Giá vàng miếng ổn định, chênh lệch so với nhẫn khoảng 1 triệu đồng/lượng
Tuần thứ ba của tháng Sáu, vàng miếng SJC không có biến động về giá, đang được bán ra ở mức 76,98 triệu đồng/lượng
Trên thị trường, giá mua vào của vàng có sự khác biệt, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý giữ giá mua vào cao nhất ở Hà Nội, trong khi Vàng Mi Hồng ở TP.HCM duy trì mức 76 triệu đồng/lượng
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và Bảo Tín Minh Châu tăng mạnh, đạt mức cao mới
Giá vàng nhẫn tăng chủ yếu do tình hình thị trường quốc tế biến động. Giá vàng thế giới giảm sau đợt tăng trước đó, giá vàng giao ngay kết thúc tuần ở mức 2.322 USD/ounce
Giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu chỉ còn cách nhau 1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới giảm xuống còn 4,5 triệu đồng/lượng
Sau ba tuần triển khai bán vàng theo hình thức mới, chênh lệch giá giữa 04 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) đã giảm đáng kể
Ngày 21/6, NHNN đã tổ chức họp với các tổ chức kinh doanh vàng miếng, thảo luận các biện pháp để ổn định thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ
Trong cuộc họp, đã có ý kiến cho rằng biến động của thị trường gần đây cho thấy có sự sắp đặt hàng đợi, thao túng và làm gián đoạn thị trường. Các đơn vị tham gia bán vàng SJC đều cam kết tiếp tục cải thiện quy trình, công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vàng thực sự, loại bỏ hành vi đầu cơ. Tuy nhiên, cũng cần truyền thông để người dân nhận thức rõ và tránh hiệu ứng tâm lý khi giao dịch vàng.
Ngược lại với sự thay đổi đột ngột của giá vàng vào cuối tuần, chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền quốc tế mạnh nhất - đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần (105,8 điểm). Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tăng lên mức 54,6 trong tháng 6/2024, mức cao nhất từ tháng 4/2022, trong bối cảnh sự phục hồi của thị trường lao động và áp lực giảm giá đáng kể, mang lại hy vọng rằng tình trạng lạm phát chậm lại gần đây sẽ tiếp tục được duy trì.
Chỉ số PMI ngành sản xuất đã tăng lên mức 51,7 trong tháng 6/2024, từ mức 51,3 của tháng 5/2024. Chỉ số PMI ngành dịch vụ cũng tăng lên 55,1, mức cao nhất trong 26 tháng, từ mức 54,8 của tháng trước đó. Chỉ số đơn đặt hàng mới mà các doanh nghiệp tư nhân nhận được cũng tăng lên mức 53,4, từ mức 51,7 của tháng 5/2024.
Thước đo việc làm tăng lần đầu tiên sau 3 tháng, trong bối cảnh mà theo S&P Global, niềm tin kinh doanh đã được cải thiện và nhu cầu cũng ngày càng tăng.
Số liệu vừa công bố đã nâng cao kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất chậm hơn các ngân hàng trung ương lớn khác. Trong khi Fed cẩn trọng khi cắt giảm lãi suất, nhiều ngân hàng trung ương lớn đã thực hiện lần hạ lãi suất đầu tiên sau nhiều năm, bao gồm Ngân hàng Thụy Sĩ (SNB), Ngân hàng Thụy Điển (SNB) và Ngân hàng Canada (BoC), và gần nhất là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Tỷ giá EUR/USD trong vòng một năm gần đây - Nguồn: TradingEconomics
Mặc dù số liệu PMI của Mỹ khá tích cực, số liệu PMI thấp hơn dự kiến trong tháng 6 của khu vực châu Âu gây lo ngại về suy thoái kinh tế, tăng cường kỳ vọng vào khả năng ECB có thể tiến hành cắt giảm thêm lãi suất. Hiện tại, 1 euro có giá 1,069 đôla, mức thấp nhất từ đầu tháng 5/2024. Đồng yên Nhật cũng giảm giá nhanh chóng suốt cả tuần. Tỷ giá USD/JPY đóng cửa cuối tuần ở mức 159,76 yên Nhật để đổi 1 đôla. Trước đó, vào cuối tháng 4, Nhật Bản có thể đã can thiệp sau khi tỷ giá USD/JPY đạt mức 160,17, cao nhất từ năm 1990.
Tỷ giá USD/JPY trong vòng một năm gần đây - Nguồn: TradingEconomics
Vào ngày 21/6, ông Masato Kanda, Phó Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản chịu trách nhiệm về các vấn đề quốc tế, nhấn mạnh rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ hành động phù hợp khi cần thiết.
Ngày 20/6, trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Nhật Bản vào danh sách quốc gia được giám sát về ngoại hối. Báo cáo nhắc đến việc Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng 4 và 5, cũng như tình trạng thặng dư thương mại và tài khoản vãng lai của Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ không đưa Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào vào nhóm các nước thao túng tiền tệ. Phía Nhật Bản cũng nhấn mạnh rằng báo cáo của Mỹ không phản ánh bất kỳ vấn đề nào với chính sách ngoại hối của Nhật Bản và những can thiệp gần đây không nhằm thay đổi xu hướng của tiền tệ.
Tùng Linh