Trong các lớp học hay những cuộc bàn luận về việc học tiếng Anh nói chung hay bài thi IELTS nói riêng hiện nay, nhiều người hay nhắc tới khái niệm “từ ngữ học thuật” (academic words). Bên cạnh những quan điểm cho rằng muốn viết hay nói tiếng Anh tốt thì phải sử dụng càng nhiều từ vựng học thuật càng tốt, cũng xuất hiện những bài viết châm biếm hài hước về hiện tượng lạm dụng từ vựng học thuật trong cách đặt câu của nhiều người Việt hiện nay. Từ đó có thể thấy từ vựng học thuật vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ. Để làm sáng tỏ vấn đề này, bài viết sẽ đem tới cho độc giả một cái nhìn tổng quan hơn về từ vựng học thuật, từ đó giúp trả lời những câu hỏi thường gặp liên quan đến tầm quan trọng, phương pháp học tập từ vựng học thuật hiệu quả, cũng như cách áp dụng vào thực tế sao cho hợp lý.
Định nghĩa từ vựng học thuật
Nếu được hiểu một cách chung nhất, từ vựng học thuật là tổng thể tất cả các từ vựng có thể được sử dụng trong bối cảnh học thuật. Bối cảnh học thuật ở đây có thể là giảng đường các trường đại học, các bài diễn văn, các nghiên cứu khoa học, v.v. Với cách hiểu như vậy, từ vựng học thuật thường có thể được chia làm ba bộ phận nhỏ hơn gồm:
Từ vựng thông dụng có thể áp dụng trong bối cảnh học thuật
Khi nói đến tiếng Anh học thuật, người ta thường quên rằng có rất nhiều từ thông dụng hằng ngày cũng có thể được sử dụng cho mục đích học thuật. Về bộ phận từ vựng này, General Service List – GSL (Danh sách gồm khoảng 2000 từ thông dụng nhất trong tiếng Anh được xuất bản bởi Michael West vào năm 1953) là một công cụ tham chiếu hiệu quả. Xét ví dụ về những từ ngữ thông dụng được dùng cho mục đích học thuật:
Today, I want to talk about… (Mở đầu bài thuyết trình)
There are many possible reasons, for example… (Đưa ví dụ)
In comparison with… (So sánh)
Những từ ngữ trong ví dụ trên đều thuộc General Service List, đều là những từ vựng đơn giản nhưng rõ ràng có thể được sử dụng trong học thuật.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải từ thông dụng nào cũng sử dụng một cách học thuật được.
Ví dụ:
I have many hobbies like….
I want to do many things…
I have stuff to do…
Những từ ngữ như like, things, và stuff đều là những ví dụ của cách nói suồng sã và không có tính trang trọng, vì vậy không được coi là học thuật. Ngoài ra, một số từ thông dụng có thể sử dụng trong môi trường học thuật là do chúng có mang nét nghĩa đặc biệt – nghĩa học thuật chung hoặc nghĩa chuyên ngành.
Ví dụ:
Discipline
Nghĩa phổ thông: Kỷ luật, luật lệ mà một nhóm người phải tuân theo.
Nghĩa học thuật chung: Lĩnh vực nghiên cứu.Bond
Nghĩa phổ thông: mối liên kết, sự trói buộc
Nghĩa chuyên ngành Kinh tế: Trái phiếuShare
Nghĩa phổ thông: chia sẻ
Nghĩa chuyên ngành Kinh tế: Cổ phiếu
Từ vựng học thuật ít thông dụng
Bộ phận từ vựng này chính là loại từ vựng được nhiều người nghĩ đến khi nhắc tới “từ vựng học thuật”. Đây cũng chính là cách định nghĩa hẹp của từ vựng học thuật và sẽ được phân tích sâu hơn ở các mục sau của bài viết này. Nếu General Service List – GSL là công cụ hữu dụng để tham chiếu đối với dạng từ vựng thông dụng, Academic Word List – AWL (Danh sách 570 từ vựng học thuật được phát triển bởi Averil Coxhead) là loại tài liệu mà bất cứ người học tiếng Anh cho mục đích học thuật nào cũng nên biết.
Khác với từ vựng thông dụng, đặc trưng của dạng từ vựng này là chỉ xuất hiện chủ yếu trong các văn bản học thuật nói chung và hầu như không có sự hiện diện đáng kể ở trong các văn bản phi học thuật như các bài báo, sách truyện, và tiểu thuyết, v.v. Tuy có tính chất chuyên biệt như vậy, dạng từ vựng học thuật này vẫn được phân biệt với dạng từ vựng chuyên ngành sẽ được nói tới ở mục trên ở chỗ nó có tính khái quát và có thể được sử dụng chung cho nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Ví dụ:
Assemble (v)
All of the virus samples have been assembled. (Sinh học)
The force that permits atoms to assemble into molecules. (Vật lý)
A hastily assembled force of warriors. (Lịch sử)
Từ vựng chuyên ngành
Khác với loại từ vựng học thuật được nhắc tới ở mục trước, từ vựng chuyên ngành (technical words) là loại từ vựng có tính chuyên biệt cao hơn và thường chỉ có thể sử dụng riêng cho một lĩnh vực cụ thể. Điều này là do các từ vựng thuộc loại này mang nghĩa gắn liền với kiến thức về một lĩnh vực nào đó. Người học muốn hiểu được nghĩa của từ chuyên ngành thì phải học, tìm hiểu sâu hơn về chuyên ngành đó. Cũng chính vì vậy, cách học các từ chuyên ngành này cũng khó hơn so với loại từ vựng học thuật chung được nhắc tới ở mục 2.2 do sự giới hạn về ngữ cảnh mà chúng được sử dụng, tuy nhiên, bù lại, đồ cần thiết của từ chuyên ngành đối với người học ngoại ngữ đơn thuần là không cao (phân biệt với những người học tiếng Anh để nghiên cứu một chuyên ngành cụ thể).
