(NLĐO) - Nhóm các nhà khoa học từ Đại học Tôn Trung Sơn ở Chu Hải (SYSU), đã phát hiện ra rằng, bề mặt của 'hành tinh đen tối' trong hệ Mặt Trời không những phức tạp như chúng ta tưởng tượng mà còn hơn thế.
Theo Báo South China Morning Post, trước đây, các nhà khoa học cho rằng Sao Thủy - hành tinh bé nhất của hệ Mặt Trời - có bề mặt tối tăm do đầy chất chì.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của nhóm SYSU đã chỉ ra rằng hàm lượng chất chì trên bề mặt Sao Thủy thấp hơn nhiều so với dự kiến trước đó, thay vào đó là sự hiện diện của kim cương và các dạng carbon vô định hình.
Sao Thủy, hành tinh gần Mặt Trời nhất, có thể phủ đầy kim cương - Ảnh: NASA/SPACE TONIGHT
Công bố các phát hiện trên tạp chí khoa học Nature Astronomy, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phân tích một số dữ liệu từ tàu MESSENGER của NASA.
Từ dữ liệu của tàu này, trước đó, một nhóm nghiên cứu từ Đại học John Hopkins (Mỹ) đã dẫn đầu giả thuyết rằng hành tinh gần Mặt Trời nhất ban đầu được cho là đầy chất chì trên bề mặt, dựa trên độ phản xạ thấp bí ẩn của bề mặt hành tinh này.
Nhóm nghiên cứu Mỹ ước tính rằng than chì chiếm tới 4% của lớp vỏ bề mặt của Sao Thủy. Còn vỏ nguyên sơ của hành tinh được cho là còn chứa nhiều than chì hơn, nhưng đã bị phủ bởi lớp vật liệu từ núi lửa.
Với phân tích mới, nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho rằng than chì chỉ chiếm 1% trong tổng số vật liệu trên bề mặt của Sao Thủy, với sự xuất hiện của một số dạng tinh thể carbon khác và kim loại sắt đủ để giải thích sự phản xạ kỳ lạ của hành tinh này.
'Nhóm nghiên cứu từ Trung Quốc cho biết: 'Than chì tinh thể trong lớp vỏ sơ cấp có thể đã trải qua quá trình biến chất hoặc phá hủy mạnh mẽ do các yếu tố bề mặt, bao gồm cả tác động từ magma, va chạm với thiên thạch và sự phong hóa không gian'.
Theo các tác giả từ Đại học Tôn Trung Sơn, carbon trên Sao Thủy có thể chủ yếu xuất hiện dưới dạng nano tinh thể kim cương do tác động kéo dài dưới quá trình biến chất và dưới dạng carbon vô định hình do tác động của sự phong hóa không gian.
Cả hai loại vật liệu này đều có màu tối, không lấp lánh như kim cương trang sức mà chúng ta thường thấy.
Theo GS Xiao Zhiyong từ Trường Khoa học khí quyển của Đại học Tôn Trung Sơn, tác giả chính của nghiên cứu, hầu hết than chì trên Sao Thủy đã trải qua quá trình biến chất sau 4 tỷ năm phong hóa. Điều này giải thích tại sao kim cương và carbon vô định hình giờ đây trở nên phổ biến hơn.
Để có câu trả lời cụ thể hơn, các nhà khoa học trên thế giới đang chờ đợi kết quả từ tàu vũ trụ BepiColombo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan thăm dò vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Hai tàu này đã rời Trái Đất từ năm 2018 và dự kiến sẽ đến gần Sao Thủy vào cuối năm 2025.