Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận bài thơ Con đường mùa đông của Pu-skin cung cấp gợi ý và bài văn mẫu xuất sắc. Tài liệu này giúp bạn hiểu biết và viết văn cảm nhận đánh giá tác phẩm tốt hơn.
Bài thơ Con đường mùa đông của Puskin không chỉ là một tác phẩm văn học nổi tiếng mà còn là một điển hình cho việc thể hiện cảm xúc và tâm trạng của nhân vật chính qua từng chi tiết và hình ảnh được mô tả tinh tế. Dưới đây là bài cảm nhận về Con đường mùa đông, mời bạn đọc.
Dàn ý cảm nhận bài thơ Con đường mùa đông
I. Con đường mùa đông – nỗi buồn và nỗ lực vượt qua khó khăn
1. Nhan đề Con đường mùa đông
- Nhan đề Con đường mùa đông mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc.
- “Con đường” tượng trưng cho cuộc hành trình, sự vận động trong cuộc sống.
- “Mùa đông” gợi lên cảm giác lạnh lẽo, u tối, đầy cảm xúc.
=> Nhan đề Con đường mùa đông kết hợp hai hình ảnh đối lập nhưng cùng tồn tại: con đường với sự vận động, mùa đông với nỗi buồn. Đây có thể hiểu là sự đan xen giữa hành trình với nỗi cô đơn, buồn bã.
- Nhan đề này mở ra một câu hỏi: làm thế nào để vượt qua nỗi buồn, cảm xúc lạnh giá trong cuộc hành trình trên con đường mùa đông?
2. Nỗi buồn và sự cố gắng vượt qua khó khăn
- Trong bài thơ, nhà thơ mô tả cảnh thiên nhiên mùa đông buồn bã với:
- Không gian: cánh đồng rộng lớn.
- Thời gian: đêm tối mùa đông.
- Vầng trăng 'xuyên qua lớp sương mù', 'nhô ra', 'dội ánh sáng buồn bã'.
=> Không gian và thời gian tạo ra bối cảnh hoang vu, thanh vắng, u buồn, giá lạnh, làm nền cho vầng trăng tỏa sáng. Mặc dù trăng thường biểu hiện ánh sáng trong đêm, nhưng trong bài thơ, khi trăng xuyên qua lớp sương mù, ánh sáng trở nên buồn bã, chiếu rọi rộng khắp những khoảng trống u buồn trên con đường trong rừng đêm.
- Sự cố gắng vượt qua khó khăn:
- Các động từ “xuyên qua”, “nhô ra”, “dội”: thể hiện rõ sự vận động vượt qua sức cản của hoàn cảnh, gợi lên nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại trong lòng nhân vật trữ tình.
- Với nỗ lực đó, nhân vật trữ tình đã nhận ra quy luật vận động của cuộc sống: Cuộc sống luôn tiến về phía trước, xua tan nỗi buồn để lại hạnh phúc, niềm vui.
=> Khung cảnh nên thơ, trữ tình, u buồn đã làm nổi bật tinh thần nỗ lực, vượt qua trở ngại của chủ thể trữ tình.
II. Con đường mùa đông – cảnh vật và tâm tư của người đi lữ hành
1. Cảnh vật u buồn, cô đơn (khổ thơ 2 3)
- Miêu tả hình ảnh:
- Con đường trống vắng, lặng lẽ.
- Xe ngựa tam mã chạy vun vút: biểu tượng cho sự chuyển động nhanh như bay, vượt qua mọi khó khăn của nước Nga. => Người đi lữ hành không chỉ nhận thức về việc vượt qua mọi trở ngại trên con đường mà còn tìm đến tinh thần dân tộc Nga làm nguồn cảm hứng cho mình trên con đường mùa đông.
- Âm thanh:
- Tiếng lục lạc vọng lên đơn điệu, tẻ nhạt, nhấn mạnh nỗi buồn và sự chuyển động không ngừng của xe qua sự kết hợp nghệ thuật giữa âm điệu và sự yên bình.
- Bài ca của người xà ích kết hợp niềm vui và nỗi buồn: như tiếng vọng thân thuộc từ gốc rễ dân tộc, nhắc nhở người đi lữ hành về sự luân chuyển của niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống: “Như niềm vui mừng không ngớt/ Như nỗi buồn nặng trĩu lòng”
=> Mỗi hình ảnh, âm thanh đều nhấn mạnh nỗi buồn và sự vận động của nhân vật để vượt qua khó khăn trên con đường buồn thời thế hòa quyện với cảm giác cô đơn của bản thân.