Ví dụ: từ vựng trong lĩnh vực Ngôn ngữ học: Morpheme, Syntax, Phonology, Prosody, Onset, Coda, v.v.
Ở ví dụ trên, dù được biết Morpheme trong tiếng Việt có nghĩa là Hình vị, Syntax có nghĩa là Cú pháp học, một người không có kiến thức về chuyên ngành Ngôn ngữ học khó có thể hiểu được Hình vị hay Cú pháp học là gì.
Vai trò và tầm quan trọng của việc học từ vựng chuyên ngành
Bên cạnh đó, từ vựng học thuật còn có tác dụng tạo nên tính trang trọng và học thức cho văn bản. Người học tiếng Anh cần học cách sử dụng loại từ vựng này một cách hợp lý để có thể tạo ra các sản phẩm ngôn ngữ chất lượng. Đối với bài thi IELTS Writing, đặc biệt là module academic, việc sử dụng từ vựng học thuật là cần thiết để đáp ứng tiêu chí “range” và cũng như tiêu chí về độ phổ biến của “lexical items” trong bảng mô tả band điểm bài viết.
Phương pháp học từ vựng học thuật hiệu quả
Đầu tiên, việc học từ vựng học thuật có thể được thực hiện qua hoạt động nghe và đọc giúp tạo nên hứng thú cho người học từ vựng. Hứng thú có thể được khơi gợi bởi những chủ đề phù hợp với mối quan tâm của người học. Ví dụ, một người học quan tâm đến chủ đề môi trường sẽ thấy một bài báo học thuật về nạn ô nhiễm môi trường biển có thể mang lại hiệu quả cải thiện từ vựng tốt hơn so với một bài báo học thuật về toán học. Bên cạnh đó, độ thử thách của tài liệu nghe đọc cũng phải hợp lý, nếu không sẽ tạo nên sự chán nản – một trở ngại to lớn trong quá trình tiếp thu. Ví dụ, người học quan tâm đến chủ đề môi trường được nhắc tới ở trên sẽ dễ cảm thấy chán nản khi tài liệu thuộc chủ để người đó quan tâm lại chứa quá nhiều kiến thức chuyên ngành hay cấu trúc câu và cách diễn đạt quá phức tạp so với trình độ của người đó.
Tiếp theo, việc nghiên cứu trực tiếp từ vựng một cách trực tiếp cũng rất cần thiết. Việc này có thể được thực hiện qua việc học từ vựng bằng flashcard hay phân tích thành phần từ. Từ vựng học thuật thường gồm các thành phần (hình vị) có nguồn gốc là Latin hoặc Hi Lạp, vậy nên việc phân tích các thành tố tạo nên từ vựng là một cách làm rất hiệu quả và dễ dàng thực hiện. Người học có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng những bảng thống kê hình vị của từ vựng và nghĩa của chúng trên mạng.
Ví dụ về một số tiền tố Latin phổ biến:
De- : Down (Mang nghĩa phủ định)
Deactivate (Vô hiệu hóa, ngưng hoạt động của thứ gì đó), debunk (Vạch trần, lật tẩy), debuff (Hiệu ứng bất lợi),…Re- : Again (Mang nghĩa lặp lại)
Return (trở lại), react (phản ứng), reimburse (bồi hoàn),…Trans- : Across (Mang nghĩa biến đổi, di chuyển)
Transfer (di chuyển), transmit (chuyển giao, truyền), transport (vận chuyển),…
Phương pháp áp dụng từ vựng học thuật vào thực tế
Việc sử dụng từ vựng học thuật sai ngữ cảnh một phần do nhiều người nhầm lẫn trong việc xác định từ vựng học thuật. Không phải từ vựng nào hiếm gặp cũng là từ vựng học thuật. Chúng có thể là từ cổ, từ lỗi thời hoặc từ vựng văn học. Để tránh vấn đề này, người học có thể tra cứu trong Academic Word List khi gặp một từ mới để kiểm tra xem chúng có phải từ học thuật không.
Ngoài ra, cần chú ý đến tần suất xuất hiện của từ vựng sắp dùng bởi vì ngay cả trong bối cảnh học thuật, nếu từ vựng quá hiếm gặp cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả truyền tải thông tin. Đối với từ ngữ chuyên ngành, cần cân nhắc đối tượng người nghe, người đọc để quyết định có nên sử dụng từ ngữ chuyên ngành (technical words) hay không. Bởi vì chúng là những từ ngữ đặc thù mà chỉ những người có chuyên môn mới hiểu được.