Trong “Truyện Kiều' của Nguyễn Du, phần mô tả tâm trạng của Thuý Kiều ở lầu Ngưng Bích vẫn được coi là một trong những đoạn thơ tuyệt vời về nghệ thuật tả cảnh và tả tình. Thế nhưng điểm đặc biệt của cả đoạn thơ nằm ở những câu thơ cuối cùng, với bốn bức tranh:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.'
Tám câu thơ trên mô tả cảnh nhưng thực chất là tâm trạng, Nguyễn Du tả cảnh nhưng thực chất là tả tâm trạng.
Bốn bức tranh được bắt đầu bằng hai tiếng “buồn trông' nghĩa là nỗi buồn đã sẵn tồn tại trong lòng trước khi nhìn vào cảnh và ngắm cảnh cùng với nỗi buồn ấy. Ngắm cảnh mà buồn, càng ngắm càng buồn, càng buồn càng ngắm. Điều này là hoàn toàn hợp lý, phản ánh đúng tâm trạng của Thuý Kiều lúc này. Vì sao vậy? Vì nỗi buồn của Kiều là một nỗi buồn lớn, không phải là một nỗi buồn thoáng qua vì một lý do tạm thời, mà là một nỗi buồn vĩnh viễn, nỗi buồn mà Kiều sẽ mang suốt cuộc đời. Trong suốt phần đầu của 'Truyện Kiều”, chưa bao giờ Kiều buồn như lúc này, vì chưa bao giờ Kiều có cơ hội nhìn nhận và suy ngẫm sâu hơn về nỗi buồn của mình. Rời xa Kim Trọng, phải bán mình để chuộc cha, Kiều chỉ cảm thấy đau đớn, nhưng khi gia đình gặp khó khăn, nỗi đau của cha, nỗi đau của mẹ, nỗi buồn của các em, những điều đó đòi hỏi Kiều phải kiên cường, tạm thời quên mình để giải quyết việc nhà cho trọn vẹn một người con. Một người chị, phải xa gia đình, đi cùng Mã Giám Sinh, trong nỗi buồn vì không thể ở bên Kim Trọng, Kiều có niềm an ủi đã cứu được gia đình. Vừa đến Lâm Tri, bước vào nhà mụ Tú Bà, chưa kịp hồi phục sau một chặng đường dài “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”, Kiều đã bị sốc khi thấy cảnh nhà mụ. Kiều đã gặp ngay một trận “tam bành' của con mụ buôn thịt người ác độc. Có lẽ Kiều đã đau, đã xấu hổ, đã căm ghét, nhưng chưa bao giờ Kiều buồn.
Bây giờ mới thực sự buồn. Ta hình dung Kiều ngồi một mình trên lầu Ngưng Bích (thực chất là lầu rước khách của mụ Tú), bốn phía là cảnh vắng vẻ. Cảnh vắng vẻ đó tác động vào lòng Kiều, khiến nàng suy nghĩ về số phận của mình. Nỗi buồn ngày một sâu hơn. Nàng buồn vì nhớ Kim Trọng, người mà bây giờ đã cách xa vĩnh viễn. Nàng buồn vì xa cha mẹ, từ nay mỗi ngày họ già đi mà không có nàng để chăm sóc. Nỗi buồn đó thật sự lớn lao, mênh mông, giờ đã đọng trong lòng Kiều. Nếu ban đầu nỗi buồn bắt nguồn từ cảnh vật đổ dồn vào lòng, thì lúc này nỗi buồn lại chính từ bên trong lòng. Với hai từ 'buồn trông'. Nguyễn Du thật sự hiểu biết sâu sắc về tâm trạng con người!
Kiều trông gì?
Đây là bức tranh thứ nhất:
'Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?'
Nhìn về “cửa bể” trong “cửa bể chiều hôm”. Khi mặt trời sắp lặn, chỉ còn lại những tia sáng cuối cùng trên mặt nước. Nhìn về phía “cửa bể” tức là còn thấy một mặt biển đang biến mất ở cuối chân trời. Phía đó không có gì ngoài một sự trống vắng lớn lao, một bầu trời đang dần tối. Nhưng trên nền trống vắng ấy lại xuất hiện hình ảnh của “thuyền ai”. “Thuyền ai” chỉ có một chiếc thuyền, không phải là đoàn thuyền đông đúc náo nhiệt từ biển trở về để mang lại niềm vui. Chiếc thuyền gần như biến mất ở cuối chân trời, vì Kiều chỉ nhìn thấy cánh buồm của nó, và cánh buồm lại chỉ “thấp thoáng”. “Thấp thoáng”, hai âm “th” tạo ra một cảm giác êm đềm. Với hai âm “ấp” và “oáng” một âm tắc, một âm vang – diễn tả hình ảnh cánh buồm mờ mờ tỏ tỏ, chợt hiện rồi chợt ẩn, nhấp nhô trên sóng biển, như mơ hồ, như ảo ảnh ở cuối biển xa xa. “Thuyền ai …” thuyền của ai, thuyền ai đó, thuyền ai nhỉ? Thuyền đang đi về nơi quê hương thân yêu của ta chăng? Hay thuyền đang đi về nơi không rõ, cũng cô đơn, cũng lạc lõng giữa xã hội như chính ta? Tâm trạng này đã buồn, nhìn vào cảnh đó, sao có thể không thấm đẫm nỗi buồn hơn.
