1. Hiện tượng tê chân tay là gì?
Tê chân tay là cảm giác tê buốt ở các ngón tay, ngón chân, bàn tay hoặc cánh tay, cẳng chân. Khi triệu chứng này trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể cảm thấy cơn tê, đau lan lên cổ, vai, gáy hoặc vùng đùi, hông,... Lâu dần có thể dẫn đến mất cảm giác.
Tê bì chân tay đang trở nên phổ biến ở người trẻ tuổi
Hiện tượng tê bì chân tay có thể được chia thành hai loại:
Tê chân tay do sinh lý: Tình trạng này thường xảy ra khi bạn giữ nguyên tư thế đứng, ngồi, nằm quá lâu hoặc cầm nắm vật gì đó quá chặt, khiến các dây thần kinh và mạch máu bị chèn ép, dẫn đến tê bì chân tay. Triệu chứng này thường nhanh chóng biến mất nên bạn không cần lo lắng.
Tê chân tay do bệnh lý: Một số bệnh lý có thể gây ra tê bì chân tay kèm theo các triệu chứng khác.
2. Tại sao người trẻ lại bị tê chân tay?
Đa số người mắc bệnh tê bì chân tay là người già. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người trẻ, kể cả thanh niên và trẻ em, cũng có dấu hiệu tê tay chân. Vậy nguyên nhân là gì?
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
2.1. Thiếu dinh dưỡng
Nguyên nhân này rất phổ biến, hiện nay người trẻ thường bận rộn và ít chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Việc ăn uống không khoa học sẽ khiến cơ thể thiếu các vitamin thiết yếu như vitamin nhóm B, vitamin D và các khoáng chất quan trọng như canxi, kẽm, sắt,...
Những chất này dù chỉ cần bổ sung một lượng nhỏ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Nếu thiếu một trong các dưỡng chất này, cơ thể có thể gặp nhiều vấn đề, trong đó có hiện tượng tê bì chân tay. Trẻ em cũng có thể bị tê bì chân tay nếu không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nói trên.
Tê bì chân tay có thể do thiếu hụt vitamin và khoáng chất
2.2. Thiếu ngủ, căng thẳng quá mức
Ngoài dinh dưỡng, căng thẳng thần kinh và thiếu ngủ cũng là nguyên nhân chính gây tê bì chân tay ở người trẻ. Thiếu ngủ kéo dài khiến não bộ chịu áp lực lớn, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến tê bì chân tay, run chân tay, và mất sức ở chân tay.
Ép buộc cơ thể hoạt động quá mức là rất nguy hiểm. Hãy đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, có giấc ngủ sâu và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Điều này sẽ giúp bạn tránh xa chứng tê bì chân tay.
2.3. Thừa cân, béo phì
Thừa cân không chỉ khiến bạn tự ti về ngoại hình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cơ thể nặng nề sẽ gây áp lực lớn lên hệ xương khớp và các chi, dẫn đến tê bì chân tay khi đứng, ngồi, hoặc nằm lâu đè lên tay.
Nếu mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh về xương khớp, tình trạng tê bì chân tay sẽ nghiêm trọng hơn và cần thăm khám, điều trị kịp thời.
Vì vậy, hãy duy trì cân nặng hợp lý và chế độ ăn uống khoa học để có cơ thể khỏe mạnh.
2.4. Lười vận động
Những người làm việc văn phòng hoặc phải ngồi nhiều, đứng nhiều rất dễ bị tê bì chân tay do máu lưu thông kém. Nguyên nhân này cũng rất phổ biến ở người trẻ, khiến tình trạng tê chân tay ngày càng nghiêm trọng.
Thừa cân, béo phì, lười vận động có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe
2.5. Nằm, ngồi sai tư thế
Chắc hẳn bạn đã từng bị tê chân khi ngủ hoặc tê bì tay chân khi tỉnh dậy. Nguyên nhân là do bạn nằm hoặc ngồi sai tư thế, dẫn đến máu lưu thông chậm gây tê chân tay. Để khắc phục, bạn chỉ cần thay đổi tư thế nằm, ngồi để cơ thể và các chi được thoải mái.
2.6. Sử dụng nhiều rượu bia
Sử dụng bia rượu trong thời gian dài có thể gây rối loạn thần kinh, dẫn đến tổn thương các dây thần kinh gọi là bệnh đa dây thần kinh. Bệnh này khiến bạn bị tê các ngón tay.
2.7. Thiếu máu
Người thiếu máu thường bị tê bì chân tay do lượng máu cung cấp cho vùng ngoại vi không đủ. Hiện tượng này thường xảy ra khi ngủ hoặc khi mới tỉnh dậy, và đôi khi xuất hiện mà không do đứng hay ngồi lâu.
2.8. Nguyên nhân bệnh lý
Triệu chứng tê tay chân cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm
Ngoài những nguyên nhân phổ biến gây ra tê chân tay ở người trẻ đã nêu ở trên còn có những nguyên nhân liên quan đến bệnh lý. Người bị tê chân tay có thể là do những bệnh lý sau:
-
Tiểu đường.
-
Chấn thương não, tủy sống, vai.
-
Đa xơ cứng.
-
Bệnh thần kinh tọa.
-
Hội chứng Raynaud.
-
Viêm khớp.
-
Thoát vị đĩa đệm.
Người trẻ cũng có nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, viêm khớp và các bệnh kể trên. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tê bì chân tay ở người trẻ là do ăn uống thiếu chất, nghỉ ngơi không đầy đủ và căng thẳng quá độ.
Trong trường hợp này, bạn chỉ cần bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn hàng ngày và nghỉ ngơi đủ giấc để giảm bớt triệu chứng tê bì chân tay.
Hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng tê chân tay sẽ giúp bạn yên tâm hơn khi phát hiện ra các triệu chứng này. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.