Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ khoảng 7% giao tiếp của con người đến từ những gì bạn nói, 38% giao tiếp giữa con người được thể hiện qua các yếu tố liên quan đến giọng điệu và 55% giao tiếp giữa con người được thực hiện bằng hình thức phi ngôn ngữ hay còn được gọi là ngôn ngữ cơ thể.
Ngôn ngữ cơ thể là một khía cạnh quan trọng khi con người chúng ta giao tiếp, tương tác với nhau trong những tình huống, những cuộc hội thoại hằng ngày. Đó là quá trình giao tiếp thông qua các tín hiệu không lời hay nói đơn giản thì đó là những cảm nhận ban đầu của chúng ta khi nhìn hoặc nói chuyện với ai đó. Ngôn ngữ cơ thể bao gồm những thứ như tư thế, nét mặt, cử chỉ,... Tuy nhiên, ở mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia hay trong những tình huống cụ thể, thứ ngôn ngữ này sẽ được hiểu theo những ý nghĩa khác nhau.
Trong cuộc sống hằng ngày, cơ thể của chúng ta đang giao tiếp và miêu tả mọi thứ cho người khác cho dù chúng ta muốn hay không! Điều quan trọng là chúng ta phải học cách quản lý những tín hiệu phi ngôn ngữ này để giao tiếp hiệu quả với người khác. Nếu chúng ta không học cách nắm vững thứ ngôn ngữ này, chúng ta có thể có miệng nói một điều và ngôn ngữ cơ thể của chúng ta nói điều gì đó hoàn toàn khác! Một tình huống đơn giản, trong một cuộc phỏng vấn, bạn có thể muốn nói với người phỏng vấn rằng bạn là một người tự tin, nhưng nếu bạn nói điều này trong khi tránh né giao tiếp bằng mắt với người phỏng vấn và loay hoay với chiếc nút áo, thì cơ thể của bạn đang lại đang thể hiện điều ngược lại về con người của bạn.
Do đó để tránh những tình huống tương tự như trên xảy ra, bài viết sẽ tổng hợp một số mẹo giúp bạn sử dụng, điều khiển ngôn ngữ cơ thể một cách khéo léo để trở thành một người giao tiếp thành công và tự tin hơn. Khi học cách quản lý ngôn ngữ cơ thể của chính mình, tự nhiên bạn sẽ bắt đầu nhận thức rõ hơn về ngôn ngữ cơ thể của người khác và do đó, bạn cũng sẽ trở thành một người biết lắng nghe.
1. Tư thế
Một dấu hiệu phi ngôn ngữ quan trọng cần chú ý đặc biệt là tư thế. Tư thế có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mọi người nhận thức về bạn; nó có thể làm bạn trông tự tin, lo lắng, phấn khích, phòng thủ, thích thú hoặc buồn chán. Lời khuyên trong phần này là dù bạn đang ngồi hay đứng, hãy luôn giữ tư thế thẳng lưng. Tư thế này tạo ra phong cách tự tin và bản lĩnh cho bản thân bạn. Hãy ngồi thoải mái, giữ thẳng lưng trong mọi tình huống. Nếu mệt mỏi hoặc căng thẳng, bạn có thể nhẹ nhàng thay đổi tư thế ngồi. Tư thế ngồi đúng nhất là giữ dáng lịch sự, phù hợp với trang phục. Tư thế của gương mặt và cằm cũng là một ngôn ngữ hình thể thể hiện nhiều điều về con người và cảm xúc của bạn. Gương mặt và cằm không nên ngẩng cao quá vì có thể khiến người đối diện cảm thấy bạn kiêu căng và ngạo mạn. Ngược lại, nếu cúi đầu quá thấp, bạn trông thiếu tự tin. Vì vậy, việc giữ một tư thế tự nhiên và vừa phải cho gương mặt và cằm rất quan trọng.
2. Cử chỉ
Cử chỉ trong khi nói thực sự có thể giúp bạn nhấn mạnh điểm bạn đang cố gắng truyền đạt, nhưng cũng có thể làm giảm hoàn toàn những gì bạn muốn nói nếu bạn không cẩn thận! Ví dụ, nếu bạn chạm vào trái tim mình khi đang nói, điều đó có thể cho thấy bạn đang nói đúng hoặc việc nắm chặt hoặc vắt tay có thể là dấu hiệu của sự lo lắng hoặc bạn đang cố gắng an ủi bản thân hay chạm tay vào cổ có thể cho thấy bạn đang cảm thấy bối rối,... Do đó, việc hiểu về ngôn ngữ cử chỉ sẽ giúp bạn trở nên tinh tế, hiểu rõ người đối diện và ghi điểm trong mắt họ.
3. Ánh mắt
Chắc chắn ai cũng biết hoặc đã nghe rằng “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, và điều này rất đúng. Giao tiếp bằng ánh mắt có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến giao tiếp. Nói chung, ở nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, giao tiếp bằng ánh mắt với một người cần sự liên tục, phù hợp mà không phải lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào người đối diện vì điều này có thể khiến người bạn nói chuyện cảm thấy không thoải mái và khó chịu. Để giao tiếp một cách hiệu quả, việc quan trọng là tìm sự cân bằng của giao tiếp bằng ánh mắt. Bạn nên nhìn thẳng vào người đối diện khi giao tiếp, nhưng lưu ý không nhìn chằm chằm mà thay vào đó, thỉnh thoảng hãy đưa mắt nhìn xung quanh để đối phương cảm thấy thoải mái và bạn cũng vậy. Không nên đảo mắt liên tục, hoặc nhìn xéo sang người khác khi nói chuyện với họ. Đừng bao giờ nháy mắt với người khác giới, trừ khi đó là một cử chỉ hài hước bạn tạo ra để mọi người vui vẻ. Cũng không nên hướng mắt nhìn xuống chân vì người bi quan, thiếu tự tin, kẻ phạm tội thường có hành vi này, gây ra những cảm xúc không tốt ở người đối diện...
Tóm lại, hãy nhớ rằng, giao tiếp không chỉ là những từ bạn nói. Giao tiếp không lời và ngôn ngữ cơ thể 'nói lớn' và rõ ràng hơn nhiều so với những từ bạn đang nói. Nghiên cứu, thực hành khi có thể và rèn luyện ngôn ngữ cơ thể của bạn với những mẹo trên để trở nên tinh tế, khéo léo và thu hút người đối diện.