Hình ảnh người lãnh đạo là một phần không thể tách rời của hình ảnh doanh nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu lãnh đạo hiệu quả rất quan trọng đối với tổ chức, giúp lan tỏa hình ảnh thương hiệu đến gần hơn với khách hàng. Tuy nhiên, nếu xây dựng thương hiệu cá nhân không đúng cách, các doanh nghiệp có thể gặp phải rủi ro về hình ảnh và danh tiếng. Vậy cần lưu ý gì để xây dựng nhân hiệu hiệu quả? Hãy cùng khám phá qua bài viết sau!
Tuần đầu tiên của tháng 6, giới truyền thông Việt Nam bùng nổ với “cơn sốt” từ thương hiệu ACB. Từ một buổi tiệc nội bộ kỷ niệm 30 năm thành lập, ACB đã trở thành tâm điểm truyền thông nhờ vào đoạn video trình diễn chưa đầy 10 phút của chủ tịch Trần Hùng Huy, lan tỏa mạnh mẽ trên các mặt báo, công cụ tìm kiếm và mạng xã hội.
Trước khi chủ tịch ACB Trần Hùng Huy nổi tiếng, cư dân mạng đã nhiều lần thấy hình ảnh thân thiện, giản dị của các lãnh đạo tập đoàn lớn. Vài năm trước, hình ảnh Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - say mê hát các ca khúc nhạc trẻ đã khiến nhiều người thích thú. Hình ảnh này đã thay đổi cách nhìn của công chúng về lãnh đạo một tập đoàn công nghiệp quân đội lớn nhất nước, thường được biết đến với vẻ nghiêm túc và quyền uy. Thay vào đó, “ông chú Viettel” thân thiện và dễ mến đã làm thương hiệu này trở nên gần gũi hơn với giới trẻ.
Xây dựng hình ảnh và nhân hiệu cho lãnh đạo cần phù hợp với chiến lược và khách hàng mục tiêu của công ty. Nếu không, công chúng có thể phản ứng tiêu cực, dẫn đến khủng hoảng truyền thông cho thương hiệu. Bộ phận truyền thông - thương hiệu của doanh nghiệp cần tư vấn và can thiệp kịp thời để đảm bảo hình ảnh lãnh đạo không mâu thuẫn với hình ảnh chung của doanh nghiệp.