“Mẹ bảo con phải chăm chỉ lên thì mới có kết quả tốt, con đã cố gắng, thực sự cố gắng rất nhiều, nhưng tại sao những điều xui xẻo luôn ập đến với con. Lẽ nào số phận con chỉ đến thế thôi sao…”. Tớ hét lên trong nỗi tuyệt vọng, trong tiếng khóc vỡ oà xé tan lồng ngực. Hai dòng nước mắt nóng bừng thiêu rụi mọi hy vọng tớ ấp ủ bấy lâu, một nỗi đau đến tận xương tuỷ.
Đó là một ngày mưa tháng 8 năm 2019, lúc tớ vừa hoàn thành xong kì thi chuyển cấp môn Tiếng Anh và cảm thấy tuyệt vọng, bất lực sau khi xem kết quả. 8 điểm, một con số có lẽ là đáng mơ ước của bao người, lại là cơn ác mộng của tớ lúc ấy.
Từ nhỏ, tớ đã là một đứa ham học, cực kì quyết tâm, một khi đã muốn gì thì phải làm bằng được thứ ấy. Tớ lớn lên trong gia đình có truyền thống học tập, anh và chị đều là sinh viên của các trường đại học top đầu, và không hiểu vì sao, tớ luôn lấy đó làm động lực, đôi khi là tự tạo áp lực cho bản thân mình. Nhà tớ không khá giả, bố mẹ đều là nông dân, vì thế nên tớ luôn tự dặn lòng mình phải cố gắng, cố gắng thật nhiều để đem đến cho bố mẹ một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khoảng thời gian ôn thi chuyển cấp, mỗi ngày tớ chỉ ngủ 4-5 tiếng, thời gian còn lại tớ vùi đầu vào sách vở, tớ cảm thấy tội lỗi mỗi khi có ý định đi ngủ trước 12h đêm, và không thể cho phép bản thân một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn.
Thế nhưng, cuộc đời không giống như những thước phim, không phải cứ cố gắng là sẽ có được kết quả tốt đẹp. Tớ hi vọng bao nhiêu, thì nhận lại sự thất vọng bấy nhiêu.
Những kỷ niệm ấy, thời gian trôi qua thật nhanh, chúng đã trở thành những kỷ niệm từ bao giờ. Bỗng dưng, tớ tự hỏi, liệu những kỷ niệm ấy có phải là những nỗi đau trong cuộc sống không, nhưng dường như không phải, vì không có nỗi đau nào có thể đẹp đẽ và khiến tớ tự hào đến vậy.
Hiện tại, tớ đã có cơ hội trở thành sinh viên của một trường ĐH hàng đầu cả nước. Tớ đã có những bài học, kinh nghiệm và trải nghiệm không thể nào quên được. Tớ thích viết, và thích mang lại những giá trị tốt đẹp cho người khác qua từng câu chữ của mình. Cho đến bây giờ, tớ vẫn thường nghe những câu hỏi như thế này: “Mày học nhiều thế làm gì? Bao nhiêu thằng không học mà nó vẫn nổi tiếng, giàu có, tại sao mày không đi theo con đường của chúng nó, chẳng phải nhanh và dễ dàng hơn là suốt ngày ngồi học hay sao?”
Ừ, tại sao tớ lại cố gắng nhiều đến thế nhỉ! Sự học là cái gì mà khiến tớ đâm đầu vào và không thể dừng lại được. Liệu, cái giá mà tớ phải trả cho sự học có quá đắt hay không?.
Và, câu trả lời là CÓ, TẤT NHIÊN RỒI.
CÁI GIÁ CỦA NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP CHƯA BAO GIỜ LÀ RẺ.
Để có được những thành công như hiện tại, tớ đã phải đánh đổi rất nhiều. Tớ hi sinh không chỉ tiền bạc, công sức, mà còn rất nhiều thời gian vào việc học. Khi bạn bè đi chơi, kết bạn với người mới, trở thành ngôi sao trên mạng, thì tớ vẫn ngồi học. Khi bạn bè đi ngủ, nằm ấm trong chăn, thì tớ vẫn ngồi học. Khi bạn bè đã có bạn gái, họ thưởng thức cuộc sống hàng ngày, thì tớ vẫn ngồi học. Liệu đó có phải là quá đắt không? Nhưng nếu hỏi tớ có hối tiếc không, thì…
KHÔNG! TỚ…CHƯA BAO GIỜ HỐI HẬN. NẾU ĐƯỢC QUAY LẠI, TỚ VẪN SẼ LÀM NHƯ THẾ. VÌ CÁI GIÁ CỦA SỰ HỌC RẤT ĐẮT, NHƯNG NHÌN LẠI NHỮNG GÌ NÓ ĐÃ CHO TỚ, TỚ CẢM THẤY SỰ ĐÁNH ĐỔI CỦA MÌNH LÀ HOÀN TOÀN XỨNG ĐÁNG.
