Loạt bài viết này sẽ giới thiệu về tư duy phản biện trong IELTS Writing, Reading và chỉ ra ảnh hưởng của các thiên kiến (bias) tới khả năng tư duy phản biện. Thay vì đưa ra một định nghĩa khô khan, 6 kỹ năng cấu thành nên tư duy phản biện sẽ được lần lượt giới thiệu và giải thích cụ thể. Song song với đó, các bài viết sẽ đề cập đến các thiên kiến (bias) thường gặp và cách các thiên kiến này ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện. Qua loạt bài này, người đọc có thể rèn luyện một cái nhìn sắc bén hơn về các vấn đề trong cuộc sống, phát hiện và tránh để các thiên kiến ảnh hưởng đến quá trình tư duy và từ đó cải thiện điểm số IELTS, đặc biệt là điểm IELTS Reading và IELTS Writing.
Khái niệm của tư duy phản biện
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tư duy phản biện. Chẳng hạn, theo Watson-Glaser Critical Thinking Appraisal (1980), bài test tư duy phản biện thông dụng nhất, tư duy phản biện được định nghĩa là:
“Một sự hợp lại của thái độ, kiến thức và kỹ năng. Sự tập hợp nào bao gồm: (1) thái độ xem xét liên quan đến khả năng nhận ra sự tồn tại của vấn đề và chấp nhận việc cần bằng chứng chung hỗ trợ cho thứ được coi là sự thật; (2) kiến thức về bản chất của những suy luận hợp lý, những quan điểm trừu tượng và sự khái quát hóa khi mà độ nặng hay độ chính xác của các bằng chứng khác nhau đã được xác định về mặt logic, và (3) các kỹ năng trong việc sử dụng và áp dụng những thái độ và kiến thức trên. “
Hiện chưa có 1 định nghĩa chính xác về tư duy phản biện, nhưng tất cả định nghĩa được đưa ra đều nhấn mạnh khả năng lập luận và suy nghĩ logic về một vấn đề, quan điểm. Để dễ hình dung hơn, các bài viết trong series này sẽ lần lượt phân tích các kỹ năng nhận thức cốt lõi (core cognitive skills) mà một người có tư duy phản biện sở hữu, mà theo hội đồng các chuyên gia trong 1 nghiên cứu năm 1993 là bao gồm: interpretation (diễn giải), analysis (phân tích), inference (suy luận), evaluation (đánh giá), explanation (giải thích), self-regulation (tự vấn).
Tầm quan trọng của tư duy phản biện
Tư duy phản biện là một kĩ năng quan trọng trong cả công việc lẫn cuộc sống. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum 2018), tư duy phản biện là kĩ năng được các nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều nhất năm 2020, chỉ sau kĩ năng giải quyết vấn đề (problem-solving skills).Tư duy phản biện giúp ta nhìn nhận mọi vấn đề một cách sâu sắc và logic hơn, từ đó đưa ra các nhận định và quyết định đúng đắn hơn. Trong việc học ngoại ngữ nói chung, tư duy phản biện sẽ giúp học viên nắm bắt được logic của ngôn ngữ để từ đó học từ vựng và ngữ pháp tốt hơn. Trong bài thi IELTS nói riêng, tư duy phản biện là đặc biệt cần thiết trong 2 task Reading và Writing. Thí sinh có tư duy phản biện sẽ hiểu nội dung bài đọc nhanh hơn, trả lời các câu hỏi chính xác hơn (đặc biệt là dạng câu hỏi true/false/not given trong IELTS Reading); còn ở IELTS Writing, thí sinh có thể khai triển ý một cách logic, mạch lạc, chặt chẽ hơn (nói cách khác, tư duy phản biện giúp thí sinh ăn điểm ở 2 tiêu chí chấm điểm là Task Achievement và Coherence and Cohesion).
Thiên kiến là gì?
Khái niệm
Thiên kiến (bias) là xu hướng giữ hoặc nói một quan điểm không đầy đủ, thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác hoặc là không sẵn lòng tiếp nhận những thông tin mới, đặc biệt khi thông tin mới không thuận theo quan điểm cũ. Thiên kiến khiến suy nghĩ đi vào lối mòn, làm giảm độ chính xác của các nhận định được đưa ra, hay thậm chí là làm sai lệch hoàn toàn so với sự thật.