Như để tìm một chút lãng quên, Kiều quay mặt nhìn sang hướng khác. Thì đây:
“Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?'
Trước mắt Kiều là một ngọn nước từ trên thác cao đang đổ xuống. Mới từ lòng suối chảy trôi khỏi đầu ngọn thác, ôi thôi, thế là tan tác đời trong trẻo với êm đềm của nước. Bây giờ là lúc bắt đầu của dập vùi, cuồn xoáy, sôi trào, xô dập, ngầu đục cát bùn. Kinh hãi thay cái phút từ trên mỏm đá cao sa xuống thác! Cảnh ngọn nước đã buồn, mà nhìn đến chân ngọn nước thì: hoa trôi man mác … Giá nhà thơ viết ''tan tác' thì cũng đành đi một nhẽ, cho nó tan vỡ đi, chìm lấp đi, những cánh hoa mỏng manh kia! Nhưng không, hoa rụng xuống dòng nước và bập bềnh trôi đi, bị đưa qua đẩy lại, rồi lại trôi đi, lặng lẽ, buồn bã, để đến một nơi không làm sao có thể biết được. Ngọn nước mới sa ấy, cánh hoa trôi ấy. có khác chi cuộc đời Kiều! Chính Kiều cũng là một ngọn nước vừa mới đi qua lòng suối êm đềm và vừa mới sa xuống giữa ngọn xoáy dập vùi. Chính Kiều cũng là đoá hoa đang man mác trôi đi. Đơn độc và mỏng manh trên một dòng nước vừa dài vừa rộng với bao nhiêu đe đoạ chưa thể nào hình dung ra hết.
Lòng đã buồn, cảnh lại buồn quá. Thôi, hãy đưa mắt trông đi nơi khác.
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.'
Lại một cảnh mênh mông hoang vắng: một đồng cỏ phẳng lặng kéo mãi đến cuối tầm nhìn, không một bóng cây, không một dòng sông, không một gò núi, không nhà để phá vỡ bớt cái đơn điệu chán chường ấy. Chỉ có cỏ, cỏ và cỏ. Mà cỏ thì tươi tốt gì đâu! Từ 'rầu rầu' không chỉ gợi lên ý buồn bã, mà còn hình dung thấy những đám cỏ lưa thưa ủ ê như đang dần héo hắt đi, đang mất sức sống. Đây không phải là đồng cỏ xuân đầy sức sống và niềm vui khi Kiều đi hội thanh minh:
'Cỏ non xanh mượt mắt mờ... '
Đây là đồng cỏ cuối mùa, cũng đang u buồn như lòng người ngắm cảnh, nhưng cái đồng cỏ ấy, cái màu cỏ lạnh lùng ấy lại kéo dài vô tận, tiếp cả với nền trời, thành một màu duy nhất: 'xanh xanh'. Nếu Nguyễn Du viết:
'Chân mây mặt đất một màu xanh ngọc'
Thì chắc chắn nàng Kiều đã tìm thấy ở đó chút an ủi, chút lãng quên. Nhưng xanh xanh chưa chắc đã xanh, chỉ là vẻ xanh, một màu xanh phai phô, xa xôi, làm nhấn mạnh lên nỗi buồn. Và có lẽ màu “xanh xanh' ấy là màu của tâm trạng được nhìn từ đôi mắt ngập ngừng đớn đau.
Vậy là Thuý Kiều đã quay đầu nhìn hết ba phía. Chỉ còn một phía cuối cùng. Có lẽ sẽ có chút thay đổi chăng?
'Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi'
Hóa ra nỗi buồn từ ba cảnh trước chỉ là nhẹ nhàng so với nỗi buồn này. Ba cảnh trước như là bước chuẩn bị cho nỗi buồn cuối cùng này. Một vùng biển sâu thẳm, tràn vào đất liền, xa xa là biển lớn. Gió biển xô vào mặt đất, tạo nên cảnh tượng mặt biển đầy sóng, trắng xoá một màu. Sóng vỗ 'ầm ầm', không chỉ ầm ầm trên biển mà còn vang vọng xa xôi, vang xa khắp bốn phương. Thuý Kiều như ngồi giữa lòng biển mênh mông, bốn phía là sóng vỗ. Câu 'ầm ầm tiếng sóng' nghe đã cuồn cuộn trong tai, vang vọng trong lòng, bao quanh nàng.
Trước đây, người và cảnh vật vẫn được phân biệt rõ ràng, đâu là chủ, đâu là khách. Nhưng ở đây, con người hoàn toàn hòa quyện vào cảnh vật; cảnh vật bao phủ lấy con người, nỗi buồn đã đạt đến đỉnh cao nhất. Lúc này, con người sẵn sàng tan biến vào cảnh vật, sẵn lòng làm mọi điều để thoát khỏi nỗi buồn đó, hoặc thậm chí không ngần ngại chết. Tâm trạng này đã mở đường cho cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Sở Khanh, với sự liều lĩnh của Kiều đã bị lừa dối.
Bốn bức tranh của Nguyễn Du không có gì lạ lùng. Nhưng cách Nguyễn Du diễn tả chúng để hoà quyện với hoàn cảnh và tâm trạng của Thúy Kiều thì thật sự độc đáo. Ông rất tinh tế trong cách nhìn nhận cảnh vật, rất sâu sắc trong việc hiểu về tâm trạng con người, và cũng rất tài năng trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Mai Nguyễn Lê Tuyết