Trước áp lực từ Mỹ, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp chip nội địa
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tháo gỡ các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ bằng cách đầu tư vào ngành công nghiệp chip trong nước. Theo một báo cáo từ SCMP, chính phủ Trung Quốc đã chi 12,1 tỷ CNY (tương đương 1,75 tỷ USD) trợ cấp cho khoảng 190 công ty sản xuất chip trên lãnh thổ của mình.
Số tiền 1,75 tỷ USD này dường như không đáng kể so với các gói đầu tư lớn như Đạo luật CHIPS của Mỹ (75 tỷ USD), hoặc 47 tỷ USD của EU, thậm chí cả kế hoạch đầu tư 11 tỷ USD của TSMC vào nhà máy bán dẫn ở Đức. Tuy nhiên, việc hỗ trợ trực tiếp từ Trung Quốc cho ngành công nghiệp chip không phải là giải pháp duy nhất để vượt qua các lệnh cấm từ Mỹ.
Năm nay, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ về số lượng bài báo được gửi tới Hội nghị Mạch thể rắn Quốc tế danh giá (ISSCC 2023), đồng thời thể hiện quyết tâm tạo ra năng lực nghiên cứu và phát triển của riêng mình. Điều này giúp Trung Quốc giảm bớt nguy cơ bị áp đặt biện pháp trừng phạt trong tương lai. Công cuộc nghiên cứu này phần nào phụ thuộc vào việc đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào lĩnh vực giáo dục, với nguồn tài trợ khoảng 179 tỷ USD chỉ trong năm 2022, và một số trường đại học nhận được đến 5 tỷ USD.
Một yếu tố khác giúp Trung Quốc không bị 'gò bó' trong lĩnh vực công nghệ là việc nước này từ lâu đã là trung tâm hàng đầu về khai thác, phát triển và buôn bán kim loại hiếm, thành phần quan trọng trong sản xuất chip.
Số tiền 1,75 tỷ USD chỉ là một phần nhỏ của chiến lược của Trung Quốc về chất bán dẫn. Cách tiếp cận của họ với sự độc lập về chất bán dẫn có nhiều khía cạnh, bao gồm việc rót tiền thông qua nhiều kênh khác nhau.
Lĩnh vực bán dẫn ở Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng. Từ đầu năm, Mỹ đã cố gắng tạo áp lực bằng cách thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc đối với một số thiết bị và công nghệ liên quan đến sản xuất chip.