Thiên kiến nhận thức là một sai sót có tính hệ thống trong nhận thức một người do ở trong môi trường nhất định. Cần nhất mạnh chữ hệ thống vì những sai sót này không hề ngẫu nhiên. Thiên kiến không bắt nguồn từ sự ngẫu nhiên hay bất cẩn trong suy nghĩ, mà nó là hệ quả của sự sàng lọc những thông tin, hiện tượng mà người học đã quan sát và tích lũy qua thời gian.
Nếu bạn nghĩ rằng mình thông minh nên sẽ không mắc phải lỗi tư duy này, thì sự thông minh trên thực tế không liên quan đến thiên kiến nhận thức. Thực ra, trí thông minh còn làm tình hình tệ hơn vì nó vận hành dựa trên những thông tin thiên vị để rút ra những kết luận thiếu chính xác, nhưng bạn lại không hề nghi ngờ những kết luận đó bởi vì tự tin vào khả năng trí óc.
Ví dụ, trong hàng ngàn năm, kể cả những bộ óc lỗi lạc nhất cũng từng đã tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mặt trời cùng những hành tinh khác xoay quanh trái đất, và phản bác dữ dội khi các nhà khoa học khác cố chứng minh điều ngược lại.
Thực tế, tất cả mọi người đều có thiên kiến nhận thức. Một số thiên kiến sẽ dễ nhận biết hơn, nhưng điều quan trọng là việc nhận ra những dấu hiệu chứng tỏ suy nghĩ của bản thân đang bị ảnh hưởng bởi thiên kiến, ví dụ như:
Chỉ chú ý đến các tin tức ủng hộ ý kiến của mình.
Đổ lỗi cho các tác nhân bên ngoài khi mọi việc không theo ý mình.
Quy thành công của người khác là do may mắn, nhưng đối với thành công của bản thân thì lại nhận toàn bộ công lao về phía mình.
Cho rằng người khác đều có chung suy nghĩ với mình.
Tìm hiểu đôi chút về một chủ đề và rồi cho rằng mình đã biết mọi điều về nó.
Cần lưu ý rằng thiên kiến khác với ngụy biện logic (logical fallacy). Ngụy biện logic bắt nguồn từ một lỗi diễn đạt khi tranh biện, còn thiên kiến bắt nguồn từ sâu trong quá trình hình thành suy nghĩ, thường là do các vấn đề về ghi nhớ, tập trung, quy chụp và các vấn đề nhận thức khác. Nói cách khác, ngụy biện logic làm giảm tính thuyết phục của một luận điểm, còn thiên kiến là một lỗi hệ thống làm thay đổi cả thế giới quan của một người.
Ví dụ về các thiên kiến thường gặp
Thiên kiến xác nhận (confirmation bias): chỉ tập trung đến những thông tin để củng cố xác nhận một quan điểm đã được đưa ra trước, phớt lờ những bằng chứng đối lập.
Thiên kiến mỏ neo (anchoring): bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thông tin ban đầu nghe được.
Thiên kiến tác động gần đây (recency): phụ thuộc quá nhiều vào các thông tin gần nhất nghe/đọc được.
Thiên kiến ủng hộ lựa chọn (choice-supportive bias): chỉ tập trung vào khía cạnh tốt của lựa chọn đã đưa ra và “dìm” các lựa chọn bị loại bỏ.
Thiên kiến điểm mù (blind-spot bias): nhận ra thiên kiến trong luận điểm của người khác nhưng không nhận thức được những thành kiến trong của chính mình.
Phần tiếp theo của bài viết sẽ phân tích cụ thể ảnh hưởng của thiên kiến tới từng kỹ năng tư duy phản biện, giúp người đọc có thể nhận thức được các thiên kiến mình đang có để nhìn nhận vấn đề thấu đáo và logic hơn, từ đó viết IELTS Writing tốt hơn.
