Trong các yếu tố làm nên thành công của một người không thể không nhắc tới tư duy, bởi nó phản ánh cách mỗi cá nhân tiếp nhận và phản ứng với các vấn đề xảy ra trên con đường đi tới thành công, dẫn lối cho nhận thức, hành vi để tạo nên trải nghiệm. Giáo sư Carol Dweck của Đại học Stanford đã tổng hợp những phát hiện về tư duy và các tác động của tư duy tới cuộc sống con người trong cuốn sách nổi tiếng “Mindset: The New Psychology of Success”. Trong đó, giáo sư Dweck đã đưa ra hai thuật ngữ là Fixed mindset và Growth mindset, tạm dịch là Tư duy bảo thủ và Tư duy cầu tiến để chỉ ra cách mà tư duy quyết định thành bại tương lai của con người.
Để chứng minh cho quan điểm này, giáo sư Dweck đã tiến hành một thử nghiệm với các học sinh bốn tuổi khi được lựa chọn giữa những câu đố dễ và câu đố khó. Kết quả cho thấy một nhóm những đứa trẻ có tư duy bảo thủ - fixed mindset đã lựa chọn câu đố dễ hơn để chứng minh được khả năng của mình sẽ luôn đạt được thành công, trong khi nhóm còn lại với tư duy cầu tiến – growth mindset đã lựa chọn câu đố khó để tạo thử thách cho bản thân, từ đó có thêm cơ hội học hỏi và phát triển cho dù phải nhận thất bại khi không giải được câu đố. Nghe có vẻ đơn giản nhưng khi nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ thấy điều này rất phổ biến trong cuộc sống của mình.
Nhóm 1: Tư duy bảo thủ
Ngay khi nghe tới cách tư duy này, chúng ta đã có thể hình dung về những người luôn tin rằng năng lực, phẩm chất và các đặc điểm tính cách của một người luôn luôn hiện hữu sẵn ngay từ khi mới sinh ra và không thể thay thế hay phát triển theo thời gian. Nói cách khác, nhóm này cho rằng việc thay đổi và phát triển là không cần thiết, vì thế họ chọn cách giậm chân tại chỗ và không cần nỗ lực thêm để đạt được những thành tựu xa hơn trong tương lai.
Dễ thấy rằng với lối tư duy này, con người sẽ bị rập khuôn trong một vùng an toàn hạn hẹp của mình, không chịu học hỏi, mở mang tri thức, kỹ năng để trở nên ưu tú, tài năng hơn. Nguy hiểm hơn nữa, một số người thuộc nhóm này thậm chí không nhận thức được tài năng của mình ở đâu, họ có thể cho rằng những gì mình đã biết, đã làm là đủ cho con đường sự nghiệp của bản thân rồi. Vì vậy, họ thường không lắng nghe những ý kiến đóng góp, nhận xét, từ chối những bài học rút ra sau những trải nghiệm, tin rằng mình có đủ tài năng dù làm bất cứ công việc nào.
Nhìn chung, nhóm người có lối tư duy như vậy thường khó để đạt được thành công. Việc không sẵn sàng lắng nghe, học hỏi và luôn thu mình trong một vùng an toàn khiến con người không thể phát triển và thay đổi để đạt được những giá trị to lớn hơn trong tương lai. Tất nhiên, ít nhiều họ có thể đạt được một vài thành tựu, nhưng kết quả sẽ chỉ dừng lại ở đó kể cả khi họ còn rất trẻ và có nhiều thời gian cho những ước mơ, hoài bão lớn lao hơn.
Nhóm 2: Tư duy cầu tiến
Ngược lại với nhóm đầu tiên, những người có lối tư duy cầu tiến luôn mang trong mình tinh thần học hỏi và sự nhiệt huyết, sẵn sàng bước khỏi vùng giới hạn của bản thân để có thêm trải nghiệm mới, tích lũy tri thức, kỹ năng và những bài học kinh nghiệm quý giá. Những người thuộc nhóm này không ngại học hỏi điều mới, luôn sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến nhận xét, góp ý để thay đổi bản thân mình trở nên phát triển và tiến bộ hơn. Thái độ cầu tiến cũng giúp họ cải thiện được những điểm yếu và thiết sót của mình để hoàn thiện bản thân, đón nhận thách thức và thất bại một cách tích cực và coi đó là cơ hội để học hỏi.
