Phương pháp đọc chuyên sâu (intensive reading) được hiểu là một cách tiếp cận văn bản dưới góc độ nghiên cứu và phân tích nhằm đánh giá và tiếp thu kiến thức mới. Tiếp nối chuỗi bài viết trước về Kỹ năng bổ trợ IELTS Reading đã giới thiệu sơ lược về định nghĩa và các đặc điểm của việc đọc chuyên sâu, tác giả sẽ chia sẻ cách ứng dụng của phương pháp đọc này vào việc cải thiện vốn từ vựng để cải thiện khả năng sử dụng Tiếng Anh của người học.
Đặc điểm của phương pháp đọc sâu
Do đó, khác với đọc mở rộng, đối tượng phù hợp với phương pháp học từ vựng thông qua đọc chuyên sâu thông thường là những người có niềm đam mê với việc nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng với mục tiêu trau dồi và phát triển khả năng ngôn ngữ trong dài hạn. Công việc của họ thường đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc và khả năng chủ động sử dụng ngôn ngữ như dịch giả, nhà báo, giáo viên…
Tác giả sẽ đi phân tích cách ứng dụng phương pháp đọc chuyên sâu đối với đoạn văn sau để giúp người đọc hiểu rõ hơn những khía cạnh ngôn ngữ mà họ nên chú tâm trong suốt quá trình đọc:
“Climate change may still be a rather abstract idea to most of us, but in the Arctic, it is already having dramatic effects on the Inuit – if summertime ice continues to shrink at its present rate, the Arctic Ocean could soon become virtually ice-free in summer. The knock-on effects are likely to include more warming, cloudier skies, increased precipitation and higher sea levels. Scientists are increasingly keen to find out what’s going on because they consider the Arctic the ‘canary in the mine’ for global warming – a warning of what’s in store for the rest of the world.”
(Trích Climate change and the Inuit)
Ứng dụng phương pháp đọc chuyên sâu để cải thiện khả năng sử dụng từ vựng
Học từ ngữ mới
Từ vựng chính là yếu tố nền tảng ảnh hưởng đến việc tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ. Do đó, có thể nói rằng việc cải thiện vốn từ vựng mới chính là một trong những mục tiêu hàng đầu mà người đọc cần hướng tới.
Việc học các từ vựng thông qua phương pháp đọc chuyên sâu có thể chia thành hai trường hợp sau:
Học khái niệm mới
Xét câu sau: The knock-on effects are likely to include more warming, cloudier skies, increased precipitation and higher sea levels.
Giả sử các chữ gạch chân là những từ vựng mà người đọc không biết.
Trong câu trên, chữ “precipitation” là một từ vựng khó, mang tính học thuật cao, và gây ảnh hưởng quan trọng đến việc tiếp thu nội dung truyền đạt một cách chi tiết. Khi đó, người đọc cần tra từ điển để hiểu định nghĩa của nó.
Cần lưu ý rằng, người học từ vựng theo phương pháp này nên sử dụng từ điển Anh – Anh đáng tin cậy để hiểu rõ định nghĩa đầy đủ của một từ vựng thay vì sử dụng các công cụ dịch thuật:
Theo Cambridge Dictionary | Theo Google translator |
Precipitation: water that falls from the clouds towards the ground, especially as rain or snow. (nước rơi từ mây xuống đất liền, đặc biệt là mưa hoặc tuyết) | Precipitation: lượng nước mưa |
Kết luận: từ vựng được dịch sang tiếng Việt không sát nghĩa, phạm vi đối tượng mà từ vựng hướng tới bị thu hẹp. |
Học từ vựng mới để làm rõ một khái niệm đã biết
Đối với người đọc chuyên sâu, việc trau dồi từ vựng thông qua bài đọc không chỉ dừng lại ở khả năng có thể hiểu hoặc dự đoán ý nghĩa của từ vựng theo bản ngữ của họ mà cần sử dụng từ điển để nghiên cứu sâu hơn về cách dùng và sắc thái biểu đạt của nó.
Trở lại ví dụ trên, “knock-on” là một tính từ khó, tuy nhiên có thể bỏ qua mà không ảnh hưởng nhiều đến việc đọc hiểu do dựa vào “effects” theo sau, người đọc vẫn có thể hiểu người viết đang bàn về tác động.
Mặc dù vậy, đối với phương pháp đọc chuyên sâu, người đọc vẫn phải tra từ điển để hiểu ý nghĩa của từ này, đồng thời ghi nhớ những danh từ mà mình đã biết có thể được bổ nghĩa bởi “knock-on” như: effects, benefits, consequences…
Học nhóm từ hoặc cụm từ diễn đạt
Cụm diễn đạt (collocation) là một tổ hợp từ vựng đi chung với nhau theo tập quán hoặc quy ước chung được hình thành từ lâu đời của người bản xứ. Việc tách rời các từ vựng này và dịch theo nghĩa gốc sẽ làm sai lệch đi ý nghĩa diễn đạt của nó.