2. Sự thay đổi trong tâm trạng của người đi lữ hành (khổ 4)
- Sự đối lập trong thủ pháp đã tạo ra cấu trúc đối xứng cho khổ thơ:
- Đối lập về ánh sáng, màu sắc: “ánh lửa” - “mái lều ” >< “rừng sâu” - “tuyết (trắng)”. “Mái lều, ánh lửa” gợi lên khái niệm về nhà – nơi dừng chân có ánh sáng và ấm áp hay mái ấm bình yên. Người đi lữ hành ghi nhận “ánh lửa”, “mái lều” không có trong thực tại (thực tại chỉ có “rừng sâu và tuyết”...). Tuy nhiên, sự xuất hiện của những hình ảnh này trong tâm tư của người đi lữ hành, mặc dù phủ định, lại thể hiện và nhấn mạnh mong muốn tìm kiếm những dấu hiệu của mái ấm bình yên.
- Đối lập giữa cảnh vật ngoại và tâm cảnh: cái không có ấm áp >< cái chỉ có lạnh lẽo. Tâm cảnh là khao khát về mái ấm, nguồn cảm hứng của chủ thể trữ tình (lời ca dân gian và bác xà ích ở khổ thơ trước gợi cho người đi lữ hành liên tưởng đến mái ấm nguồn gốc), còn cảnh vật là thực tế lạnh giá, cô đơn. -> Tâm trạng của nhân vật đi lữ hành thoát khỏi cái lạnh giá của thực tại.
- Đối lập trong chuyển động ngược chiều: những “cột cây số” đơn độc, tẻ nhạt >< người đi lữ hành luôn chuyển động về phía trước. -> Tâm trí của nhân vật trữ tình không còn chìm trong cảnh vật u buồn nữa vì nó không ngừng chuyển động “ngược chiều' với cảnh vật, tiến về phía trước không ngừng bỏ lại nỗi buồn phía sau.
=> Sự đối lập trong chuyển động “ngược chiều” giữa cảnh vật và người đi lữ hành không chỉ nhấn mạnh sự tách biệt tâm trí của người đi lữ hành ra khỏi cảnh vật bên ngoài, mà còn nhấn mạnh hướng vận động không ngừng về phía trước.
3. Người đi lữ hành tiếp tục chiến đấu với nỗi buồn (khổ 5 6)
a. Không gian và thời gian
- “Ôi buồn đau, ôi cô lẻ…” -> lời than nhấn mạnh hai sắc thái bao quát nỗi buồn trong hiện tại.
- Lời tâm sự với “Nhi-na” ở thời gian, không gian khác (“Ngày mai”): lời than kết nối thực tại với hình dung về người yêu thương ở ngày mai, ở điểm đến của con đường.
=> Bằng lời than ấy, tâm tưởng nhân vật trữ tình chuyển vào không gian và thời gian hình dung, chứ không còn ở trong thực tại hiện hữu.
b. Người lữ hành tiếp tục đấu tranh với nỗi buồn
- Nhân vật trữ tình được hưởng những hạnh phúc trong tâm tưởng:
- hơi ấm của mái ấm ('lò lửa đờ”),
- hơi ấm của tình yêu (ngắm em, ngắm mãi không thôi”, “bên nhau trong đêm”).
- Những biểu hiện của nỗi buồn chưa dứt hiện lên trong hình dung rồi cũng bị xua đi:
- Tiếng “kim đồng hồ” đơn điệu
- “lũ người tẻ ngắt” khiến người lữ hành phải chịu đựng và chán nản
- Ý thức về quy luật vận động của cuộc sống: cuộc sống vận động không ngừng qua bước đi của thời gian, theo quy luật “sẽ hoàn tất vòng quay đều đặn của mình”, xua đi xa nỗi buồn ('lũ người tẻ ngắt”), để hạnh phúc tình yêu còn đọng lại ('Để ta bên nhau trong đêm”).
=> Hòa vào không gian, thời gian mộng tưởng, người lữ hành vẫn chưa thể dừng lại, đắm chìm trong mộng tưởng, mà vẫn phải tiếp tục đấu tranh với nỗi buồn bằng những nỗ lực của bản thân.
III. Con đường mùa đông – vững bước hành trình cùng những điểm tựa tinh thần và ý thức về sứ mệnh
- Các hình ảnh, âm thanh giàu giá trị biểu tượng và tạo nên kết cấu đối xứng cho bài thơ:
“Nhi-na” vẫn gắn với lời than, nhưng không còn bị ngăn cách với lời than bởi từ “ngày mai” nữa, nghĩa là “Nhi-na”, điểm tựa tình yêu, giờ đã thành hành trang, đồng hành cùng nhân vật trữ tình.