Theo nghiên cứu của giáo sư Dweck, những người có lối tư duy cầu tiến có xu hướng dễ đạt được thành công hơn so với nhóm còn lại là những người có tư duy bảo thủ, bởi lẽ lối tư duy này giúp họ luôn có động lực và năng lượng để sẵn sàng đối mặt thử thách, trải nhiệm nhiều điều mới để học hỏi và tăng giá trị cho bản thân.
Như vậy, tư duy của một người, dù là cố ý hay thậm chí là vô thức khi đã trở thành một thói quen, đều có thể giúp họ phát triển và tiến bộ thêm, hoặc ngược lại kìm hãm họ quẩn quanh trong vòng an toàn của mình.
Vì sao chúng ta vẫn tư duy bảo thủ?
Có thể nhận thấy rõ ràng những lợi ích to lớn của lối tư duy cầu tiến vượt trội hơn hẳn cách tư duy bảo thủ, tuy nhiên vẫn không ít người có xu hướng tư duy theo hướng bảo thủ nhiều hơn. Nguyên nhân chính có lẽ xuất phát từ sự bất an khi phải bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, phải chấp nhận những thất bại chắc chắn sẽ gặp phải khi thử sức mình với những trải nghiệm mới. Thất bại quả thật là một bài học đắt giá cho sự thành công tương lai của mỗi người, nhưng đổi lại không ít người không đủ mạnh mẽ để vượt qua thất bại, dễ dàng chìm trong sự chỉ trích về chính bản thân mình cũng như những cảm xúc tiêu cực khác. Chính vì tính hai mặt của thất bại nên nhiều người chọn cách giữ yên vị trí của mình, không muốn đi xa hơn hay thay đổi để phát triển.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, nếu kiểm soát được cảm xúc và xây dựng được niềm tin vững chắc vào những giá trị mà bản thân đang có được, hãy dần chuyển hướng tư duy cởi mở và cầu tiến hơn để gặt hái được nhiều thành công và khai phá được những năng lực tiềm ẩn trong mình, từ đó tìm được giá trị và hạnh phúc cuộc sống. Chăm chỉ, kiên trì, luôn suy nghĩ tích cực khi đối diện với gian nan, thử thách là những yếu tố cần thiết cho mọi thành công dù lớn dù nhỏ.
Làm thế nào để có được tư duy cầu tiến?
May mắn thay, tư duy là thứ hoàn toàn có thể thay đổi được. Nếu như đã nhận ra giá trị của tư duy tác động tới cuộc sống và sự nghiệp của mình, hãy đánh thức bản thân và quyết tâm thay đổi suy nghĩ của mình. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: lên kế hoạch cho cuộc sống của mình, tìm kiếm và tiếp nhận các cơ hội, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân bằng những việc nhỏ nhất mà trước nay chưa từng thử,… Bắt đầu từ đây, nỗi sợ trong ta sẽ dần được thay thế bằng những mong muốn to lớn thay đổi bản thân, vì thế hãy cho chính mình một cơ hội được trải nghiệm.
Bên cạnh đó, với những người đã dần quen với lối tư duy cầu tiến, đừng chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ mà không hành động. Nếu thật sự muốn bản thân tiến bộ hơn mỗi ngày, ít nhất là có sự khác biệt so với hôm qua, bạn phải chủ động trong việc nỗ lực tạo ra hành động cụ thể trong việc học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Hãy góp nhặt chúng từ những trải nghiệm thực tế và đặc biệt là từ những lần thất bại.
Lời kết
Chắc chắn rằng tư duy là một phần làm nên cuộc sống của con người, vì thế thay đổi bắt đầu từ tư duy sẽ là chìa khóa quan trọng để mở những cánh cửa cơ hội cho tương lai. Hãy luôn nằm lòng câu nói “I can do it!” để bắt đầu mọi công việc như một sự khởi đầu may mắn và suôn sẻ để đạt tới đích đến mong muốn và vượt qua chông gai thử thách.
Tác Giả: Nguyễn Hải Chi