Văn Miếu Trấn Biên, biểu tượng văn hóa đặc biệt tại miền Nam
Địa chỉ: phường Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai
Giờ mở cửa: 07:00 - 17:00
Nằm tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, Văn Miếu Trấn Biên là kho báu lịch sử vô giá, chứa đựng giá trị văn hóa và tâm linh đặc biệt giữa đất Đồng Nai.
Văn miếu được xây dựng từ năm 1715 thời chúa Nguyễn, đánh dấu sự mở rộng và phát triển vùng đất về phương Nam. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng với mục đích tôn vinh triết lý Nho giáo, kính trọng hiền tài, và tiếp tục truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân phương Nam.
Không chỉ là di tích lịch sử có giá trị lớn, Văn Miếu Trấn Biên còn là điểm đến tâm linh thu hút mọi người trong hành trình khám phá Đồng Nai. Văn Miếu Trấn Biên ấn tượng với kiến trúc truyền thống, toát lên vẻ đẹp sang trọng của đền miếu xưa. Đây là nơi mọi người thường lui tới cầu nguyện, cầu may mắn.
Văn Miếu Trấn Biên ấn tượng với kiến trúc truyền thống
Phương tiện di chuyển đến Văn Miếu Trấn Biên
Cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 33km, bạn có thể đến Văn Miếu Trấn Biên bằng xe máy, ô tô cá nhân hoặc xe bus. Nếu đi xe bus, bạn có thể đón tuyến số 05 từ Bến xe Chợ Lớn để đến Biên Hòa, sau đó đón xe ôm hoặc taxi đến Văn Miếu Trấn Biên.
Nếu đi bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân, bạn có thể di chuyển theo lộ trình như sau: đường Trường Chinh - Xa lộ Hà Nội - đường Thạnh Xuân - Xa lộ Đại Hàn - Quốc lộ 1A - Quốc lộ 1K - Nguyễn Du - Văn Miếu Trấn Biên.
Kiến trúc truyền thống tại Văn Miếu Trấn Biên
Vào năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu ra lệnh xây dựng Văn Miếu Trấn Biên để tôn vinh tư tưởng Nho giáo, tiếp tục truyền thống văn hóa của người dân Nam bộ. Văn Miếu Trấn Biên trở thành biểu tượng của giáo dục truyền thống, là nơi tôn vinh danh nhân, giáo sư, học giả thời xưa.
Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng theo kiến trúc tương tự Văn Miếu Quốc Tử Giám và theo hơi hướng kinh thành Huế xưa với các công trình như nhà thờ chính, sân hành lễ cùng các chi tiết chạm khắc nổi tinh tế trên mái vòm cong, cổng và nhà bia. Đây là chi tiết thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của văn hóa người Việt.
Bao bọc chung quanh khuôn viên Văn Miếu Trấn Biên là cây cối sum suê cùng sông nước mát mẻ, tạo cảm giác mát mẻ, thanh bình cho bất kỳ ai ghé đến. Sự hòa quyện giữa nét đẹp kiến trúc và vẻ đẹp thiên nhiên đã vẽ nên khung cảnh Văn Miếu Trấn Biên yên bình, thu hút bao người chẳng nỡ rời đi.
Đến với Văn Miếu Trấn Biên, bạn sẽ nhìn thấy cổng đền cao với mái vòm vút cong, được trang hoàng hoa văn lộng lẫy, khiến cho không gian thêm phần linh thiêng, uy nghi.
Ngay phía sau là khuôn viên chính của Văn Miếu Trấn Biên với sân đình rộng lớn. Đây là nơi tổ chức các nghi lễ cũng như hoạt động dạy học. Sân được lát gạch men, chung quanh rợp bóng cổ thụ rất thoáng đãng. Tiếp theo đó là các công trình lộng lẫy khác như nhà bia, hồ Tịnh Quang, Khuê Văn Các, nhà bia thờ Khổng Tử cùng nhà thờ chính.
Nhà thờ chính là công trình có quy mô lớn nhất trong toàn bộ khuôn viên Văn Miếu Trấn Biên. Được xây dựng theo kiến trúc cổ xưa, lấy cảm hứng từ nhà ba gian hai chái, nhà thờ chính còn được lót gạch tàu, sơn son thếp vàng cùng cột nhà treo đôi liễn đối, thể hiện sự cân đối, hài hòa.
Trước lối vào nhà chính là một tấm bia khổng lồ khắc dòng chữ ‘Hiền tài là nguyên khí của quốc gia’ thể hiện sự tôn trọng, quý trọng giá trị của người tài.
Trung tâm là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, với biểu tượng trống đồng ngay phía sau. Phía trái là nơi thờ danh nhân văn hóa Việt Nam, còn bên phải là nơi thờ danh nhân đất Nam Bộ. Ngoài ra, trong khuôn viên Văn Miếu Trấn Biên còn đặt nhà bia thờ Khổng Tử để mọi người lui tới cầu nguyện.
Tượng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trống đồng Ngọc Lũ tại Văn Miếu Trấn Biên
Hồ Thiên Quang trước Nhà thờ Khổng Tử cùng gian thờ chính tại Văn Miếu Trấn Biên
Nhà thờ Khổng Tử đặt tại vị trí trang nghiêm
Nhà bia ngay sau Văn Miếu Trấn Biên với hình ảnh bài văn từ thời mở cõi
Trống hội Thăng Long, 18kg đất và 18 lít nước từ đền Hùng trưng bày tại Văn Miếu Trấn Biên
Không đơn thuần là nơi tôn vinh các danh nhân, học trưởng, Văn Miếu Trấn Biên là không gian tâm linh toát lên vẻ đẹp truyền thống, thu hút bao người ghé đến. Nếu có ý định ‘đổi gió’ khám phá ‘người hàng xóm’ Biên Hòa, bạn có thể ghé đến Văn Miếu Trấn Biên để hiểu hơn về văn hóa của vùng đất này ngày trước.
Bảo Ngọc
Nguồn: Tổng hợp