Triệu chứng 'sợ mất kết nối' (FOMO) được coi là 'vấn đề của thời đại' khi điều quan trọng nhất không phải là trải nghiệm cuộc sống mà là lo sợ mất kết nối với thiết bị điện tử.
Khi Jasper Chan bước vào khuôn viên của chùa Wat Arun ở Bangkok (Thái Lan), một cảm giác lo lắng bắt đầu hiện lên. Anh lo sợ khi mất kết nối Internet trên điện thoại di động và không thể gọi video qua Whatsapp.
'Tôi muốn câu trả lời ngay bây giờ! Tôi đã không mang theo laptop!', Chan, một luật sư 30 tuổi, phàn nàn với đồng nghiệp của mình.
Mọi người xung quanh đều ngạc nhiên khi nhìn anh. Họ kỳ lạ vì anh không tập trung vào tranh khảm và kiến trúc độc đáo của chùa. Anh cũng không thư thả để thưởng thức không khí yên bình như những người khác. Anh ta chỉ tập trung vào màn hình smartphone không có sóng.
Theo nghiên cứu của Priority Pass - một công ty toàn cầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ hành khách hàng không cao cấp, hơn một phần ba du khách cảm thấy khó rời khỏi cuộc sống hàng ngày khi đi nghỉ. Những người như Chan tham gia khảo sát cho biết họ luôn phải đối mặt với áp lực duy trì kết nối với thiết bị của mình. Hơn 73% bày tỏ lo lắng bỏ lỡ tin nhắn nếu không kiểm tra điện thoại thường xuyên.
Todd Handcock, giám đốc thương mại toàn cầu và chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Priority Pass, nói: 'Việc tiếp tục làm việc từ xa sau đại dịch đã làm trầm trọng thêm sự kết nối liên tục với các thiết bị làm việc, khi ranh giới giữa cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân tiếp tục bị xóa nhòa'.
Cảm giác khó chịu khiến mọi người bị trói buộc vào thiết bị của mình được các chuyên gia tâm lý đặt tên là 'hội chứng sợ tắt máy', hay FOSO (Fear of switching off). Nó gần giống với nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO - Fear of missing out), thường được biểu thị là nỗi lo lắng không được tham gia vào những trải nghiệm hoặc hoạt động thú vị mà người khác tham gia.
Handcock cho biết FOSO có thể được coi là phần mở rộng của FOMO. Ông giải thích thêm: 'Nỗi sợ bị ngắt kết nối khỏi các thiết bị một phần xuất phát từ nỗi sợ bỏ lỡ việc cập nhật tình hình ở cơ quan hay gia đình'.
Và sự khó chịu dai dẳng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí là kỳ nghỉ của mọi người.
Chan thừa nhận mắc hội chứng FOSO: 'Có rất nhiều nhóm du khách tập trung chụp ảnh, trong khi tôi lại bận rộn với điện thoại và tìm góc yên tĩnh để nhận cuộc gọi' .
Tiến sĩ Cortney Warren (Mỹ), một nhà tâm lý học lâm sàng, coi FOSO là trải nghiệm của những người muốn thư giãn nhưng không thể thoát khỏi trách nhiệm hàng ngày trong cuộc sống.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Kepios, hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sử dụng mạng xã hội, phần lớn bị lệ thuộc vào một nền tảng nào đó và điều này có thể gây nghiện.
'Mọi người đều biết (việc nghiện mạng xã hội) không tốt nhưng việc rời bỏ thiết bị điện tử và sống trong hiện tại không phải là điều dễ dàng', tiến sĩ nói. 'Việc du lịch cũng có thể gây căng thẳng vì bạn không có thói quen này hàng ngày và có thể có những công việc đang diễn ra ở nhà đòi hỏi bạn phải chú ý để mọi việc diễn ra suôn sẻ'.
Theo khảo sát của Priority Pass, FOSO phổ biến ở những du khách trẻ tuổi. Khoảng 51% Gen Z (độ tuổi 18-27) thừa nhận đã kiểm tra tin nhắn công việc khi đi du lịch. Chỉ khoảng 29% người thuộc thế hệ Baby Boomer (59-77 tuổi) nói họ từng làm như vậy .
Tovah Klein, phó giáo sư tại Đại học Barnard (New York, Mỹ), cho rằng điều này dễ hiểu vì thế hệ Baby Boomer đã trưởng thành từ rất lâu trước khi công nghệ di động và mạng xã hội trở nên phổ biến. Trong khi đó, các thế hệ trẻ hơn, như Gen Z và Millennials (27-42 tuổi), đã lớn lên với công nghệ và có xu hướng được kết nối liên tục hơn.
Đầu tháng 3, Jefferson Low, 29 tuổi, một nhà giao dịch tiền tệ tại một ngân hàng, đã dành cả tuần trong kỳ nghỉ để đi trượt tuyết ở Niseko, một khu nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Sau mỗi lần trượt, khi bạn bè của anh đang phủ tuyết và chuẩn bị cho vòng trượt tiếp theo, Low lại lấy điện thoại ra kiểm tra diễn biến thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người quyết tâm chiến đấu chống lại hội chứng FOSO. Họ thiết lập quy tắc 'không làm việc' khi đi nghỉ.
Tan De Xun, một nhân viên bán hàng tại một công ty phần mềm ở Singapore, nói rằng khi ở nước ngoài, anh cố gắng không sử dụng điện thoại. 'Tôi rất rõ ràng về việc đặt ranh giới. Không có gì liên quan đến công việc sẽ được lưu trên điện thoại cá nhân của tôi', anh nói. 'Vấn đề hàng đầu mà nhiều người gặp phải là họ mở rộng các ứng dụng kinh doanh trên điện thoại của mình, như Teams và Outlook'.
Tuy nhiên, không phải công việc của mọi người đều cho phép họ thư giãn hoàn toàn.
Luật sư Chan cho biết anh duy trì việc truy cập vào email công việc trên tất cả các thiết bị của mình để có thể kiểm tra và phê duyệt tài liệu bất cứ khi nào anh có thời gian, thậm chí tham gia các cuộc họp trên Zoom vào các ngày nghỉ nếu cần thiết.
'Tôi chỉ là một bánh răng trong cơ chế nên nếu tôi không phản hồi kịp thời, công việc của những người khác ở dưới sẽ bị ảnh hưởng', anh giải thích