Xét ví dụ sau:
“Scientists are increasingly keen to find out what’s going on because they consider the Arctic the ‘canary in the mine’ for global warming – a warning of what’s in store for the rest of the world.”
Hầu hết các chữ in đậm trên đều là những từ vựng quen thuộc mà người đọc đã biết: find (tìm), go (đi), canary (chim hoàng yến), mine (hầm mỏ), store (cửa hàng)…
Tuy nhiên khi đặt trong ngữ cảnh của toàn câu thì nghĩa gốc của nó trở nên không còn hợp lý nữa. Khi đó, người đọc cần tra từ điển ý nghĩa của cả cụm diễn đạt (tức là các giới từ/ cụm giới từ đi kèm theo):
find out: khám phá ra
go on: diễn ra
canary in the mine: dấu hiệu cảnh báo cho một điều nguy hiểm nào đó sắp xảy ra
in store: chờ sẵn
Học cấu trúc ngữ pháp một cách sâu rộng
Sau khi đã hiểu ý nghĩa của tất cả những từ vựng mới trong văn bản, người đọc chuyên sâu cần mở rộng đơn vị nghiên cứu của mình sang cấu trúc ngữ pháp. Đó là việc xem xét chức năng ngữ pháp của từ vựng trong câu cũng như các dạng từ đi kèm với nó.
Xét ví dụ sau:
“Scientists are increasingly keen to find out what’s going on because they consider the Arctic the ‘canary in the mine’ for global warming – a warning of what’s in store for the rest of the world.”
Giả sử người đọc biết nghĩa của từ “keen” nhưng thông qua văn bản có thể rút ra thêm kết luận về cấu trúc dạng động từ theo sau nó: keen + to Vo.
Học phong cách ngôn ngữ đặc trưng
Một khía cạnh cao hơn của việc tiếp thu ngôn ngữ chính là am hiểu phong cách hành văn và thái độ của tác giả dựa trên từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mà họ sử dụng. Điều này đòi hỏi người đọc phải có kiến thức nền tảng vững chắc về ngôn ngữ đó để tránh sự nản chí do mất quá nhiều thời gian và năng lượng tra từ điển cho việc đọc hiểu câu.
Tác giả sẽ phân tích ví dụ sau để làm rõ hơn phong cách ngôn ngữ được người viết sử dụng trong trường hợp này:
“Climate change may still be a rather abstract idea to most of us, but in the Arctic it is already having dramatic effects on the Inuit – if summertime ice continues to shrink at its present rate, the Arctic Ocean could soon become virtually ice-free in summer. The knock-on effects are likely to include more warming, cloudier skies, increased precipitation and higher sea levels.”
Giả sử người đọc có thể hiểu 100% nội dung của đoạn văn trên. Khi đó, người đọc có thể chú ý đến việc sử dụng các cấu trúc ngữ pháp sau: “may”, “could” và “be likely to” thay vì các thì cơ bản trong tiếng Anh. Thực chất lối viết này sẽ giúp người viết có thể đưa ra những quan điểm, lập luận và dự đoán mang tính khách quan hơn so với sử dụng các thì cơ bản.
Để hiểu rõ hơn, tác giả sẽ so sánh hai lối diễn đạt sau:
Climate change is a rather abstract idea to most of us (Biến đổi khí hậu là một nhận thức trừu tượng với hầu hết chúng ta.) | This expresses a real fact. (Theo từ điển Cambridge) | Diễn đạt một sự thật hoàn toàn chính xác. | ⇒ Đây là một lập luận phiến diện và chủ qua do nó chưa chắc đúng với một vài người đọc (ví dụ: những người đã đọc thông tin này ở tài liệu khác hoặc các nhà khoa học trong lĩnh vực này) |
Climate change may still be a rather abstract idea to most of us (Biến đổi khí hậu có thể một nhận thức trừu tượng với hầu hết chúng ta.) | This does not express a general truth. The speaker is only expressing a weak possibility. (Theo từ điển Cmabridge) | Diễn đạt một khả năng, không phải sự thật hiển nhiên | => Đây là một lập luận thể hiện được góc nhìn toàn diện và thái độ trung lập của tác giả, do đó vững chắc và đáng tin cậy hơn |
Những cấu trúc còn lại mà tác giả sử dụng cũng với mục đích tương tự. Việc hiểu rõ tác dụng của phong cách viết này sẽ giúp người học phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt hiệu quả hơn.
Nâng cao kiến thức nền tảng
Phương pháp đọc sâu không chỉ là việc nâng cao kiến thức về ngôn ngữ mà còn là cách mở rộng sự hiểu biết thông qua việc tìm hiểu nội dung bài đọc.
Trong ví dụ trên, người đọc cần sử dụng từ điển để hiểu ý nghĩa của các danh từ riêng “the Arctic” và “the Inuit” đang chỉ đối tượng nào, từ đó mở rộng kiến thức xã hội của họ.