Một cuộc hành trình khám phá vùng đất hoang dã đã đưa ba anh em ở Mỹ vào một phát hiện đầy kinh ngạc. Họ tìm thấy hóa thạch của một con khủng long bạo chúa có niên đại lên đến 67 triệu năm, một khám phá khảo cổ không thể tin được
Câu chuyện bắt đầu vào mùa hè năm 2022, khi cậu bé Liam Fisher (7 tuổi) cùng với anh trai Jessin (10 tuổi) và người anh họ Kaiden Madsen (9 tuổi) có một chuyến du lịch đến thị trấn Marmarth (Bắc Dakota, Mỹ). Nằm trong một vùng đất hoang dã với dân số chỉ 101 người, Marmarth được biết đến với cái tên “thủ phủ khủng long” vì chứa đựng nhiều bí mật về thời tiền sử
Dưới sự hướng dẫn của ông Sam Fisher - cha của Liam và Jessin, ba cậu bé đã được tham gia khám phá khu vực tầng địa chất Hell Creek, nơi nổi tiếng với trữ lượng hóa thạch khổng lồ từ kỷ Phấn Trắng kéo dài qua ba bang Montana, Wyoming và Nam Dakota. Tại đây, Liam phát hiện ra một mảnh xương nhô ra từ lớp đất đá. Ban đầu, cậu bé nghĩ rằng đó chỉ là một mảnh vỡ nhỏ không đáng chú ý và đặt tên cho nó là “chunk-osaurus” - một cách gọi đùa cho những mảnh hóa thạch không thể xác định được
Hình minh họa
Ngay cả Tyler Lyson - nhà cổ sinh vật học về động vật có xương sống kiêm trợ lý phụ trách bảo tàng - ban đầu cũng nghĩ rằng đó là hóa thạch của loài khủng long mỏ vịt khá phổ biến. Nhưng cuộc khai quật vào năm sau đó đã đem lại một bất ngờ lớn. Thay vì tìm thấy xương cổ của khủng long mỏ vịt, họ lại phát hiện ra một phần xương hàm với hàm răng sắc nhọn “chẳng lẫn vào đâu được” của loài khủng long bạo chúa
Dựa trên kích thước xương chày được tìm thấy, các chuyên gia ước tính con khủng long bạo chúa này chết khi mới 13 đến 15 tuổi, nặng khoảng 1.587,5 kg, bằng khoảng 2/3 trọng lượng của một con khủng long bạo chúa trưởng thành. Hiện tại, nhóm khai quật đã tìm thấy một chân, xương hông, xương chậu, một vài đốt sống đuôi và một phần hộp sọ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể xác định được tính toàn vẹn của bộ xương
Trong một phát biểu về phát hiện đáng chú ý này, ông Tyler Lyson đã nói: “Dù đã có hơn 100 mẫu hóa thạch khủng long bạo chúa được khai quật, nhưng hầu hết chỉ là những mảnh vụn. Quá trình tìm kiếm, lắp ráp và chia sẻ thành quả nghiên cứu những mẫu hóa thạch hoàn chỉnh như thế này mang lại cho chúng tôi cảm giác thật tuyệt vời”. Dự kiến, cần mất khoảng một năm nữa, nhóm nghiên cứu mới có thể hoàn tất việc khai quật toàn bộ hóa thạch. Sau đó, hiện vật sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên ở Denver (Colorado, Mỹ)