
Bạn là một sinh viên mới tốt nghiệp, đang bối rối vì không biết bản thân phù hợp với ngành nghề nào. Hãy thử sử dụng các bài test sau đây để hiểu rõ hơn về bản thân và xác định hướng sự nghiệp của mình.

1. Bài Test MBTI (Myers-Briggs Type Indicator)
Bài Test MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) dựa trên lý thuyết về các hệ thống nhân cách của nhà tâm lý học Carl Jung. Bài test này xác định các yếu tố cơ bản về tính cách và đề xuất các lĩnh vực công việc phù hợp.
Trong bài Test MBTI, bạn sẽ chọn câu trả lời phản ánh tính cách của mình nhất trong một tình huống cụ thể, sau đó nhận được gợi ý về ngành nghề phù hợp với tính cách của mình. Khi thực hiện bài test, hãy đảm bảo bạn đang trong tâm trạng thoải mái, đọc và hiểu kỹ câu hỏi, và trả lời một cách tự nhiên cho đến khi hoàn thành bài test.
MBTI phân loại tính cách dựa trên 4 chiều chính:
Hướng ra bên ngoài (Extraversion - E) hoặc hướng vào bên trong (Introversion - I): Đánh giá cách bạn sử dụng năng lượng từ môi trường xung quanh
Nhận thức (Sensing - S) hoặc trực giác (Intuition - N): Đánh giá cách bạn thu thập và xử lý thông tin.
Suy luận (Thinking - T) hoặc cảm nhận (Feeling - F): Đánh giá cách bạn ra quyết định và đánh giá thông tin.
Sắp xếp (Judging - J) hoặc nhận biết (Perceiving - P): Đánh giá cách bạn tương tác với thế giới bên ngoài.
Từ 4 chiều chính này, được kết hợp và chia thành 16 loại tính cách khác nhau. Mỗi loại tính cách đều có ưu điểm và phù hợp với từng môi trường, vai trò khác nhau.
2. Bài Test Holland
Bài Test Holland, còn được biết đến là Mã Holland hoặc bài test RIASEC, dựa trên lý thuyết của John Holland để xác định sở thích và năng lực của từng người, chia thành sáu lĩnh vực chính:
Realistic (R) - Thực tế: Thích làm việc với công việc thực tế, vật chất, thể chất và kỹ thuật.
Investigative (I) - Nghiên cứu: Năng động trong việc giải quyết vấn đề, khám phá, sáng tạo và tìm hiểu trong lĩnh vực khoa học và thông tin.
Artistic (A) - Nghệ thuật: Sở hữu sự sáng tạo, tự do, diễn xuất và biểu lộ bản thân qua nghệ thuật và sáng tạo.
Social (S) - Xã hội: Thích làm việc với con người, hỗ trợ, tương tác xã hội và giải quyết vấn đề trong cộng đồng.
Enterprising (E) - Doanh nhân: Năng động trong việc lãnh đạo, quản lý, tiếp thị, kinh doanh và có tinh thần khởi nghiệp.
Conventional (C) - Truyền thống: Thích làm việc với dữ liệu, thông tin, số liệu và tuân thủ quy tắc trong môi trường văn phòng.
Tùy thuộc vào tốc độ làm bài và số lượng câu hỏi, thời gian làm bài kéo dài từ 10 đến 20 phút. Để có kết quả chính xác, bạn cần trả lời một cách tự nhiên và hạn chế yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến quyết định của mình.
3. Bài test Giá Trị
Bài test Giá Trị giúp bạn hiểu rõ về giá trị cá nhân, tăng cường tự tin vào bản thân và nhận biết được những gì quan trọng đối với bạn trong cuộc sống. Từ đó, bạn có thể xác định mục tiêu, lựa chọn nghề nghiệp, xây dựng mối quan hệ và sống một cuộc sống ý nghĩa.
Bài test Giá Trị có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là:
Bảng đánh giá giá trị: Bạn sẽ nhận được một danh sách các giá trị cá nhân và nhiệm vụ của bạn là đánh giá mức độ quan trọng của từng giá trị. Thông qua việc đánh giá hoặc xếp hạng, bạn có thể xác định giá trị nào quan trọng nhất với bạn.
Trò chơi lựa chọn từ: Bạn sẽ được yêu cầu lựa chọn các từ mô tả giá trị mà bạn cảm thấy gần gũi hoặc sắp xếp theo ưu tiên cá nhân của bạn.
Câu hỏi trắc nghiệm: Những câu hỏi này sẽ liên quan đến các tình huống và sự lựa chọn mà bạn có thể đối mặt hàng ngày trong cuộc sống.
Dù là bài kiểm tra nào đi nữa, kết quả chỉ mang tính tham khảo và hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình. Hãy trải nghiệm đa dạng, lắng nghe chính mình; chỉ cần bạn làm như vậy, bạn sẽ nhận ra điểm mạnh của mình và lên kế hoạch phát triển, tạo nền tảng cho sự phát triển sự nghiệp trong tương lai.