“Wow, Tuyệt vời em!” Bạn có nghe được giọng ai vang lên khi đọc dòng chữ này không?
Bạn nhận được tin nhắn từ người bạn thân kể về một buổi học thú vị với một giảng viên có phong cách nói riêng biệt. Thú vị thay, bạn cũng từng tham gia lớp học đó và được cùng một người giảng dạy. Trong lúc nghe câu chuyện, bạn đã tự đặt mình vào tình huống đó, với hình ảnh và âm thanh sống động như thật.
Hiện tượng này cũng giống như khi chúng ta có thể tự “phát' một bài hát yêu thích và thưởng thức mỗi nốt nhạc, mỗi lời hát trong đầu mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Lúc này, đôi tai không phải là bộ phận tiếp nhận âm thanh mà chính là tâm trí. Do đó, hiện tượng này còn được gọi là Tai của Tâm Trí.
Chúng ta thường xuyên gặp hiện tượng này trong cuộc sống, tuy nhiên, ít ai biết rằng điều này phản ánh quá trình phức tạp diễn ra trong não bộ.
Dù chỉ là sự tưởng tượng, não vẫn cho rằng đó là thật
Thực tế, khả năng nhìn hình và 'nghe' tiếng là một kỹ năng quan trọng và cần thiết với nhiều nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ.
Tiến sĩ, giáo sư âm nhạc Ewin Gordon gọi kỹ năng này là Audiation (hoặc còn được biết đến là Auditory Imagery) - chỉ khả năng 'nghe' và cảm nhận âm nhạc trong tâm trí mà không cần dùng đến tai. Ví dụ như nghệ sĩ piano có thể nhìn vào một bản nhạc và tự cảm nhận giai điệu mà không cần đàn ra.
Mở rộng ra khỏi lĩnh vực âm nhạc, khả năng tưởng tượng âm thanh của não sống động đến mức nó có thể tái hiện gần như chính xác trải nghiệm nghe âm thanh thực tế, từ tông, giọng điệu, cao độ,...
Do việc tưởng tượng một âm thanh trong đầu, não bộ sẽ kích hoạt những mạng lưới não tương tự như khi chúng ta nghe âm thanh thực tế. Các vùng vỏ não được kích hoạt bao gồm hồi thái dương trên (STG), vùng vận động bổ sung (SMA), và vùng tiền vận động (premotor cortex),..
Tuy nhiên, đối với những người không chơi nhạc chuyên nghiệp, trải nghiệm nhìn hình và 'nghe' tiếng thường phản ánh đời sống hàng ngày của chúng ta và không được tinh chỉnh kỹ lưỡng như những người chơi nhạc chuyên nghiệp.
Yếu tố xã hội cũng đóng vai trò quan trọng
Không chỉ có khả năng nhìn hình và 'nghe' tiếng, chúng ta còn có khả năng dự đoán phản ứng của người khác thông qua cách trả lời, thái độ, cử chỉ, giọng điệu, và thậm chí là biểu cảm khuôn mặt.
Khả năng dự đoán này được gọi là Theory of Mind (ToM). ToM là khả năng nhận biết và hiểu được trạng thái tâm lý của bản thân và người khác, bao gồm cảm xúc, niềm tin, ý định và tư duy. Khả năng này bắt đầu phát triển từ rất sớm khi chúng ta còn nhỏ và tiếp tục phát triển suốt quãng đời.
ToM giúp chúng ta hiểu và dự đoán hành vi của người khác, từ đó hỗ trợ giao tiếp và tương tác xã hội một cách hiệu quả. Ví dụ, khi một bạn gái than thở 'dạo này em mập lên rồi,' phản ứng tâm lý của một người bạn trai có thể là 'em chẳng mập lên đâu.'
Để thực hiện giao tiếp hiệu quả, cần phải dành thời gian để tìm hiểu và tích lũy các mẫu giao tiếp, hành vi khác nhau (điều não rất thích), đồng thời mở rộng kiến thức về thế giới, con người xung quanh để hiểu rõ những dấu hiệu xã hội như biểu cảm mặt, ngôn ngữ cơ thể,...
ToM liên quan đến nhiều phần não khác nhau, bao gồm vùng vỏ não trước trán (đặc biệt là phần vỏ não trán dưới và vùng giao thoa giữa vỏ não trán và thùy đỉnh), vùng gương - một hệ thống vùng não giúp chúng ta hiểu và mô phỏng cảm xúc và hành động của người khác.
Nhờ đó, khi đã quen với giọng điệu, cách ứng xử của một người, bạn có thể dễ dàng đoán và tưởng tượng ra cách họ phản ứng trong một bối cảnh nhất định như xem một phân cảnh trong phim.