Trung Quốc đang thiết lập nhiều tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực xe điện.
Chỉ trong 4 giây, xe điện của NIO có thể tăng tốc từ 0 đến 100 km/h, một thành tích gây ấn tượng tương tự như các dòng xe hạng sang như Porsche Carrera từ Đức.
Xe điện Trung Quốc đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn mới, vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, đặc biệt là với doanh số bán xe điện đang tăng mạnh. BYD, một nhà sản xuất xe nội địa, đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng pin lớn nhất thế giới vào cuối năm 2023.
Trong bối cảnh sự chuyển đổi sang xe điện diễn ra nhanh chóng, các nhà sản xuất ô tô truyền thống bắt đầu lo ngại về sức mạnh của các đối thủ mới từ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghiệp xe điện, từ sản xuất linh kiện đến khai thác khoáng sản để sản xuất pin.
Bất chấp hàng tỷ USD đầu tư từ phương Tây, Trung Quốc vẫn tiến xa trong việc khai thác khoáng sản quý hiếm, đào tạo kỹ sư và xây dựng những nhà máy khổng lồ. Thậm chí vào năm 2030, Trung Quốc dự kiến sẽ sản xuất gấp đôi lượng pin so với tổng sản lượng của các quốc gia khác, theo dự báo từ nhóm tư vấn Benchmark Minerals.
Xe điện sử dụng lượng khoáng sản quý hiếm gấp 6 lần so với xe thông thường và Trung Quốc đang kiểm soát nguồn cung và giá cả của chúng. Bằng việc mua cổ phần của các công ty khai thác mỏ trên khắp thế giới, Trung Quốc đang đảm bảo một nguồn cung cấp khoáng sản rẻ và ổn định.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang dẫn đầu trong việc đầu tư vào giải pháp thay thế pin rẻ hơn, chiếm lĩnh nửa thị trường pin lithium-ion loại LFP. Điều này đưa ra cơ hội cho các quốc gia phương Tây vượt qua sự phụ thuộc vào lithium, mà Trung Quốc chiếm đa phần nguồn cung.
BYD là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của Trung Quốc trong việc biến một công ty pin thành một khổng lồ trong ngành ô tô điện. Tại khu vực Đông Nam Á, BYD chiếm 43% thị phần xe điện. Công ty sẽ mở nhà máy sản xuất đầu tiên tại châu Âu tại Hungary vào tháng 12 và đang mua lithium tại Brazil (Lithium là thành phần chính trong pin của BYD).
“BYD là một công ty sáng tạo và linh hoạt. Sự thành công của họ có mối liên hệ chặt chẽ với sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc. Nếu thiếu điều này, BYD sẽ không thể trở thành một khổng lồ như hiện nay”, Gregor Sebastian, một nhà phân tích cấp cao tại Rhodium, đã nói với CNBC.
Các công ty như BYD là nỗi ám ảnh của các nhà sản xuất ô tô nước ngoài vì Trung Quốc là thị trường phát triển nhất thế giới trong lĩnh vực xe điện, được thống trị bởi những công ty 'Made in China'.
Vào tháng 11, khoảng 42% doanh số bán ô tô ở Trung Quốc là xe điện hoặc hybrid, con số này cao hơn nhiều so với EU (25%) và Mỹ (10%).
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, doanh số bán xe điện tại Trung Quốc tăng 28% trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm trước. Dự báo cho đến năm 2030, khoảng 80-90% ô tô bán ở Trung Quốc sẽ là xe điện.
Trên thị trường Trung Quốc, thị phần xe điện chủ yếu thuộc về các thương hiệu nội địa, chiếm khoảng 80-20, theo báo cáo của ngân hàng USB. Ví dụ, thị phần của Volkswagen đã giảm từ gần 20% vào năm 2020 xuống còn 14% vào năm 2023.
Một phần lợi thế của các công ty ô tô Trung Quốc đến từ chính sách trợ cấp rộng lớn. Theo AlixPartners, các khoản tài trợ từ chính phủ dành cho xe điện và xe hybrid đã tăng thêm tới 57 tỷ USD từ năm 2016 đến 2022. Công ty nghiên cứu Rhodium Group ước tính rằng BYD đã nhận được 4,3 tỷ USD thông qua các khoản vay và vốn cổ phần từ năm 2015 đến 2020.
Hiện nay, Trung Quốc sản xuất 70% pin lithium-ion trên toàn cầu. Trợ cấp mua hàng, trị giá hơn 4.000 USD cho mỗi chiếc ô tô trong năm nay, cũng một phần giúp ngành công nghiệp xe điện phát triển. Chỉ những chiếc ô tô sử dụng pin sản xuất trong nước mới đủ điều kiện nhận trợ cấp.
Tất cả những điều này đang góp phần vào việc xây dựng một chuỗi cung ứng địa phương lớn mạnh, đang hưởng lợi từ quy mô kinh tế. Volkswagen tin rằng họ có thể cắt giảm ít nhất 30% chi phí sản xuất bằng cách tìm kiếm nguồn cung ứng tại địa phương.
Trên thị trường ô tô Trung Quốc hiện có khoảng 150 nhà sản xuất, bao gồm cả thương hiệu nước ngoài, các công ty nhà nước và các startup xe điện. Tất cả đều đang cạnh tranh với nhau để chiếm lĩnh thị phần.
Ngoài ra, rất nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã tham gia vào ngành công nghiệp ô tô. Xiaomi, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc, đã ra mắt mẫu xe đầu tiên vào tháng 12. Huawei và Baidu, hai công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, cũng hợp tác với các hãng ô tô danh tiếng.
Dĩ nhiên, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng đang cố gắng thích nghi. Hầu hết trong số họ đều có trụ sở nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc.
Vào tháng 7, VW đã đồng ý mua 5% cổ phần của Xpeng với giá 700 triệu USD. Họ đã hợp tác để phát triển hai dòng SUV điện mới vào năm 2026 để cạnh tranh trở lại trên thị trường. Họ cũng đã ký thỏa thuận với Horizon Robotics, một công ty phần mềm Trung Quốc và Gotion, một nhà sản xuất pin Trung Quốc để duy trì thị phần.
Theo The Economist, châu Âu có thể sẽ là trận đấu tiếp theo. Các mẫu xe của các hãng Trung Quốc, đặc biệt là hatchback và SUV nhỏ, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng châu Âu. Mức thuế 10% là khá thấp, vì vậy ngay cả khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bị hạn chế, họ vẫn có thể cạnh tranh về giá với các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.
Trong bài phát biểu vào tháng 9, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phàn nàn về sự bùng nổ xe điện giá rẻ từ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Bà đã chỉ trích việc giảm giá quá mức từ Bắc Kinh thông qua các khoản trợ cấp lớn. EU đã tiến hành cuộc điều tra nhằm kiềm chế sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, làn sóng nhập khẩu ô tô giá rẻ từ Trung Quốc có thể gây ra ‘thảm họa’ cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Trong bối cảnh EU đang xem xét cân nhắc về việc áp thuế nhập khẩu để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, việc kiềm chế nhập khẩu xe giá rẻ có thể làm trì hoãn sự phát triển của thị trường xe điện, trong khi châu Âu đang cố gắng thực hiện mục tiêu trung hoà carbon và cấm hoàn toàn xe động cơ đốt trong từ năm 2035.
Nguồn: The Economist, The New York Times