'The Pale Horse (Biệt thự Bạch Mã)' là một tác phẩm trinh thám của Christie được xuất bản lần đầu vào năm 1961 tại Vương quốc Anh. Mặc dù không nổi bật trong số khoảng 80 tác phẩm của bà, nhưng lại thu hút sự chú ý bởi mối liên hệ với thực tế. Cuốn sách đã một lần giúp bắt được kẻ sát nhân hàng loạt và cứu ít nhất hai mạng người khi độc giả nhận ra các triệu chứng ngộ độc thallium như trong sách.
Trong 'The Pale Horse', kẻ sát nhân sử dụng thallium sulfate, một hóa chất không màu, không mùi, không vị, tan trong nước và có độc tính cao, có thể gây khó thở, nói lắp, ngất xỉu, rụng tóc và sau đó là tử vong nếu tiếp xúc với lượng lớn.
Vào thời điểm xuất bản, ngộ độc thallium vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Mặc dù thallium tồn tại tự nhiên nhưng hàm lượng rất thấp nên nguy cơ gây hại vô cùng hiếm hoi. Nhưng các đặc tính khó phát hiện của thallium lại là yếu tố lý tưởng cho Christie khi viết tiểu thuyết trinh thám.
Giúp bắt được kẻ giết người hàng loạt.
Thallium trở nên nổi tiếng vào những năm 1970 khi kẻ sát nhân Graham Young sử dụng nó để giết người hàng loạt. Young, sinh năm 1947 ở Anh, đã thử nghiệm chất độc trên gia đình mình từ khi còn nhỏ, giết chết mẹ kế của mình, Molly.
Sau khi được trả tự do vào năm 1971, Young làm việc tại Phòng thí nghiệm John Hadland ở Hertfordshire. Nhiều nhân viên bị ốm một cách bí ẩn, và sau cái chết của người quản lý Bob Egle và một số ca bệnh, Young bị bắt và nhận án tù chung thân.
Báo chí phát hiện mối liên hệ giữa tiểu thuyết của Christie và tội ác của Young, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ.
Một bác sĩ làm việc với Scotland Yard nhận ra triệu chứng ngộ độc thallium từ khi đọc tiểu thuyết của Christie, giúp bắt được Young.
Cứu sống hai người.
Trong những năm tiếp theo, tác phẩm đã cứu sống ít nhất hai người. Năm 1975, Christie nhận được lá thư từ một độc giả ở Nam Mỹ cho biết đã cứu một người đàn ông sau khi đọc cuốn sách.
Lá thư viết: 'Nếu tôi không đọc The Pale Horse và biết được tác hại của ngộ độc thallium, X đã không thể sống sót. Điều trị kịp thời đã cứu được ông ấy. Thậm chí nếu ông ấy đi khám, các bác sĩ cũng không thể phát hiện ra bệnh'. Người viết thư nghĩ rằng X đã bị vợ trẻ đầu độc.
Trường hợp thứ hai xảy ra vào năm 1977, một năm sau khi Christie qua đời. Tạp chí Y học Bệnh viện Anh đưa tin về một bé gái 19 tháng tuổi từ Qatar được chuyển đến Bệnh viện Hammersmith (London, Anh) trong tình trạng khẩn cấp. Tình trạng bệnh nhi ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn mặc dù các bác sĩ không thể xác định được căn bệnh bí ẩn của bé.
Lúc đó, y tá Marsha Maitland đang chăm sóc cho bệnh nhi. Maitland vừa đọc The Pale Horse và nhận ra những điểm tương đồng giữa các ca ngộ độc trong truyện và tình trạng của bé gái. Xét nghiệm nước tiểu xác nhận mối nghi ngờ của y tá.
Bé gái đã vô tình ăn phải một loại thuốc trừ sâu chứa thành phần gây chết người. Sau khi biết nguyên nhân, các bác sĩ đã đưa ra giải pháp giúp bé dần hồi phục.
Tác giả bài viết trên tạp chí đã cảm ơn Christie vì nâng cao nhận thức về nguy hại của thallium.
Agatha Christie được gọi là 'Nữ hoàng tội phạm', nhưng cũng là người cứu sống mạng người,' tờ Radio Times nhận xét.
Theo bản tin của VNN