“Con đường” vẫn “tẻ ngắt”, nhưng từ “của tôi” được thêm vào thể hiện ý thức gắn bó mật thiết của nhân vật trữ tình với con đường như ý thức về sứ mệnh.
Hình ảnh “bác xà ích” ở đây cũng được xác định là “của tôi” khẳng định ý thức gắn bó; bác xà ích “lặng yên thiu thiu ngủ” vừa gợi cảm giác bình yên, vừa ghi nhận lời ca dân gian không cất lên ngoài cảnh vật, nhưng vẫn vang lên trong tâm tưởng.
Tiếng “lục lạc” dù vẫn vang lên đơn điệu, nhưng giờ đây nó đã được ý thức như âm thanh điểm bước vận động không ngừng của cỗ xe tam mã – nước Nga.
Câu kết “khuôn trăng mờ sương” khép lại kết cấu đối xứng của bài thơ, tưởng như là kết lại ở đỉnh điểm của nỗi buồn – bóng tối che đi ánh sáng, song thực chất lại khẳng định quy luật luân chuyển của cuộc sống: “khuôn trăng mờ sương”, rồi ánh trăng lại sẽ “xuyên qua lớp lớp sương mù, rọi sáng”. Rồi thế nào cũng tới lúc nỗi buồn bị xua đi, để hạnh phúc còn đọng lại.
=> Với ý thức về sứ mệnh, về những điểm tựa tinh thần (tình yêu, sự gắn bó với con người bình dị, ý thức về cội nguồn, ý thức về quy luật vận động của cuộc sống) đồng hành với mình, nhân vật trữ tình tìm lại được cảm giác bình yên, đạt tới xúc cảm hài hoà. Nỗi buồn mặc dù vẫn còn hiện hữu, nhưng không xung đột với vận động về phía trước, không đáng sợ nữa, bởi nhân vật trữ tình, với những điểm tựa tinh thần của mình, đã không còn coi nó là trở ngại.
Cảm nhận Con đường mùa đông
Khi nhắc đến Puskin, nhà văn N.Gogol đã ưu ái gọi ông là “Nhà thơ dân tộc”. Đọc những sáng tác của Puskin, ta không chỉ thấy được vẻ đẹp của ngôn ngữ, cảnh sắc thiên nhiên Nga mà trên hết còn cảm nhận được “tinh thần Nga”, “con người Nga trong sự phát triển của nó”. Bài thơ “Con đường mùa đông” là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất của Puskin, thể hiện rõ tài năng của “Mặt trời thi ca Nga”.
Puskin (1799 – 1837) sinh ra và lớn lên tại thành phố Moscow trong một gia đình có dòng dõi quý tộc. Tài năng văn học của ông đã bộc lộ từ khi ông còn là một thiếu niên. Sống trong thế kỉ 19 – “Thế kỉ vàng” của văn học Nga nhưng cũng là thế kỉ bạo tàn của lịch sử bởi các cuộc chiến tranh diễn ra liên tiếp, Puskin đã dùng ngòi bút của mình để thực hiện những lý tưởng cao cả, chống lại sự bạo ngược của Nga Hoàng và bênh vực nhân dân Nga. Vào tháng 10 năm 1826, sau khi Puskin được bãi lệnh đi đày, ông đã trở về Pê – téc – bua rồi hay tin Khởi nghĩa tháng Chạp thất bại. Bài thơ “Con đường mùa đông” đã ra đời trong hoàn cảnh đó, cho thấy tâm trạng đau buồn, cô đơn vì thời thế của nhà thơ. Cả bài thơ có bảy khổ thơ với kết cấu vòng tròn đặc biệt, cho thấy “Nỗi buồn sáng trong” và khát vọng tự do mãnh liệt.
