Tiểu luận - 2 từ gây ám ảnh cho bất kỳ sinh viên nào ở cuối kỳ. Mình đã tìm và thu thập các mẹo viết tiểu luận, hôm nay mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm quý giá để bạn có thể đạt điểm A+ nhé!
1. Về nội dung
Hạn chế sao chép Wikipedia quá mức trong bài tiểu luận. Lý do là nội dung trong Wiki có thể thay đổi và chỉnh sửa được nên độ chính xác chỉ là 50 - 50. Thêm vào đó, chỉ cần thầy cô search 3s là ra Wiki nên bạn dễ bị trừ điểm vì sao chép đạo văn.
Nên tham khảo các nguồn tiếng Anh: Tài liệu nước ngoài là vô tận, bạn có thể tìm mãi đến trang 5-6 của Google cũng chưa thấy cái cần nhưng search tiếng Anh một phát là ra ngay. Bạn có thể tìm theo từ khóa rồi chuyển ngữ thành tiếng Việt, chỉnh sửa theo ý hiểu của mình rồi chèn vào bài tiểu luận là ok.
Càng nhiều số liệu chứng minh càng tốt: Muốn điểm cao thì không thể dùng lý thuyết suông được mà cần có dẫn chứng, số liệu cụ thể. Bạn có thể tìm từ những nghiên cứu có sẵn, từ bài báo, báo cáo của sở - ban - ngành hay các khảo sát online lẫn offline.
Sử dụng hàm của Google để tìm tài liệu dễ dàng hơn: Bạn có thể tìm tài liệu bằng cách nhập: Tên tài liệu cần tìm filetуpe(hoặc đuôi docx) nhé!
2. Về hình thức trình bày
Bài tiểu luận nên trình bày rõ ràng, sáng sủa. Văn phong giản dị, trong sáng, sử dụng chính xác các thuật ngữ chuyên môn, đặc biệt, không được mắc các lỗi chính tả và ngữ pháp.
+ Bìa: Ngoài cùng của tiểu luận là bìa tiểu luận. Bìa được làm bằng giấy cứng, phía trên cùng đề tên trường và khoa, giữa trang đề tên đề tài bằng khổ chữ to, góc phải cuối trang đề họ tên người hướng dẫn, người thực hiện đề tài, lớp và năm học. Trang bìa có thể đóng khung cho đẹp.
+ Trang bìa: là bản chụp của bìa, in trên giấy bình thường
+ Lời cảm ơn (nếu cần)
+ Mục lục
+ Phần nội dung chính: Phần trình bày kết quả nghiên cứu của tiểu luận. Phần này gồm nhiều phần nhỏ, được trình bày chi tiết ở mục sau (xem mục II.3).
+ Danh mục tài liệu tham khảo
+ Phụ lục (nếu cần)
Đáp ứng tiêu chuẩn về:
Font chữ: Time New Roman
Cỡ chữ: 13 cho văn bản chính và 16 cho các tiêu đề
Khoảng cách dòng: 1.5 dòng
Đánh số trang ở giữa dưới cùng
3. Một số trang web hữu ích để viết tiểu luận tốt hơn
Check Plagiarism: Kiểm tra sao chép
Nhiều trường bây giờ đánh giá điểm dựa trên sự độc đáo, vì vậy bạn nên kiểm tra trước khi nộp để đảm bảo không sao chép quá 20%. Trang web này sẽ giúp bạn kiểm tra khoảng 10000 - 15000 từ mỗi lần tìm kiếm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tải lên các tệp pdf, docx, doc, txt.
Microsoft Academic: Tìm kiếm các tài liệu học thuật
Phát triển bởi Microsoft Research, đây là một trang web bạn có thể tìm được tất cả các tài liệu học thuật bằng tiếng Anh. Hiện trang web này có hơn 260 triệu ấn phẩm, bạn có thể tham khảo thoải mái nhé!
