng phải có tài để trở thành “thi sĩ”. Để viết nên thơ có sức lay động, nhà thơ phải có tài năng và tâm huyết, tìm tòi, khám phá. Một nhà thơ nước ngoài đã từng nói: “Phí tổn ngàn cân quặng chữ...”. Lao động nghệ thuật là lao động trí óc và trái tim. Viết về mùa thu, từ “Ngô đồng nhất diệp lạc” đến “cúc vàng lưng giậu”, Trần Đăng Khoa cảm nhận mùa thu qua hình ảnh hoa cau giản dị: “Nửa đêm nghe ếch học bài...”. Những cánh hoa cau trắng muốt rụng đầy vại nước là “hoa cau cuộc đời” hóa thành “hoa cau nghệ thuật”. “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Ý kiến của Bêlinxki đầy giá trị! Thơ không phải là quả bóng bay xa vời, thơ luôn ấm áp hơi thở cuộc đời và mang dấu ấn nghệ thuật của nhà thơ. Thơ là dòng sông soi bóng cuộc đời, len vào tâm hồn người đọc. Nhà thơ phải “yêu cuộc đời” và trân trọng “nghệ thuật” để vun đắp những vần thơ thơm ngát. Tôi yêu văn thơ Anđécxen vì “chất người” ẩn chứa bên trong.