Ba khổ thơ đầu là nỗi buồn được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng nhuốm màu cô đơn. Hình ảnh cánh đồng, khu rừng được bao phủ trong bạt ngàn tuyết trắng của xứ sở bạch dương hiện lên thật huyền ảo:
Xuyên qua sương mù gợn sóng
Mặt trăng nhô ra
Trăng buồn bã dội ánh sáng
Lên cánh đồng u buồn
Thời gian là đêm khuya mùa đông tĩnh mịch, không gian là cánh đồng bao la trải dài đến vô tận. Làn sương mờ dày đặc bao trùm lên tất cả. Động từ “gợn” cho thấy sự chuyển động nhẹ nhàng của màn sương. Động từ “Xuyên” được đảo lên đầu câu kết hợp với động từ “nhô” ở câu thơ thứ hai diễn tả sự xuất hiện khá bất ngờ của vầng trăng. Trăng vàng xé tan lớp sương đêm nhưng lại “dội” xuống những ánh vàng tẻ nhạt. Từ láy “buồn bã” gợi liên tưởng đến những tia sáng hiu hắt, yếu ớt. Nguồn sáng bàng bạc ấy đọng lại trên cánh đồng u buồn. Khung cảnh nên thơ, trữ tình nhưng phảng phất nét ảm đạm. Bức tranh thiên nhiên Nga được tác giả cảm nhận bằng rất nhiều giác quan và bằng cả tâm hồn tinh tế. Esenin – nhà thơ của làng quê Nga cũng đã đem những vạt rừng, ánh trăng Nga vào trong sáng tác:
Ánh sáng trăng to lớn
Soi thẳng mái nhà ta
Những cây bạch dương đứng
Như những cây nến to
Vầng trăng của Esenin mang đến nguồn sáng lớn lao “Soi thẳng mái nhà”, những cây bạch dương cũng tráng lệ và lung linh tựa “những cây nến to”. Nếu thiên nhiên của Esenin rực rỡ sắc màu thì thiên nhiên của Puskin lại hết sức tinh khôi, tự nhiên và chân thực.
Nói như Ostrovsky thì những câu thơ của Puskin “giản dị” và “trơn tru” quá nhưng “không biết rằng ông đã bỏ biết bao công sức cho câu thơ được giản dị và trơn tru”. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài thơ “Con đường mùa đông”. Chỉ là những thanh âm quen thuộc như tiếng bánh xe, tiếng lục lạc và tiếng hát của con người nhưng bỗng có sức cuốn hút lạ thường
Trên đường mùa đông, buồn tẻ
Xe tam mã vun vút lao đi
Lục lạc đơn điệu
Mệt mỏi rung lên.
Bài ca của người xà ích
Có gì phảng phất thân yêu
Như niềm vui mừng khôn xiết
Như nỗi buồn nặng đìu hiu.
Giữa khung cảnh im lìm đủ làm tê tái cõi lòng con người, chiếc xe tam mã đang lăn bánh không ngừng nghỉ. “Vun vút” không chỉ diễn tả tốc độ rất nhanh của cỗ xe mà còn là sự trôi chảy không ngừng, lạnh lùng của thời gian. Tiếng lục lạc rung lên đơn điệu, tẻ ngắt, chứa đầy sự mệt mỏi. Nhà thơ đã lấy động để tả tĩnh, lấy âm thanh để cực tả cái yên ắng. Bài ca của người xà ích vang lên đầy “phảng phất thân yêu” như một sự cứu cánh cho tâm hồn. Ta nghe trong bài hát ấy lao xao những niềm vui khôn tả và cả những nỗi buồn nặng trĩu. Mỗi âm thanh xuất hiện vừa nhấn mạnh nỗi buồn, vừa cho thấy hướng vận động của nhân vật trữ tình để vượt qua những khó khăn trên con đường của chính mình. Nỗi lòng của Puskin hòa quyện giữa nỗi buồn thời thế với sự cô đơn của thân phận. Trong những ngày bị giam ở ngục tù, ông đã gửi gắm nỗi niềm ấy vào hình ảnh chú đại bàng:
Tôi ngồi sau chấn song ngục lạnh
Chú đại bàng non trẻ trong lồng
Bên cửa sổ anh bạn buồn chớp cánh
Rỉa miếng mồi thịt máu đỏ loang
Khi đã thoát khỏi cảnh ngục tù, tưởng như cánh cửa tự do đã mở ra với Puskin. Nhưng là một con người nặng lòng với đất nước, thời đại, Puskin vô cùng đau buồn khi khỏi nghĩa tháng Chạp thất bại. Người thanh niên trẻ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ trước tình cảnh đất nước. Khổ thơ thứ tư được coi là khổ bản lề, chuyển tiếp giữa hai phần đối xứng của bài thơ, cho thấy sự thấm thía của con người trước cái trôi chảy của thời gian:
Không một mái lều, ánh lửa
Tuyết trắng và rừng bao la...
