Với quy trình nghiên cứu tốc độ và nguồn tài trợ lớn từ VinIF thuộc tập đoàn Vingroup, dự án vắc-xin 'Made in Vietnam' phòng virus SARS-CoV-2 đang được các nhà khoa học của Công ty Vabiotech triển khai có triển vọng 'về đích' sớm. Dự án trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai.
Hoàn thành sớm 2 tháng
Trong tháng 6 vừa qua, Thạc sĩ Mạc Văn Trọng, công tác tại Công ty TNHH Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thuộc Bộ Y tế, nhận được thông báo từ Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt (Chủ tịch Vabiotech), cho biết dự án nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 của họ 'đã đạt kết quả, vắc-xin dự tuyển có hiệu quả miễn dịch khá cao'.
Với Thạc sĩ Trọng và nhóm nghiên cứu của Công ty Vabiotech, kết quả này rất quan trọng. Dự án nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 mà họ đang thực hiện đang diễn ra theo đúng hướng, và đã thu được kết quả tích cực. 'Bốn tháng cày cuốc không ngủ không ăn đã đền đáp', một nhà nghiên cứu của Vabiotech chia sẻ.
Thạc sĩ Mạc Văn Trọng.
'Đây là nền tảng để phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh', Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện VSDTTW, nhận định.
Với kết quả này, Vabiotech đã vượt tiến độ 2 tháng của giai đoạn 1 dự án, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19. Ở giai đoạn tiếp theo, vắc-xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng trên người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.
“Để cho ra đời vắc-xin hoàn chỉnh cần 9 - 12 tháng nữa nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này”, Thạc sĩ Trọng cho biết. “Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của một vắc-xin bình thường, thời gian 18 - 24 tháng để phát triển được một vắc-xin đã là một thành tựu rất đáng kể”.
Cũng theo đại diện Vabiotech, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc-xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc-xin cho Việt Nam, nhất là các vắc-xin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng virus corona mới gây bệnh trên người, thì với công nghệ sẵn có, chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là ta sẽ có được vắc-xin mới.
Các nhà nghiên cứu lấy mẫu trên chuột.
“Khi một nước nào đó có vắc-xin thương mại ,họ sẽ ưu tiên bảo vệ người dân của họ trước. Như đợt đại dịch cúm A/H1N, mua 1 liều vắc-xin đã khó chưa nói gì đến mua cả triệu liều. Vì thế, tính chủ động vắc-xin của một quốc gia là rất quan trọng”, Thạc sĩ Mạc Văn Trọng lý giải.
Được hậu thuẫn tài chính bởi VinIF, hai nghiên cứu về SARS-CoV-2 đều có kết quả tốt
Trong một thập kỷ tham gia và đứng đầu nhiều công trình lớn nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, dự án lần này mới mang ý nghĩa đặc biệt nhất với Thạc sĩ Mạc Văn Trọng. Lý do không chỉ bởi bối cảnh “virus thế kỷ” đang nhấn chìm thế giới trong đại dịch mà còn bởi những sóng gió chưa từng có mà nhóm nghiên cứu đã trải qua.
Dự án bắt đầu suôn sẻ nhờ được VinIF cấp kinh phí khẩn cấp, nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu. Nhiều bước nghiên cứu đã được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Đại học Bristol (Anh) từ đầu tháng 2/2020 để đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, dự án gần như gục ngã khi châu Âu phong tỏa, làm đình trệ toàn bộ nghiên cứu. Dự trước tình huống này, nhóm nghiên cứu đã làm việc không ngừng, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, để kịp hoàn thành kế hoạch đề ra. May mắn, các nhà khoa học rời Anh ngay trước khi phong tỏa và về Việt Nam trước khi đường hàng không đóng cửa hồi cuối tháng 3.
“Chúng tôi gánh chịu áp lực lớn. Lo ngại lớn nhất lúc đó là không thể chuyển mẫu về Việt Nam, vì nếu không, kết quả nghiên cứu gần 2 tháng sẽ mất hết”, Thạc sĩ Trọng chia sẻ về thời kỳ khó khăn nhất.
Để bù đắp cho 14 ngày bị gián đoạn do cách ly tập trung sau khi về nước, nhóm nghiên cứu làm việc với cường độ gấp đôi. Phòng thí nghiệm của Vabiotech trở thành 'phòng cách ly nghiên cứu' của các nhà khoa học từ Anh. Nhờ đó, chỉ trong 1 tháng, vắc-xin dự tuyển đã được hoàn thành để tiêm thử nghiệm trên chuột.
Các nhà nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, đa dạng, mang lại hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn bộ tác nhân gây bệnh, phù hợp với các loại vắc-xin đại dịch.
“Việt Nam đã tỏ ra xuất sắc khi trở thành điểm sáng trong việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trên toàn thế giới. Chúng tôi hy vọng vào những thành công tiếp theo, trong đó có vắc-xin Covid-19 'made in Vietnam'”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt đặt mục tiêu.