Xã hội dạy chúng ta phải như thế này, như thế kia, NHƯNG CUỘC ĐỜI TỚ MÀ, TỚ TỰ TẠO RA QUY LUẬT, CHỈ CẦN ĐIỀU ĐÓ LÀ TỐT CHO MÌNH VÀ KHÔNG LÀM ẢNH HƯỞNG TỚI AI! Trên đời này không có quyết định nào là hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai, như thuyết tương đối của Einstein đã chứng minh, mọi thứ đều mang tính chất tương đối. Mỗi quyết định chỉ là sự chọn lựa của chúng ta, và tớ chọn học, vì đơn giản, tớ thấy sự học quan trọng đối với cuộc đời mình.
VẬY, SỰ HỌC ĐEM LẠI CHO CHÚNG TA NHỮNG GIÁ TRỊ GÌ, TẠI SAO PHẢI ĐÁNH ĐỔI NHIỀU THỨ ĐẾN THẾ CHỈ ĐỂ HỌC?
1. Điều đầu tiên, việc học đưa chúng ta lên những nấc thang mới, gặp gỡ những con người mới tốt đẹp và phù hợp hơn.
Như một câu nói kinh điển, gió tầng nào gặp mây tầng đó. Càng học hỏi nhiều bao nhiêu, bạn lại càng phát triển lên bấy nhiêu. Những kiến thức, kinh nghiệm chúng ta đúc rút ra được từ việc học đều có thể đem đến giá trị cho chúng ta lâu dài. Học không phải là để nạp những kiến thức vào đầu một cách sáo rỗng, mục đích tối thượng của sự học là sự tự ứng dụng, là lúc bạn biến những gì học được thành công cụ để thay đổi góc nhìn của mình về thế giới, xây dựng nhân sinh quan, thế giới quan tốt đẹp hơn.
“Khi đứng ở một vị thế vàng sẽ cho bạn một tầm nhìn thông suốt”, shark Nguyễn Việt Hưng. Quả thực, càng nâng tầm hiểu biết của mình lên cao bao nhiêu, góc nhìn của chúng ta về thế giới càng được cải thiện bấy nhiêu. Vẫn là sự việc đó, nhưng ở một vị thế khác đi, quan điểm và đường lối của chúng ta cũng khác đi.
Nhưng nếu những điều đó vẫn chưa đủ để đem lại sự hứng thú cho bạn trong việc học, vậy nếu bàn đến những lợi ích hơi thực dụng, đại loại như: Có một người bạn trai học giỏi, đẹp trai và không thể thiếu là GIÀU! thì sao? Có vẻ hấp dẫn hơn nhiều.
Cuộc đời không giống như những câu chuyện cổ tích, và nếu bạn đang hi vọng vào một mối tình lung linh như cô gái Lọ Lem và chàng hoàng tử, thực ra không phải không thực hiện được, nếu như bạn có thể bước vào thế giới cổ tích qua cánh cửa thần kì của Doraemon…
Con người bạn như thế nào, bạn sẽ thu hút những người như thế đấy. Hãy quan sát những người bạn thân thiết của bạn, họ là những người như thế nào, thì thực chất bạn cũng là kiểu người như thế đấy.
Vậy nên, nếu bạn muốn kết nối với những người mà bạn mơ ước, thì điều đầu tiên bạn cần làm là học hỏi, là cải thiện và nâng cao vị thế của bản thân.
Remember! DON’T CHASE, ATTRACT (Đừng theo đuổi, hãy thu hút)
2. Nếu bạn không học vì nghĩ rằng không học cũng có thể thành công, thì bạn nhầm.
Có những người cho rằng không học cũng có thể thành công. Nhưng bản thân tớ phản đối quan điểm này, vì không học vẫn có thể đem đến sự giàu có về vật chất, nhưng thành công không chỉ đơn thuần là sự giàu có. Thành công không phải là khi bạn mua được một căn nhà, một chiếc xe và có một gia đình hạnh phúc. Thành công là khi bạn bắt đầu dùng những thứ mình có được để đem lại giá trị cho những người xung quanh, cho cộng đồng và xã hội.
Khi nhìn nhận về thành công một cách khác đi, bạn sẽ thấy rằng sự thành công không rập khuôn trong bất kì một lĩnh vực nào, một người lau dọn vệ sinh cũng có thể thành công khi người đó làm cho môi trường luôn sạch sẽ, một người bảo vệ cũng có thể thành công khi góp phần xây dựng sự văn minh. Bất kì ai cũng có thể thành công khi không ngừng học hỏi, tiếp thu và phát triển nhận thức của mình. Học hỏi qua sách vở, qua những người tốt đẹp để thay đổi góc nhìn của mình và có được thái độ sống đúng đắn hơn. Sự học không phải là thứ chỉ nằm khuôn khổ của sách vở, sự học là hành trình dài vô tận, sự học xuất phát từ mọi ngóc ngách của đời sống và tác động tích cực trở lại đời sống.
Vậy nên, hãy từ bỏ suy nghĩ không học mà có thể thành công, đó chỉ là lời biện minh của những người lười biếng.
Nói tóm lại, mọi thứ tốt đẹp đều cần phải đánh đổi. Và sự học cũng như thế, mặc dù đã đánh đổi rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc vào việc học, nhưng mình chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì những nỗ lực đó.