Theo thông tin từ Reuters, Trung Quốc vừa thực hiện chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn đối với tổ chức tài chính và công ty thanh toán liên quan đến giao dịch tiền điện tử và cảnh báo về tình trạng đầu cơ tiền điện tử tái diễn.
Chỉ thị mới được công bố trong tuyên bố chung của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vào thứ Ba. Ba hiệp hội trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc, bao gồm Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ Quốc gia Trung Quốc, nhấn mạnh lại rằng các ngân hàng và kênh thanh toán trực tuyến không được phép cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền ảo như đăng ký, giao dịch, thanh toán bù trừ và quyết toán.
Các quy định mới mở rộng phạm vi hạn chế của Trung Quốc đối với tiền điện tử. Các tổ chức liên quan bị cấm cung cấp các dịch vụ tiết kiệm, ủy thác hoặc cầm cố tiền điện tử và phát hành các sản phẩm tài chính liên quan đến tiền điện tử. Các dịch vụ thông tin, bảo hiểm thanh toán bằng tiền điện tử và giao dịch phát sinh cũng bị cấm. Chỉ thị từ bộ ba hiệp hội ngành tài chính Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty tăng cường giám sát đối với dòng tiền từ giao dịch tiền điện tử.
Thông báo cho biết: 'Gần đây, giá của các đồng tiền điện tử liên tục biến động mạnh, giao dịch đầu cơ tiền điện tử cũng đã tái xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài sản của người dân và gây rối trật tự kinh tế, tài chính thông thường.'
Trung Quốc không công nhận tiền điện là đồng tiền pháp định hợp pháp để thanh toán. Hệ thống ngân hàng nước này không chấp nhận tiền điện tử hoặc cung cấp các dịch vụ liên quan.
Năm 2013, chính phủ Trung Quốc đặt bitcoin vào hạng mục hàng hóa ảo và thông báo cho cá nhân tham gia tự do giao dịch tiền điện tử trực tuyến. Nhưng đến cuối năm 2013, các cơ quan quản lý tài chính, bao gồm PBOC, đã ngăn ngừa ngân hàng và công ty thanh toán cung cấp dịch vụ liên quan đến bitcoin.
Tháng 9 năm 2017, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm ICO (Đợt phát hành coin đầu tiên - phương thức huy động vốn bằng tiền điện tử) nhằm bảo vệ nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro tài chính. Quy tắc của ICO cũng ngăn chặn các nền tảng giao dịch tiền điện tử chuyển đổi loại tiền này thành đồng pháp định và ngược lại. Điều này dẫn đến hầu hết các nền tảng giao dịch tiền điện tử tại Trung Quốc phải đóng cửa và hoạt động tại nước ngoài.
Các quy tắc áp dụng cho ICO cũng cấm các công ty tài chính và nền tảng thanh toán cung cấp dịch vụ cho ICO và tiền điện tử như mở tài khoản, đăng ký, giao dịch bù trừ hoặc thanh khoản. Tháng 7 năm 2018, 88 nền tảng giao dịch tiền điện tử và 85 nền tảng ICO đã rút lui khỏi thị trường Trung Quốc, theo thông tin từ PBOC.
Sự bùng nổ giá bitcoin đã đánh thức lại thị trường giao dịch tiền điện tử ở Trung Quốc và làm nổi lên nỗi lo ngại về tình trạng đầu cơ. Hiện có đông đảo nhà đầu tư Trung Quốc tham gia giao dịch trên các nền tảng do các sàn Trung Quốc sở hữu, tuy nhiên, nhiều trong số chúng đã chuyển hoạt động sang nước ngoài như Huobi và OKEx. Thị trường giao dịch tiền điện tử phi tập trung (OTC) tại Trung Quốc cũng trở nên sôi động trở lại.
Các sàn giao dịch như Binance và MXC cho phép cá nhân Trung Quốc mở tài khoản trực tuyến và tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện giao dịch ngang hàng trên thị trường OTC, nơi có thể chuyển đổi NDT thành tiền điện tử. Các giao dịch này được thực hiện thông qua ngân hàng hoặc các kênh thanh toán trực tuyến như Alipay hoặc WeChat Pay.
Với động thái siết chặt luật lệ mới, việc mua tiền điện tử qua nhiều kênh thanh toán sẽ trở nên khó khăn hơn đối với cá nhân, đồng thời có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của những người tham gia đào tiền điện tử, vì họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đổi tiền điện tử sang đồng NDT. Tuy nhiên, các ngân hàng và công ty thanh toán cũng đối mặt với thách thức trong việc theo dõi dòng tiền liên quan đến giao dịch tiền điện tử.
Theo dõi: Tin tức từ Reuters