Trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc được cho đã đầu tư khoảng 25 tỷ USD vào việc phát triển chuỗi cung ứng chip nội địa.
Trung Quốc đã chi nhiều hơn Mỹ và Hàn Quốc cộng lại cho thiết bị sản xuất chip trong 6 tháng đầu năm 2024, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các hạn chế xuất khẩu của phương Tây, theo hiệp hội chip toàn cầu SEMI.
Là thị trường thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã lập kỷ lục chi 25 tỷ USD cho các công cụ sản xuất chip trong nửa đầu năm, và có thể tiếp tục đạt mức chi tiêu cao trong cả năm, theo SEMI.
Đầu tư vào thiết bị bán dẫn là chỉ số quan trọng cho nhu cầu thị trường trong tương lai và đánh giá triển vọng ngành công nghiệp.
Trung Quốc dự kiến sẽ là nhà đầu tư hàng đầu vào việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới, với tổng chi tiêu dự kiến đạt 50 tỷ USD trong năm nay.
SEMI dự đoán mức tăng trưởng chi tiêu hàng năm sẽ ở các khu vực như Đông Nam Á, châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trước năm 2027 nhờ xu hướng chuyển sản xuất bán dẫn về trong nước.
“Chúng tôi thấy Trung Quốc liên tục mua sắm tất cả thiết bị cần thiết cho các cơ sở sản xuất chip mới của họ,” Clark Tseng, giám đốc cao cấp về tình báo thị trường của SEMI cho biết. “Những lo ngại về khả năng bị hạn chế xuất khẩu hơn nữa cũng khiến họ đẩy mạnh mua sắm để đảm bảo nguồn cung thiết bị.”
Nhà phân tích cho biết, khoản đầu tư kỷ lục của Trung Quốc vào thiết bị sản xuất chip không chỉ do các nhà sản xuất lớn như SMIC mà còn được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất nhỏ và vừa.
“Ít nhất có hơn 10 nhà sản xuất chip hạng 2 cũng đang tích cực mua sắm công cụ mới, góp phần vào tổng chi tiêu của Trung Quốc,” ông chia sẻ.
Trung Quốc là thị trường duy nhất gia tăng chi tiêu hàng năm cho thiết bị sản xuất chip trong nửa đầu năm nay, trong khi Hàn Quốc và Mỹ giảm chi.
Ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay, chủ yếu nhờ nhu cầu chip nhớ phục hồi và nhu cầu chip AI tăng mạnh. Các lĩnh vực khác chỉ tăng trưởng 3-5% do thị trường chip công nghệ và ô tô đang điều chỉnh.
Trung Quốc hiện là nguồn doanh thu lớn nhất cho các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu, chiếm 32%, 39% và 44% doanh thu của Applied Materials, Lam Research và KLA trong quý gần nhất.
Thị trường Trung Quốc còn quan trọng hơn với Tokyo Electron, nhà sản xuất công cụ chip số một Nhật Bản, chiếm 49,9% doanh thu trong quý II. ASML của Hà Lan cũng phụ thuộc 49% doanh thu vào Trung Quốc.
Sự gia tăng không ngừng của các khoản đầu tư từ Trung Quốc đã làm cho tỷ lệ vốn đầu tư toàn cầu vào ngành bán dẫn vượt qua mức 15%, trong khi trước đây thường ở dưới mức này, theo Tseng. Ông cũng lưu ý rằng tỷ lệ quá cao có thể dẫn đến lo ngại về sự dư thừa cung cầu.
SEMI dự đoán rằng tổng chi tiêu cho xây dựng nhà máy mới tại Trung Quốc sẽ trở lại mức ‘bình thường’ trong vòng 2 năm tới.