Chiều cao của các rừng trên toàn thế giới đã giảm đáng kể, và độ tuổi của chúng cũng trẻ hơn nhiều trong vòng 50 năm gần đây.
Kết quả được rút ra từ một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science. Các kết quả này có ý nghĩa gì? Khả năng hấp thụ carbon từ bầu khí quyển của rừng không còn như trước, và điều kiện sống của nhiều loài động vật dựa vào rừng là nơi trú ẩn cũng giảm đi. Đáng lo ngại hơn, tất cả chỉ là sự bắt đầu, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nữa!
Nhóm nhà nghiên cứu đã đánh giá hơn 160 nghiên cứu trước đó, phân tích hình ảnh vệ tinh và xây dựng mô hình để nghiên cứu tình trạng hiện tại của các khu rừng đã thay đổi từ giữa những năm 1900 đến năm 2015. Họ phát hiện ra rằng trong hơn 115 năm qua, thế giới đã mất đi khoảng 14% diện tích rừng do việc khai thác gỗ. Trong đó, 30% là các rừng cây lâu năm, nơi chứa đựng các cây già hơn 140 năm và thường là các khu rừng cao lớn với mức độ đa dạng sinh học rất cao.
Nghiên cứu không đề cập đến các yếu tố khác từ môi trường ảnh hưởng đến cây cối, như sự tăng lên của lượng carbon dioxide do khí thải carbon, và các vấn đề khí hậu nghiêm trọng hơn, diễn ra thường xuyên hơn, như sự bùng phát của sâu bọ, cháy rừng và hạn hán. Nate McDowell, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết con số 30% được đề cập trước đó là 'một ước tính rất thận trọng'.
Ở Bắc Mỹ và châu Âu, nơi có nhiều dữ liệu chi tiết hơn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ chết của cây đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian nói trên, và các cây già chiếm một phần lớn trong số đó. Phát hiện này cho thấy rằng thế giới đang mất đi rất nhiều cây già. Do thiếu dữ liệu, các nhà nghiên cứu không thể đưa ra ước tính chính xác về chiều cao của các khu rừng đã giảm đến mức nào.
Ở các nơi khác, tình trạng giảm số lượng cây xanh đang diễn ra ở tần suất và vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi cháy rừng là nguyên nhân chính ở Úc và Mongo, ở California, các đám cháy rừng diện rộng và sự tăng trưởng của sâu bọ đã gây suy giảm nghiêm trọng diện tích rừng. Và các khu rừng mưa nhiệt đới ở Amazon đang phải đối mặt với vấn đề khai khẩn đất đai diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi: ví dụ, tỉ lệ chết của cây tại nhiều khu vực ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương đang giảm xuống.
Dù tình trạng rừng cây thay đổi khác biệt giữa các vùng, ảnh hưởng của nó có thể cảm nhận được trên phạm vi toàn cầu. 80% các loài thực vật và động vật trên cạn sống trong các khu rừng. Rừng già có độ phong phú sinh học cao và là nơi sinh sống của nhiều loài đang gặp nguy hiểm. Chúng cũng là nơi lưu trữ một lượng lớn khí CO2.
'Các khu rừng già ngày nay là kho lưu trữ carbon lớn nhất trên đất liền' – McDowell nói. 'Cây nhỏ không thể lưu trữ nhiều carbon, trong khi cây lớn thì có thể'.
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn, xu hướng này sẽ tiếp tục. Nhiệt độ Trái Đất đang tăng, và các vấn đề khí hậu như cháy rừng, hạn hán và sự gia tăng của các loài sâu bọ cũng ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên hơn.
Tất cả những điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn. Khi cây già chết, chúng không chỉ ngừng hấp thụ carbon mà còn thải toàn bộ carbon đã hấp thụ trở lại vào khí quyển. Cây trẻ mọc lên thay thế có khả năng trở thành nạn nhân của cháy rừng cao hơn, từ đó thải ra nhiều carbon hơn vào khí quyển. Nói một cách ngắn gọn, sự ấm lên toàn cầu giết chết cây cối, và sự giảm số lượng cây xanh cũng góp phần tạo ra sự ấm lên toàn cầu.
Vẫn có một số cách để giảm thiểu những mất mát này.
'Các cộng đồng sống xung quanh rừng đã có những nỗ lực đáng khích lệ, như việc thường xuyên đốt và làm giảm mật độ cây trong các khu rừng ở phía Tây, nơi hệ sinh thái thường gặp tình trạng cháy rừng, và hiện nay chúng không còn đối diện với nguy cơ đó nữa' – McDowell nói. 'Việc tạo ra những đám cháy theo một cách hợp lý có thể giảm thiểu những sự kiện gây tổn thất lớn và các tình huống gây rối cho hệ sinh thái. Đó là những giải pháp chúng ta đang áp dụng, nhưng chúng chưa được thực hiện trên quy mô cần thiết. Mở rộng quy mô của chúng sẽ là một thách thức toàn cầu'.
Có lẽ thách thức lớn nhất để giảm thiểu sự mất mát của rừng là làm thế nào để giảm khí thải carbon. Việc này có thể giúp bảo vệ rừng, và khi bảo vệ được rừng, chúng ta có thể kiểm soát được vòng tuần hoàn khí thải carbon trên toàn cầu. Nếu chúng ta không nỗ lực bảo tồn rừng, không chỉ có cây già bị ảnh hưởng – mọi sinh vật sống trên Trái Đất sẽ chịu chung số phận. Các nhà khoa học đang thực hiện nhiều nghiên cứu để xác định tất cả các tác động, và rõ ràng chúng không có lợi ích gì cả!
Tham khảo: Gizmodo