Kĩ năng số 1: Interpretation (tạm dịch: Đọc hiểu)
Khái niệm
Interpretation (tạm dịch: đọc hiểu) là khả năng “hiểu và diễn đạt ý nghĩa hay tầm quan trọng của các trải nghiệm, dữ liệu, sự kiện, đánh giá, niềm tin, luật lệ hay tiêu chí”. Đọc hiểu bao gồm các kĩ năng nhỏ hơn là phân loại (categorization), đánh giá tầm quan trọng (decoding significance) và giải thích ý nghĩa (clarifying meaning).
Trước mỗi một vấn đề, một đề bài, người đọc có thể phát triển khả năng đọc hiểu của bản thân bằng cách tự đặt và trả lời các câu hỏi như:
Điều này nghĩa là gì?
Điều gì đang xảy ra?
Mình nên hiểu điều này như nào?
Cách tốt nhất để phân loại vấn đề này là gì?
Tác giả có ngầm ý gì khi nói điều này?
Khả năng đọc hiểu giúp:
Đọc ý định của một người qua nét mặt.
Phân biệt được ý chính và ý phụ trong 1 văn bản.
Paraphrase lời của người khác bằng từ ngữ của chính mình.
Giải thích ý nghĩa của 1 biểu tượng (sign) hoặc sơ đồ (graph).
Nắm bắt mục đích, chủ đề, góc nhìn của tác giả.
Ảnh hưởng của thiên kiến đối với khả năng hiểu bài đọc/tư duy phản biện (và ngược lại)
Sau khi đã định nghĩa được khả năng đọc hiểu, hãy cùng phân tích các ví dụ cụ thể về tư duy phản biện trong IELTS Writing để xem thiên kiến có ảnh hưởng thế nào đến tư duy phản biện của một người.
Ví dụ: đề bài “What are the benefits and drawbacks of immigration or multi-cultural societies?” (Những lợi ích và bất cập của sự di cư hay các xã hội đa văn hóa là gì?).
Một thí sinh đưa ra luận điểm về bất cập là “Di cư làm ảnh hưởng đến an ninh của nước sở tại vì phần lớn người di cư là người theo đạo Hồi nên có xu hướng bạo lực cực đoan và khủng bố cao”.
Câu trả lời này chưa chứa hai quan điểm khách quan, sai lệch là “phần lớn người di cư là người theo đạo Hồi” và “những người theo đạo Hồi có xu hướng bạo lực cực đoan và khủng bố cao”. Điều này có thể là kết quả của thiên kiến xác nhận (confirmation bias), có thể được hình thành từ việc người viết bị kẹt trong bong bóng lọc thông tin (filter bubble), hay còn gọi là bong bóng mạng xã hội (social media bias). Bong bóng lọc thông tin xuất hiện vì các thuật toán (algorithm) trên các trang web hoặc mạng xã hội chọn lọc hiển thị các thông tin nhất định dựa trên lịch sử tìm kiếm, nơi ở, các liên kết mà người dùng từng truy cập…v..v..
Ví dụ, khi một người theo dõi một trang Facebook có góc nhìn tiêu cực về người nhập cư và người Hồi giáo, Facebook sẽ hiển thị thêm các trang có nội dung tương tự. Khi người dùng càng đọc và tương tác nhiều với những bài đó, dần dần toàn bộ thông tin mà họ đọc sẽ chỉ phản ánh góc nhìn tiêu cực về người nhập cư và người Hồi giáo. Đây chính là thiên kiến xác nhận như đã đề cập ở trên, khi người đó chỉ tập trung vào các thông tin để củng cố một quan điểm đã được đưa ra trước, phớt lờ những bằng chứng đối lập. Càng đọc, người đó sẽ càng bị kẹt trong cái nhìn một chiều, khách quan là “phần lớn người di cư là người theo đạo Hồi” và “những người theo đạo Hồi có xu hướng bạo lực cực đoan và khủng bố cao”.
Việc rèn luyện tư duy phản biện cũng như nhận thức được thiên kiến xác nhận mà bản thân đang mắc phải sẽ giúp thí sinh đưa ra luận điểm thuyết phục và chặt chẽ hơn, từ đó cải thiện điểm IELTS Writing và cách nhìn nhận các vấn đề khác trong cuộc sống.