Máy bay do thám đa chức năng
U-2 được phát triển trong bí mật bởi bộ phận “Skunk Works” của Lockheed Martin tại Burbank, California. Đôi cánh của nó thiết kế giống như tàu lượn, tối ưu cho bầu khí quyển mỏng ở độ cao trên 16.700 mét (sau này là hơn 21.300 mét). Tổng cộng 104 chiếc đã được sản xuất trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từ năm 1955 đến tháng 10/1989.
Chiếc U-2A nguyên bản.
U-2 không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ do thám mà còn được dùng để lập bản đồ nghiên cứu, thu thập mẫu khí quyển, và thậm chí thu thập dữ liệu hình ảnh về quản lý đất đai và cây trồng cho Bộ Năng lượng Mỹ.
Lockheed Martin cho biết U-2 là nền tảng cực kỳ linh hoạt. Nhờ thiết kế mô-đun, nó có thể tích hợp và thử nghiệm nhanh chóng các công nghệ mới, cho phép cập nhật và sửa đổi khả năng chỉ trong vài tuần thay vì nhiều năm.
Thiết kế
U-2 được chế tạo với khung máy bay nhẹ nhất có thể. Hầu hết là phiên bản một chỗ ngồi, với chỉ 5 chiếc là phiên bản huấn luyện hai chỗ ngồi. Các biến thể U-2 đầu tiên trang bị động cơ phản lực Pratt & Whitney J57, trong khi các phiên bản U-2C và TR-1A sử dụng động cơ Pratt & Whitney J75 mạnh mẽ hơn.
Động cơ phản lực cánh quạt General Electric F118 là loại mới nhất trên U-2, lắp trên các biến thể U-2S và TU-2S. F118 tiết kiệm nhiên liệu, giảm nhu cầu tiếp dầu trên không trong các nhiệm vụ dài.
Vì hoạt động ở độ cao lớn, buồng lái U-2 cần được điều áp. Phi công mặc bộ đồ vũ trụ được điều áp, cung cấp oxy và bảo vệ trong trường hợp mất áp suất cabin. Họ uống nước và ăn thức ăn dạng lỏng qua lỗ trên mũ bảo hiểm, nhưng thường mất tới 5% khối lượng cơ thể trong nhiệm vụ dài 8 giờ.
Thông tin cơ bản về U-2.
Phi công trong buồng lái của U-2.
Với đôi cánh dài và hẹp, U-2 có thiết kế giống như tàu lượn, cho phép nó nhanh chóng nâng các tải trọng nặng lên độ cao hàng chục cây số và giữ chúng ở đó lâu dài.
U-2 được trang bị nhiều cảm biến tại mũi máy bay, trong khoang Q-bay ngay sau buồng lái, và trên hai cánh. Nó có khả năng thu thập tín hiệu, hình ảnh tình báo, và mẫu không khí. Các cảm biến hình ảnh bao gồm máy chụp ảnh phim, cảm biến quang điện tử, và radar. Những hình ảnh truyền thống sẽ được tráng rửa và phân tích sau khi máy bay hạ cánh.
U-2 cùng các tải trọng có thể mang theo.
Mặc dù chỉ có một phi công trong buồng lái, nhưng cần một “phi công” thứ hai trên mặt đất để điều khiển một chiếc xe theo sát U-2 mỗi lần hạ cánh. Người này hỗ trợ phi công chính trong việc căn chỉnh độ cao và đường băng. Sự phức tạp này khiến U-2 trở thành phi cơ khó điều khiển và có khối lượng công việc nặng nề nhất thế giới.
Từ năm 1994, 1,7 tỷ USD đã được đầu tư để nâng cấp khung máy bay và cảm biến. Cuộc nâng cấp cũng chuyển sang sử dụng động cơ GE F118-101 và đổi tên tất cả các chiếc U-2 của USAF thành U-2S.
Có 2 chiếc U-2 bị bắn hạ
Vào ngày 1/5/1960, một chiếc U-2 bị bắn hạ khi đang bay qua bầu trời Liên Xô. Hai năm sau, vào tháng 10/1962, một tên lửa đất đối không đã hạ gục một chiếc U-2 khác ở Cuba.
Hiện tại, U-2 tiếp tục cung cấp thông tin tình báo trong các chiến dịch ở Hàn Quốc, Balkan, Afghanistan và Iraq. Nó cũng được sử dụng trong các hoạt động trinh sát để hỗ trợ cứu trợ thiên tai như lũ lụt, động đất và cháy rừng, cũng như trong các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
NASA vận hành hai biến thể U-2 (ER-2) cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Vào năm 2023, U-2 là một trong những máy bay được sử dụng để thu thập thông tin tình báo về “khinh khí cầu do thám” bay qua bầu trời Hoa Kỳ, sau đó một chiếc F-22 Raptor đã phá hủy khinh khí cầu này.
Những chiếc U-2 hiện tại có tuổi đời trung bình khoảng 40 năm, và USAF đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt các bộ phận quan trọng. Tháng 8/2023, một tạp chí Hàng không đưa tin rằng USAF dự kiến sẽ nghỉ hưu phi đội U-2 vào năm 2026.
Theo [1], [2], [3].