Chỉ những cột dài cây số
Bên đường sừng sững chào ta
Từ phủ định “Không” đặt ở đầu câu thơ lại một lần nữa nhấn mạnh vào sự đìu hiu, hoang vu. Màn đêm hun hút không biết đâu là điểm dừng, chẳng có lấy một dấu hiệu của sự sống con người. Thiên nhiên Nga hiện lên qua hình ảnh tuyết trắng và những cánh rừng sâu bạt ngàn. Không gian càng ngày càng được mở rộng. Tất cả mang đến một ấn tượng về một đất nước rộng lớn và hùng vĩ. Hình ảnh “những cột dài cây số” là biểu tượng cho những cột mốc trong cuộc đời. Chúng ngược chiều với sự vận động tiến lên của con người, đánh dấu những điều mà ta đã trải qua. Những cột cây số lạnh lùng đến tàn nhẫn càng khiến nhân vật trữ tình trở nên lẻ loi.
Từ không gian nỗi buồn trong tâm tưởng, nhà thơ đã thoát ra để tìm thấy điểm tựa tinh thần trong ba khổ thơ cuối:
Ôi buồn đau, ôi cô lẻ...
Trở về với em ngày mai
Nhi-na, bên lò lửa đỏ
Ngắm em, ngắm mãi không thôi
Kim đồng hồ kêu tích tắc
Và xua lũ người tẻ ngắt
Để ta bên nhau trong đêm.
Từ “buồn” được lặp lại nhiều lần trong bài thơ như một điệp khúc của bản nhạc du dương. Nỗi buồn mênh mang và sâu thăm thẳm ấy tràn khắp không gian và trào lên không ngừng trong lồng ngực nhân vật trữ tình. Chàng trai phải thốt lên: “Ôi buồn đau, ôi cô lẻ...”. Thán từ “Ôi” kết hợp cùng những từ “buồn đau”, “cô lẻ” thể hiện dòng cảm xúc mãnh liệt. Tuy nhiên, cái đẹp của thơ Puskin nằm ở chỗ dẫu con người buồn thương nhưng không bao giờ bi lụy. Những vần thơ đột ngột bừng sáng khi nhắc đến “ngày mai” và hình ảnh “Nhi – na”. Thực tại hôm nay dẫu cô đơn và khắc khổ nhưng nhân vật trữ tình vẫn dạt dào khát khao hạnh phúc, niềm tin hướng đến tương lai. Nhi – na có thể là bất cứ cô gái Nga thân thương nào, không nhất thiết là một con người cụ thể. Hình ảnh “lò lửa đỏ” gợi liên tưởng đến một mái ấm bình dị, đơn sơ. Câu thơ cuối của khổ thơ thứ năm được ngắt nhịp 2/4 với hai từ “Ngắm” được lặp lại cho thấy niềm hạnh phúc xốn xang dâng lên trong tâm hồn. Kim đồng hồ vẫn kêu, dòng thời gian vẫn không ngừng trôi chảy nhưng con người không sợ hãi trước bước đi của thời gian mà kiên cường bước tới, để yêu thương và đoàn tụ. Câu thơ “Để ta bên nhau trong đêm” cho thấy khát khao về hòa bình, hạnh phúc đã trở thành động lực để nhân vật trữ tình bước tiếp, vượt qua những gian truân.
Sầu lắm, Nhi-na: đường xa vắng
Ngủ quên bác xà ích lặng im
Nhạc ngựa đều đều buông xa thẳm
Sương mờ che lấp ánh trăng nghiêng
Nhân vật trữ tình như đang tâm sự với cô gái Nhi – na về nỗi lòng của mình: “đường xa vắng. Hình ảnh chiếc xe ngựa cùng bác xà ích lặp lại, tạo nên kết cấu vòng tròn tương ứng cho bài thơ. Bác xà ích đã lặng im, tiếng nhạc ngựa trở nên đều đều, vầng trăng khuất sau màn sương. Nỗi buồn đã được lắng lại, hóa thành niềm yêu cuộc sống và niềm tin vào tương lai tươi sáng. Puskin đã diễn tả những cung bậc cảm xúc cùng những khát khao cao đẹp nhất của con người bằng một hình thức giản dị. Thiên nhiên dù là thảo nguyên hay bão tuyết, tất cả đều nhuốm màu tâm trạng. Nỗi buồn trong thơ ông là thực sự là “Nỗi buồn trong sáng”, rất hiện thực mà rất đỗi nên thơ.
“Con đường mùa đông” là một sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của Puskin. Nhà thơ đã khắc họa vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn con người Nga một cách trọn vẹn, đúng như Bêlinxki đã nhận xét: “Hơi thơ của Puskin vô cùng trong trong sáng, nó tràn ngập hiện thực. Nó không rắc phấn trắng, phấn hồng lên cuộc sống mà mô tả hiện thực như nó vốn có. Thơ của Puskin luôn có bầu trời và bầu trời đó luôn hòa quyện với mặt đất”.