Gen Z ở Việt Nam đã quen thuộc với những từ vựng ở phong trào New Age như “chữa lành”, “phát triển bản thân.” Phong trào này có nguồn gốc ra sao, và tìm đường tới Việt Nam như thế nào?
“Cố gắng định nghĩa bạn là ai giống như là cố gắng cắn vào răng của chính mình.”
“Bí mật thực sự của cuộc sống là cam kết với những gì bạn đang thực hiện, tại đây và lúc này. Và thay vì gọi nó là công việc, hãy nhận ra rằng nó là cuộc chơi.”
Alan Watts, nhà thần học, triết học người Anh sẽ bất ngờ khi những câu nói trên của ông vẫn còn 'viral' với giới trẻ, 50 năm sau ngày ông mất. Watts được coi là một trong những podcaster vĩ đại nhất của nhân loại, một triết gia gây tranh cãi vì góp phần khởi xướng phong trào “New Age” (Thời Đại Mới) ở Mỹ và các nước phương Tây những năm 60-70 của thế kỷ trước. Ông cũng là một gương mặt nổi bật của thị trường sách chữa lành và phát triển bản thân tại Việt Nam.
Ngày nay ở trong nước, chúng ta đã quen thuộc với những từ vựng như “chánh niệm”, “chữa lành”, “đi tìm vũ trụ bên trong bạn”, “sống trong hiện tại”, v.v. Được xem như xuất phát từ hệ thống tư tưởng cốt lõi của các nước Á Đông, song ta lại nghe chúng từ các tác giả, diễn giả New Age nổi danh ở phương Tây như chính Alan Watts, hay Carl Jung, Timothy Leary, Aldous Huxley, Osho, v.v.
Là phong trào văn hoá, tôn giáo, tri thức, và tiêu dùng gây tranh cãi bậc nhất của thế kỷ 20, New Age có những thành tố nào xây dựng nên, trải qua những bước phát triển gì, và vì sao lại được đón nhận ở Việt Nam?
Phong trào New Age ở phương Tây
Cung cấp một định nghĩa duy nhất về New Age là không hề dễ dàng. Vì đó là tên gọi chung của rất nhiều xu hướng tư tưởng và thực hành xuất phát từ một số nguyên nhân lịch sử. Nỗi chán chường về một thảm hoạ hạt nhân xuất phát từ cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, các cuộc chiến tranh đẫm máu ở Triều Tiên và Việt Nam, và chủ nghĩa tiêu dùng cùng nhau làm nên phong trào New Age.
Tư tưởng phản chiến là nguyên do xã hội đầu tiên của New Age, sau đó là các phong trào Hippie cổ vũ người trẻ từ bỏ xã hội công nghiệp bon chen, quay về lối sống thuận tự nhiên. Phong trào này cũng “học hỏi” từ các tư tưởng phương Đông như Phật Giáo, Đạo Giáo, tín ngưỡng shaman giáo của các cộng đồng bản địa, v.v. “Zen boom” là tên gọi khác của cơn sốt Á Đông này.
Với Michel Bauwens, cây viết quen thuộc của tờ Open Democracy, phong trào New Age có thể được xem như sự thay thế đối với chủ nghĩa xã hội siêu tưởng mà một số phong trào chống tư bản lúc đó đang theo đuổi. Với thực hành cụ thể, người trẻ đã xoay chuyển những tư tưởng cố hữu trong xã hội phương Tây như ám ảnh với tích luỹ vật chất và chủ nghĩa cá nhân. Họ tin vào những kết nối siêu nhiên của vũ trụ để “chữa lành” thế giới đầy nỗi đau.