Bước chân vào trường đại học, các bạn trẻ không chỉ phải học cách tự chăm sóc bản thân, rèn luyện những kỹ năng sống mà còn phải đặc biệt chú ý điều chỉnh phương pháp học tập. Dưới đây là 6 kỹ năng vô cùng quan trọng mà sinh viên cần trang bị trong suốt 4 năm đại học giúp đạt được năng suất cao cả trong học tập và làm việc. Bài viết này cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ mình cần chuẩn bị những kỹ năng gì và những nhóm kỹ năng nào sẽ là hành trang giúp đữo bạn trong quãng thời gian đại học.
1. Năng lực ngoại ngữ
Một yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ môi trường học tập nào, đó chính là ngoại ngữ. Tùy vào mỗi trường sẽ đưa ra các yêu cầu về ngoại ngữ khác nhau. Thường những trường đại học sẽ có bài kiểm tra năng lực đầu vào tiếng anh nên nếu bạn đã có nền tảng hoặc đã từng thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ thì đây sẽ là một lợi thế của các bạn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa từng thi lấy chứng chỉ hoặc không có nền tảng thì đừng lo, hãy tận dụng 4 năm đại học của mình để cải thiện và nâng cao năng lực ngoại ngữ nhé!
2. Năng lực tự học
Khác với cách học cấp 3, phương pháp học đại học đòi hỏi sự chủ động từ các bạn sinh viên. Trước đây, học sinh chỉ cần đến lớp và nghe thầy cô giảng bài sau đó về nhà làm bài tập để củng cố kiến thức. Tuy nhiên, một khi lên đến đại học, chương trình học và kiến thức sẽ có thể mới lạ và rộng hơn rất nhiều, điều này đòi hỏi sinh viên phải tự chuẩn bị, tìm hiểu bài, các nội dung và vấn đề nghiên cứu trước khi đến lớp và khi lên lớp sẽ tự trình bày hết tất cả những gì mà bạn đã chuẩn bị, nhiệm vụ của giáo viên giống như cuốn “bách khoa toàn thư” sẽ đính chính lại, củng cố kiến thức hoặc cung cấp thông tin để bạn hiểu thêm về học phần đó và giải đáp các thắc mắc về những vấn đề mà bạn chưa hiểu khi nghiên cứu ở nhà. Vì vậy để đảm bảo có thể nắm bắt đầy đủ các kiến thức khi lên lớp thì sinh viên cần cải thiện khả năng tự học của mình.
3. Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và làm việc nhóm
Đây là chìa khóa quan trọng giúp bạn con đường thành công của bạn trở nên ngắn hơn không chỉ trong học tập mà còn công việc sau này. Để có thể làm việc nhóm hiệu quả, bạn cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt như chủ động lắng nghe, tôn trọng ý kiến của mọi người, biết điều khiển cảm xúc, sử dụng ngôn từ phù hợp, tinh thần trách nhiệm trong công việc… Và một kỹ năng không thể thiếu đó là thuyết trình, đây là lúc bạn kết hợp kỹ năng giao tiếp để truyền tải ý kiến, vấn đề của mình đến mọi người một cách logic, thuyết phục người nghe.
4. Tư duy phản biện
Kỹ năng này sẽ rất hiệu quả trong việc tự học, tự nghiên cứu các vấn đề. Đây là một kỹ năng mềm được các nhà tuyển dụng đánh giá cao và rất quan trọng để học tập và làm việc trong môi trường quốc tế toàn cầu. Muốn giải quyết vấn đề tốt phải đi đôi với kỹ năng phân tích, tất nhiên không phải ngày 1 ngày 2 là có thể giỏi mà nó đòi hỏi sinh viên cần phải rèn dũa từng ngày, biết cách nghiên cứu và nâng cao kiến thức trong lĩnh vực hoặc ngành của mình, thực hành nhiều, quan sát cách người khác giải quyết vấn đề như thế nào để tự bản thân mình tiến bộ và tìm ra các giải pháp tối ưu nhất.
5. Lập luận phân tích và giải quyết vấn đề
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, rèn luyện kỹ năng tranh biện là vô cùng cần thiết. Thông qua tranh biện, bạn sẽ cải thiện được cả kỹ năng giao tiếp, lập luận, khả năng phân tích vấn đề, tư duy logic, sáng tạo… bằng cách đặt câu hỏi hay bảo vệ luận điểm của mình. Ngoài ra, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng là một kỹ năng quan trọng không kém. Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills) là một trong những kỹ năng rất cần thiết trong học tập và làm việc bởi cuộc sống là một chuỗi những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải giải quyết mà không vấn đề nào giống vấn đề nào và cũng không có một công thức chung nào để giải quyết mọi vấn đề. Điều quan trọng là chúng ta phải tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết để khi vấn đề nảy sinh thì chúng ta có thể vận dụng những kỹ năng sẵn có để giải quyết vấn đề đó một cách hiệu quả nhất.
6. Kỹ năng quản lý thời gian
Một khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn để đến một môi trường mới, được tự do “bay nhảy”, chắc chắn sẽ khó thoát khỏi những cám dỗ, những cuộc vui, hay sự lười biếng của bản thân. Và điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học cũng như cuộc sống sinh viên của bạn. Tuy nhiên, để quản lý thời gian hiệu quả không phải là dành toàn bộ thời gian cho việc học hay hoàn thành một dự án nhanh chóng mà nó đánh giá dựa trên hiệu quả công việc đạt được và cách mà bạn phân bổ thời gian hợp lý cho học tập, làm việc và cuộc sống cá nhân. Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp bạn học tốt các chương trình quốc tế và chinh phục ước mơ của mình.