Mèo thần tài thường được chế tác giống loài mèo đuôi cụt của Nhật Bản, với một chân giơ lên, đôi khi là chân trái hoặc chân phải hoặc giơ cả 2 chân. Theo truyền thống, tượng giơ chân trái mang ý nghĩa thu hút khách hàng, phù hợp với việc trưng bày ở các cửa tiệm; giơ chân phải dành cho vận may tài chính, thường được các gia đình lựa chọn. Trái lại, giơ cả 2 chân lại gây tranh cãi: một số cho rằng thu hút cả người và tiền tài, nhưng cũng có người cho rằng có thể dẫn đến tình trạng đầu hàng hoặc phá sản. Ngoài ra, tin rằng bàn chân càng giơ cao thì vận may càng lớn.
Mèo trong đời sống Nhật Bản
Mèo từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong văn hoá Nhật Bản. Ban đầu, chúng được nuôi để bắt chuột và chỉ số mèo thuần hoá rất ít vào thời điểm vài nghìn năm trước, khiến chúng trở nên quý giá và phải được kiểm soát bằng cách buộc dây quanh cổ.Năm 1602, một sắc lệnh của hoàng gia Nhật Bản đã giải phóng tất cả mèo, nhằm kiểm soát dịch hại, đặc biệt trong việc bảo vệ lúa tằm. Người Nhật tin rằng việc chăm sóc mèo sẽ mang lại may mắn cho họ. Theo giáo sư Yoshiko Okuyama tại Đại học Hawaii, có câu tục ngữ: ‘neko wo koroseba nanadai tataru’ (Nếu bạn giết một con mèo, nó sẽ đi theo gia đình bạn suốt 7 thế hệ), cho thấy mèo có tính báo thù và tuổi thọ cao hơn con người. Vì vậy, chăm sóc mèo sẽ mang lại sự báo ơn từ chúng.Biểu tượng của sự may mắn
Có nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của mèo thần tài, hay còn gọi là Maneki-neko. Một số tài liệu cho biết rằng Maneki-neko có xuất xứ từ thời Edo hoặc thậm chí là trước đó không lâu. Tuy nhiên, điểm chung của các câu chuyện này là chúng đều bắt nguồn từ các ngôi chùa Phật Giáo Gōtoku-ji, Saihoji hoặc Jishoin, tất cả đều nằm ở Edo (hiện nay là Tokyo). Do xuất phát từ thủ đô mới, chứ không phải trung tâm truyền thống Kyoto, Maneki-neko vẫn khá mới mẻ trong lịch sử Nhật Bản.
Giả thuyết phổ biến nhất về Maneki-neko là câu chuyện tại chùa Gōtoku-ji. Theo các sử gia trong chùa, khi lãnh chúa Ii Naotaka đang nghỉ ngơi dưới gốc cây trước ngôi chùa sau chuyến đi săn, ông nhận ra một con mèo giơ chân như đang mời ông vào chùa. Chú ý đến con mèo, ông bước vào chùa và may mắn tránh được một cú sét đánh xuống gần đó.
Mặc dù thời điểm bán những con mèo gốm này vẫn chưa rõ ràng, nhưng đến cuối thời kỳ Edo, những tượng mèo này đã trở nên phổ biến. Chứng minh cho điều này có thể thấy trong một tác phẩm năm 1852, mô tả một gian hàng bày bán rất nhiều con mèo vẫy tay. Tuy nhiên, khác với hình ảnh mèo thần tài quen thuộc ngày nay, những con mèo này không cầm tiền vàng mà thay vào đó là một chiếc chuông treo cổ.
Vào thời kỳ Meiji (1868-1912), sự phát triển của công nghiệp khuôn thạch cao đã giúp Maneki-neko được sản xuất hàng loạt và trở thành một biểu tượng nổi tiếng trên khắp đất nước. Khi nền kinh tế Nhật Bản ngày càng phát triển, chuông treo cổ trên mèo đã được thay thế bằng những đồng xu. Cho đến thời điểm đó, người ta vẫn ưa chuộng tạo hình các con mèo giống như mèo thật hơn là mèo hoạt hình như hiện nay.
Vào năm 1950, các nhà sản xuất ở tỉnh Aichi đã quyết định điều chỉnh hình dạng của những con mèo bằng cách làm đầu to hơn thân và mắt to hơn để tạo cho nhân vật này trở nên đáng yêu hơn. Có thể nhờ vào điều này, Maneki-neko bắt đầu lan rộng tại các nước châu Á, đặc biệt là Hong Kong và Đài Loan. Trong văn hóa của những nước này, bàn thờ trong các quán ăn, cửa hàng từ lâu đã là nơi linh thiêng dành riêng cho các vị thần như Quan Vũ, nhưng ngày nay, những chú mèo Maneki-neko xinh đẹp cũng được trưng bày ở đây. Thông qua việc truyền bá văn hóa châu Á, Maneki-neko cũng đã lan rộng ra toàn cầu. Sau này, mèo thần tài còn có nhiều màu sắc như mèo tam thể, mèo trắng, mèo đen, mèo đỏ mang các ý nghĩa khác nhau như trắng tượng trưng cho hạnh phúc, đỏ biểu thị sức khỏe mạnh mẽ, đen: xua đuổi tà ma, vàng: giàu có thịnh vượng,…
Theo (1), (2)