Quản lý cảm xúc của bản thân thật sự không dễ. Tuy nhiên, hãy học cách kiềm chế và che giấu những cảm xúc tiêu cực, đừng để sự tức giận, sợ hãi, lo lắng... kiểm soát và chi phối bạn, vì chúng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn.
Có câu nói rằng: “Làm chủ được cảm xúc, bạn có thể sẽ có cả thế giới.” Cảm xúc giống như thiên thần hay ác quỷ trong ta. Khi cảm xúc dâng cao, chúng ta mất lý trí, khiến tư duy hỗn loạn và đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến hối hận không nguôi.
Trong cuộc sống, người tư duy chưa chín chắn thường biểu hiện vui buồn ngay trên mặt. Người như vậy giống thời tiết thất thường, khi tức giận thì lầm lì, khi phiền não thì thở dài, khi sợ hãi thì cằn nhằn, tạo ra sự khó chịu cho người xung quanh.
Những người thường mang cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã, sợ hãi dễ bị xa lánh. Cảm xúc tiêu cực lan truyền, khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu và không muốn tiếp cận họ.
Tâm lý học cho rằng, cảm xúc tiêu cực làm tâm trạng con người bị đè nén, mất ý chí vươn lên và chiến đấu. Nghiêm trọng hơn, nó còn gây tổn hại đến sức khỏe tâm sinh lý và gây ra các bệnh tật.
Việc biết kiềm chế và che giấu cảm xúc tiêu cực đã trở thành một tiêu chí quan trọng của con người. Cảm xúc là một trong những phẩm chất quan trọng, quyết định cách bạn giao tiếp và kết quả đạt được. Một nhà tâm lý học từng nói: “Thực ra, môi trường sống của chúng ta là trung tính, chính cảm xúc đã gán cho nó tính tích cực hay tiêu cực. Chúng ta thường coi giả thiết của mình là bản chất của cuộc sống và bị ảnh hưởng bởi chúng.”
Nhà tâm lý học đã thực hiện một thử nghiệm thú vị. Ông yêu cầu hai nhóm tình nguyện viên dùng các tư thế biểu cảm khác nhau để xem cùng một bức tranh. Nhóm thứ nhất ngậm bút máy, trông như mỉm cười; nhóm thứ hai ngậm bút chì, trông như đang tức giận. Khi được hỏi về “cảm nhận về bức tranh”, nhóm thứ nhất có nhiều người cảm thấy bức tranh thú vị hơn.
Thử nghiệm cho thấy, do cảm xúc trong lòng mỗi người khác nhau, nên cách nhìn nhận cùng một sự việc cũng khác nhau. Chúng ta thường bị cảm xúc chi phối, nhưng nếu biết tự chủ điều tiết và kiềm chế, chúng ta sẽ nhận ra sự việc không tệ như mình tưởng.
Ánh Hồng làm kế toán trong công ty đã hai năm, tính tình ôn hòa và được mọi người yêu quý. Nhưng cuối năm, công việc bận rộn và áp lực lớn khiến cô trở nên nóng nảy. Tại công ty, cô có thể cãi nhau với đồng nghiệp vì chuyện nhỏ; về nhà, cô thở dài và trách móc chồng.
Mọi người đều quan tâm đến Ánh Hồng, bản thân cô cũng nhận thấy như vậy là không tốt, nên đã tìm đến chuyên gia tâm lý để thổ lộ. Cô nói: “Tôi không thể kiềm chế được bản thân, thường xuyên căng thẳng và bực tức vô cớ.” Chuyên gia hỏi: “Có thể cho tôi biết tại sao tâm trạng của cô không tốt không?” Ánh Hồng lắc đầu: “Thực ra tôi cũng không biết. Có thể là do áp lực công việc quá lớn.” Chuyên gia hỏi tiếp: “Áp lực công việc luôn có, nhưng gần đây có gì đặc biệt làm cô căng thẳng không?” Ánh Hồng thừa nhận: “Gần đây áp lực lớn nhất là công ty muốn cắt giảm nhân lực, và tôi đã phạm một lỗi nghiệp vụ, rất sợ bị đuổi việc vì sai lầm này.”
Sau khi được chuyên gia tư vấn, Ánh Hồng cảm thấy thoải mái hơn. Cô nói: “Sau khi bày tỏ những phiền muộn trong lòng, tôi cảm thấy sự việc không còn tồi tệ như trước.”
Sau khi tìm ra vướng mắc, cần nghĩ cách giải quyết. Ánh Hồng gạt bỏ áp lực, tập trung toàn lực vào công việc và cuối cùng đạt thành tích xuất sắc. Cô vui mừng bày tỏ lòng biết ơn chuyên gia tâm lý, nhờ ông mà cô đã vượt qua được cảm xúc nhất thời.
Phương pháp điều tiết cảm xúc bao gồm cả tự ám thị. Khi nhìn vào gương thấy khuôn mặt nhăn nhó, tâm trạng sẽ tệ hơn. Hãy thử mỉm cười với chính mình trong mười giây, bạn sẽ thấy mỉm cười rất đơn giản và tâm trạng cũng nhẹ nhõm hơn. Đây là phát hiện thú vị của các nhà tâm lý học: cảm xúc ảnh hưởng đến biểu cảm và ngược lại. Chúng ta có thể điều chỉnh cảm xúc bằng cách đi mua sắm, chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè...
Chúng ta là chủ nhân của cảm xúc, vì vậy hãy quản lý và đối xử tốt với nó, luôn duy trì nó ở trạng thái tốt nhất, để làm thần bảo hộ cho vận may và nhân duyên của mình.