
Bạn đang gặp khó khăn trong việc ghi nhớ một lượng lớn thông tin? Có quá nhiều kiến thức cần ôn trước kỳ thi mà không biết bắt đầu từ đâu? Là một sinh viên, mình cũng đã trải qua những khó khăn như vậy, luôn bị 'ngợp' bởi lượng kiến thức cần xử lý trong mỗi tiết học. Nhưng, mọi thứ đã dễ dàng hơn rất nhiều từ khi mình biết đến phương pháp Spaced Repetition. Vậy Spaced Repetition là gì? Nó hiệu quả như thế nào trong học tập? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé!
1. Spaced Repetition là gì?
1.1 Nghiên cứu khoa học
Hermann Ebbinghaus - một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về sự quên kiến thức của con người. Năm 1885, ông đã thực hiện nghiên cứu bằng cách:
- Tạo ra một danh sách từ vựng không có ý nghĩa và học thuộc
- Kiểm tra lại các từ vựng này sau một khoảng thời gian nhất định.
Kết quả nghiên cứu của ông được thể hiện bằng đồ thị với khái niệm Đường cong lãng quên như sau:

Khi người học mới tiếp nhận thông tin, lượng kiến thức nhớ được là 100% và có xu hướng giảm dần. Độ dốc của đường càng giảm khi không ôn tập. Tuy nhiên, khi ôn tập ngắt quãng, độ dốc giảm ít hơn, lượng thông tin bị quên ít đi.

1.2 Nội dung của phương pháp Lặp lại ngắt quãng
Phương pháp Lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition) là kỹ thuật tăng thời gian giữa các khoảng ôn tập, giúp nhớ lâu và nhiều thông tin hơn.
Khác với phương pháp nhồi nhét thông tin ngắn hạn, phương pháp Lặp lại ngắt quãng khuyến khích chia nhỏ kiến thức và ôn tập đều đặn, giúp ghi nhớ lâu dài. Bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu cách áp dụng phương pháp này nhé!
2. Cách áp dụng phương pháp Lặp lại ngắt quãng vào học tập
2.1 Kết hợp với sơ đồ tư duy (Mind map)

Sơ đồ tư duy giúp ghi nhớ nhanh hơn so với đọc sách toàn chữ. Đầu tiên, hãy tạo sơ đồ tư duy từ những gì bạn nhớ. Khi không nhớ được nữa, hãy đối chiếu với kiến thức đã học để xác định phần khó nhớ. Sau khi hoàn thiện sơ đồ tư duy, kết hợp với phương pháp Lặp lại ngắt quãng để ôn tập thường xuyên.
2.2 Kết hợp với Flashcard

Flashcard rất hiệu quả để nhớ từ vựng và khái niệm. Ghi chú lại phần quan trọng hoặc khó nhớ, tạo flashcard với một mặt ghi khái niệm và mặt kia ghi đáp án. Sau đó, áp dụng Lặp lại ngắt quãng bằng cách ôn lại sau 2, 3 hoặc 5 ngày. Tách riêng phần đã nhớ và phần hay quên, chú ý hơn vào phần khó nhớ trong lần ôn sau.
2.3 Giảng lại cho người khác

Để tránh nhàm chán khi ôn tập, bạn có thể truyền đạt kiến thức đã học cho người khác. Khi giảng lại, bạn phải diễn đạt rõ ràng, logic để người nghe dễ hiểu. Đây là cách tuyệt vời để thực hành Active Recall và làm cho việc ôn tập theo phương pháp Lặp lại ngắt quãng trở nên thú vị hơn.
Trên đây là 3 cách mình đã áp dụng phương pháp Lặp lại ngắt quãng trong học tập. Ngoài ra, bạn cũng có thể sáng tạo ra những phương pháp ôn tập khác để làm cho việc học trở nên thú vị hơn!