Ngay cả khi chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc tự học, việc tự học hiệu quả không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Trước 18 tuổi, bạn ghét làm điều gì nhất?
Với mình thì là đi học. Hồi còn nhỏ xíu, cứ ngồi sau lưng để mẹ chở đến trường là mình buồn lắm. Thậm chí tới cấp 1, cứ những hôm trời lạnh mà chán học, mình còn giả vờ ngất xỉu để được nằm ngủ, do thời đó chưa có điện thoại để gọi phụ huynh đón về.
Không chắc bạn có giống mình ghét đi học nhất không, nhưng khá chắc là có rất ít người thích đi học khi còn nhỏ. Vì thời gian đó, chủ yếu chúng ta học vì người lớn bảo thế, cố gắng học giỏi cũng là để được người lớn yêu thương. Tới lúc lớn hơn, việc học bắt đầu có chọn lọc. Chúng ta lại thường chỉ học những thứ có giá trị trực tiếp lên công việc, để từ đó tăng thu nhập hàng tháng.
Mình đều đã trải qua hai giai đoạn của việc học như trên. Bây giờ thái độ của mình với việc học là vì muốn phát triển bản thân và sống nhiều hơn, chứ không chỉ để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Nói như vậy cũng có nghĩa rằng tự học đang là việc quan trọng với mình hơn bao giờ hết.
Nhưng mình cũng hiểu là dù ngay cả khi chúng ta bắt đầu có ý thức về tầm quan trọng của việc tự học thì cũng không thể tự học hiệu quả được ngay.
Bài viết này mình sẽ nói về 4 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự học, để cùng bạn tìm câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì đang ngăn cản chúng ta tự học hiệu quả?
Để dễ hình dung, mình sẽ tạm dùng quy trình xây nhà để mô tả 4 khía cạnh ảnh hưởng lên sự chủ động trong học tập của chúng ta.
1. Khát vọng
Trước khi bắt tay vào lên kế hoạch, ước tính chi phí xây nhà, điều quan trọng nhất là xác định mục đích của căn nhà. Tương tự, trước khi bắt đầu tự học một điều gì đó, bạn cần đặt câu hỏi: Tại sao tôi cần học điều này? Tôi muốn trở thành người như thế nào sau khi học được điều này?
Đây sẽ là nguồn động viên ban đầu, mục tiêu và động lực giúp bạn khởi đầu hành trình tự học, có thể là để phát triển bản thân, đạt được một mục tiêu cụ thể, hoặc cải thiện kỹ năng nghề nghiệp.
Với mình thì nhìn chung có ba loại mục đích cho việc học:
- Học để có một kỹ năng chuyên môn, rồi dùng kỹ năng này để kiếm tiền. Chẳng hạn như những kỹ năng cho các ngành nghề đặc thù như bác sĩ, kỹ sư, thiết kế, kế toán…
- Học để phát triển bản thân. Sự phát triển này đôi khi có thể giúp mình kiếm nhiều tiền hơn, hoặc là có một đời sống với chất lượng cảm xúc tốt hơn. Chúng thuộc dạng kỹ năng mềm để hỗ trợ kỹ năng chuyên môn. Ví dụ như kỹ năng giao tiếp không chỉ giúp bạn hoàn thành những việc chuyên môn tốt hơn, mà bạn còn có thể áp dụng kỹ năng vào việc xây dựng những mối quan hệ xung quanh.
- Học để trải nghiệm. Nghe có vẻ hơi rộng hoặc có vẻ hơi đao to búa lớn, nhưng mục đích này là để bản thân thử nghiệm thêm những thứ mới. Mình luôn rất hào hứng khi học thứ gì đó theo mục đích này.
Đôi khi các mục đích cũng có thể thay đổi theo thời gian. Như câu chuyện của bạn bartender ở quán rượu mà mình hay ngồi.
Xuất phát điểm ban đầu của bạn ấy là làm quản lý nhà hàng. Trong quá trình làm việc quản lý, để hiểu được công việc của những người ở quầy pha chế, bạn ấy đã thử đi học một lớp bartender. Đây là khi đi bạn học vì mục đích phát triển chuyên môn và bản thân, vì hiểu hơn về công việc bartender sẽ giúp bạn làm quản lý cả nhà hàng tốt hơn.