Edubirdie IEEE - Công cụ trích dẫn tài liệu tham khảo
Đây là một trang web hay giúp bạn giải quyết cơn đau đầu khi phải tạo tài liệu tham khảo ở cuối tiểu luận. Với hơn 10 kiểu trích dẫn như APA, IEEE, MLA, Chicago, Harvard, CSE…
4. Tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo là phần cần phải được trình bày theo đúng chuẩn, đúng quy tắc. Bởi nó giúp cho thầy cô dễ nhìn và để học viên dễ tra cứu, kiểm tra tính xác thực của các thông tin bạn đề cập trong bài luận của mình.
Khi trích dẫn tài liệu tham khảo trong nội dung bài tiểu luận, bạn cần đánh số thứ tự của tài liệu, để chúng trong ngoặc vuông. Ví dụ tài liệu tham khảo số 7, bạn đánh số [7] ở cuối phần trích dẫn.
Khi sắp xếp các tài liệu tham khảo với nhau, bạn phải chia ra các danh mục tài liệu tham khảo khác nhau, chia chúng theo từng khối tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, sắp xếp theo thứ tự tài liệu sách, báo đến tài liệu tạp chí và cuối cùng là tài liệu điện tử.
Trong mỗi danh mục tài liệu tham khảo, bạn cũng cần sắp xếp chúng theo trình tự alphabet bắt đầu từ tên tác giả. Mỗi tài liệu tham khảo cần ghi rõ tên tác giả, tên tài liệu, nguồn và thời gian truy cập gần nhất (đối với tài liệu điện tử).
Quy định viết tài liệu tham khảo cho bài tiểu luận như sau:
– Tên tác giả: Họ, tiếp là dấu phẩy (,) tiếp là các tên khác viết tắt đối với tiếng nước ngoài. Tên tác giả tiếng Việt nên viết đầy đủ cả họ và tên. Lưu ý khi viết tên tác giả không dùng học hàm, học vị của tác giả. Ví dụ PGS.TS.
– Năm xuất bản, tiếp theo là dấu phẩy (,), tên tài liệu in nghiêng
– Nhà xuất bản, nơi xuất bản, mỗi phần cách nhau bởi dấu phẩy (,)
5. Hoàn thiện tiểu luận
Bạn cần phải đọc lại và hoàn thiện tiểu luận sau khi đã viết được hầu hết nội dung tiểu luận.
Chính trong phần này, việc soạn thảo tiểu luận bằng máy tính sẽ phát huy tác dụng rất tốt.
Với máy tính, bạn có thể thêm, bớt, xóa, sửa văn bản tiểu luận một cách hết sức tự do.
Ngoài ra, bạn còn có thể chọn các hình ảnh, biểu bảng, sơ đồ, công thức… rất tiện lợi.
Trong bước này, bạn cần phải:
– Điều chỉnh nội dung và bố cục tiểu luận cho phù hợp với quá trình và kết quả nghiên cứu, đồng thời khiến các phần được liên kết với nhau một cách mạch lạc, rõ ràng. Lược bỏ những phần, những ý chưa thật chắc chắn hoặc quá lan man.
– Sửa chữa lỗi chính tả, câu văn và ý tứ sao cho tiểu luận được trình bày một cách chính xác, dễ hiểu và trong sáng.
– Chỉnh sửa nội dung và hình thức các bảng, biểu, hình ảnh… Nhập danh mục tài liệu tham khảo.
– Điều chỉnh định dạng các phần của văn bản tiểu luận như các tiêu đề, chú thích, tham chiếu… Tạo các phần cần thiết cho văn bản tiểu luận như: trang bìa, mục lục.
Với những chia sẻ về cách làm bài tiểu luận trên đây, mong rằng bạn đã có thể áp dụng luôn vào bài tiểu luận sắp tới của mình. Chúc bạn thành công với bài tiểu luận sắp tới của mình!