Kiểm tra cho thấy màn hình TV OLED của LG dễ bị hiện tượng 'burn-in' sau khoảng 4.000 giờ sử dụng, thấp hơn mức công ty đưa ra.
Thử nghiệm 'burn-in' trên TV OLED của LG sau 4.000 giờ hiển thị rằng logo và hình ảnh tĩnh có thể bị giữ lại vĩnh viễn trên màn hình, ít hơn rất nhiều so với con số 30.000 giờ mà công ty điện tử Hàn Quốc công bố.
RTINGS, một tạp chí uy tín về đánh giá TV, tiến hành thử nghiệm 'burn-in' trên các TV OLED của LG, và kết quả cho thấy hiện tượng này xảy ra sau 4.000 giờ.
Các chuyên gia kỹ thuật đã thử nghiệm nhiều nội dung khác nhau trên 6 model TV OLED C7 phát hành vào tháng Giêng 2017. TV được bật trong 5 giờ và tắt trong 1 giờ, lặp lại 4 lần mỗi ngày.
5 trong số các TV này được thiết lập ở độ sáng 200nit, trong khi một TV được đặt ở mức tối đa. Một số TV phát kênh CNN và trải qua hiện tượng 'burn-in' với logo và thanh điều khiển. Tuy nhiên, các TV khác không gặp vấn đề này.
Công ty Hàn Quốc từng tuyên bố rằng TV OLED của họ có thể hoạt động liên tục trong 30.000 giờ, tương đương với 10 năm sử dụng với thời gian xem trung bình hàng ngày là 8 giờ, mà không gặp vấn đề.
TV OLED của công ty có tính năng 'refresh' pixel để chống hiện tượng 'burn-in', nhưng thử nghiệm cho thấy hiệu quả của nó chỉ là tối thiểu. Kết quả cụ thể sẽ được công bố sau vài tháng.
Đầu năm nay, TV OLED 2018 của LG tại Sân bay Quốc tế Incheon ở Hàn Quốc bị phát hiện có dấu hiệu 'burn-in' chỉ sau vài tháng sử dụng. Sau sự cố này, sân bay đã chuyển sang sử dụng màn hình LCD.
TV OLED của LG hiển thị tại SID Display Week vào tháng 5 cũng cho thấy dấu hiệu của hiện tượng 'burn-in'.
Hiện tượng 'burn-in' là việc giữ lại hình ảnh vĩnh viễn trên màn hình, thường xảy ra khi một hình ảnh tĩnh xuất hiện trên màn hình trong thời gian dài. Hình ảnh bị 'burn-in' có thể gây ảnh hưởng như các vết bẩn trên màn hình khi phát nội dung.
LG đang tăng cường phát hành các mẫu TV OLED cao cấp và cung cấp tấm nền cho Sony.
Tham khảo: ZDNet