Fujifilm GFX-50R không thể phủ nhận là chiếc máy ảnh cao cấp nhất được ra mắt trong năm nay, kết hợp chất lượng ảnh đỉnh cao với thiết kế range-finder cổ điển, nhỏ gọn. Hãy cùng khám phá loạt ảnh chân thực về sản phẩm này tại Việt Nam.
Tại sự kiện Photokina năm nay, Fujifilm đã làm điên đảo cộng đồng nhiếp ảnh khi giới thiệu chiếc máy ảnh GFX-50R. Đây là sản phẩm sở hữu cảm biến Medium Format (lớn hơn Full-frame 1.7 lần) thứ 2 của hãng, sau chiếc GFX-50S đã ra mắt từ 2 năm trước. Đây chính là chiếc máy ảnh cao cấp nhất được giới thiệu trong năm vừa qua, và chắc chắn sẽ là niềm ao ước của các nhiếp ảnh gia.
So với Fujifilm GFX-50S, GFX-50R được thiết kế theo phong cách range-finder cổ điển, cũng như cắt giảm các chi tiết không cần thiết để trở nên nhỏ gọn hơn. Bề ngoại của máy rất giống với sản phẩm X-Pro 2, một chiếc máy mang cảm biến APS-C cũng của Fujifilm, có mặt trước dán da và cầm nắm nhỏ gọn.
Điểm nổi bật và cũng là lý do khiến chiếc máy này có giá trên 100 triệu đồng chính là cảm biến chụp hình. GFX-50R trang bị cảm biến Medium Format với độ phân giải lên đến 51.4MP. Cảm biến lớn hơn Full-frame giúp máy thu được nhiều ánh sáng hơn cho mỗi điểm ảnh, tạo ra các bức ảnh sắc nét và có chuyển màu tốt hơn. Cảm biến này đã được sử dụng trong máy Fujifilm GFX-50S và Hassblad X1D, là 2 chiếc máy đứng đầu trong bảng xếp hạng máy ảnh của DxOmark.
Đương nhiên, là sản phẩm của Fujifilm nên máy cũng được trang bị bộ xử lý X-Processor với các bộ mô phỏng màu sắc phim nổi tiếng như Classic Chrome, Provia, Velvia... dựa trên những dòng phim mà hãng đã phát hành trên thị trường. Những bộ mô phỏng này đã giúp tạo nên danh tiếng của Fujifilm trên các dòng máy X-mount nhỏ gọn, và việc tích hợp chúng vào các sản phẩm cao cấp là một quyết định thông minh.
Với kích thước nhỏ gọn hơn, GFX-50R nhắm đến các nhóm khách hàng chụp ảnh hàng ngày, chụp chân dung ngoại cảnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy máy vẫn lớn hơn, dài hơn và nặng hơn so với các máy Full-frame không gương lật trên thị trường, đặc biệt khi kết hợp với các ống kính Medium format cồng kềnh.
Phần đỉnh của máy có hot-shoe để gắn đèn flash, vòng điều chỉnh tốc độ chụp, cân bằng sáng và nút bấm chụp. So với phiên bản 'S', ta không thấy vòng xoay độc lập cho ISO, nhưng thông số này có thể điều chỉnh bằng vòng ở phía sau hoặc trên màn hình cảm ứng.
Tên sản phẩm được in trên nắp kim loại của máy.
Tương tự như tất cả các dòng máy ảnh chuyên nghiệp của Fujifilm, GFX-50R được trang bị 2 khe cắm thẻ nhớ để tăng dung lượng (overflow) hoặc lưu trữ song song để đảm bảo an toàn (back-up).
Các cổng kết nối được đặt ở dưới cùng, trong đó có cổng USB Type-C để chụp theo kiểu tethered, cho phép chuyển ảnh nhanh chóng sang máy tính để chỉnh sửa trong định dạng chất lượng cao. Đây là một tính năng được rất nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ưa chuộng, nên không thể thiếu trên chiếc máy ảnh này.
Bề mặt sau của máy đơn giản, có một vòng xoay, nút xóa ảnh, nút điều chỉnh lấy nét, nút Menu và xem trước.
Điều đặc biệt là một nút điều khiển (Joystick) nhỏ để điều chỉnh điểm lấy nét và điều hướng menu nhanh chóng.
Màn hình của máy có độ phân giải 2.36 triệu điểm ảnh, hỗ trợ cảm ứng đa điểm và có thể xoay ra ngoài để chụp ở các góc khó khăn.
Nếu không muốn sử dụng màn hình, người dùng có thể dùng ống ngắm điện tử (EVF) với độ phóng đại 0.77x và độ phân giải 3.69 triệu điểm ảnh. Đây là một trong những ống ngắm điện tử đẹp nhất trên thị trường, đặc biệt so với các ống ngắm của các máy ảnh Full-frame không gương lật, với độ phóng đại lớn và sắc nét cao hơn.
Hiện tại, Fujifilm đã có 7 ống kính cho hệ thống máy ảnh Medium Format, bao gồm 6 ống kính Prime và 1 ống kính Zoom. Theo thông tin từ buổi trải nghiệm, trong năm 2019, hãng sẽ giới thiệu thêm 3 ống kính nữa, nâng tổng số lên 10 chiếc. Mặc dù số lượng này ít hơn so với dòng X-mount và các hệ thống máy ảnh khác, nhưng đã đủ đáp ứng các nhu cầu sử dụng phổ biến nhất.
Đây không phải là sản phẩm dành cho đại đa số, bởi giá cả của máy và các phụ kiện kèm theo rất cao. Một viên pin cho máy có giá hơn 5 triệu đồng, trong khi các ống kính thường có giá trên 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là mức giá mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẵn lòng trả để có được chất lượng ảnh hàng đầu thế giới.