1. Phân loại viêm họng hạt
Khi tình trạng viêm họng thông thường kéo dài, không điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm họng hạt. Bệnh xuất phát từ sự tấn công của những vi khuẩn, vi rút gây tình trạng viêm nhiễm kéo dài và bị tái đi tái lại nhiều lần của niêm mạc vùng hầu họng và amidan. Từ đó khiến cho các tế bào lympho phải làm việc với cường độ cao dẫn đến viêm và phình to ra hình thành nên các hạt nhỏ có các kích thước khác nhau.
Hiện nay, tình trạng trên phổ biến ở mọi lứa tuổi, giới tính, đặc biệt với những người có sức đề kháng yếu, cơ thể thường xuyên suy nhược. Bệnh dễ bắt gặp và tiến triển khi thời tiết chuyển lạnh.
viêm họng hạt cấp tính
Đây là giai đoạn đầu của bệnh, chưa gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, dẫn đến nhiều người thường chủ quan, tự ý mua và sử dụng dụng thuốc tại nhà. Điều này vô tình khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, khó kiểm soát và điều trị. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu, nên kịp thời thăm khám và điều trị, hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
Viêm họng hạt mạn tính
Khi tình trạng cấp tính kéo dài không được điều trị kịp thời, dứt điểm có thể dẫn đến mạn tính, thời gian chuyển biến bệnh khoảng 3 tuần. Giai đoạn này thường nguy hiểm, khó điều trị dứt điểm, dễ tái phát ngay cả khi thời tiết không giao mùa, chuyển lạnh.
Đau nhức kéo dài tại cổ họng gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và ăn uống của người bệnh
2. Tác nhân hình thành bệnh
Nguyên nhân gây viêm họng hạt
Tình trạng có thể xuất phát từ những nhóm nguyên nhân sau:
-
Thời tiết trở lạnh, cơ thể không được giữ ấm, sức khỏe kém.
-
Nhiễm trùng do vi khuẩn có hại gây ra.
-
Biến chứng từ các bệnh viêm mũi xoang, viêm amidan mạn tính,...
-
Tác động từ môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, sử dụng thuốc lá, lạm dụng rượu bia.
-
Một số bắt nguồn từ hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, suy gan, rối loạn tiêu hóa,...
Tác nhân gây tái phát và tiến triển bệnh nhanh chóng
-
Thói quen chủ quan khi bệnh còn ở giai đoạn cấp tính, không sớm thực hiện các phương pháp điều trị.
-
Tình trạng suy yếu nghiêm trọng, viêm nhiễm và tổn thương tại niêm mạc hầu họng.
-
Thường xuyên tiếp xúc, làm việc trong môi trường ô nhiễm, khí bụi, khói thuốc,...
-
Có thói quen sử dụng nước đá hàng ngày.
-
Sử dụng thuốc kháng sinh liên tục trong thời gian dài, sai chỉ dẫn của bác sĩ.
-
Sức khỏe suy nhược, khả năng đề kháng chống lại bệnh tật kém.
-
Làm căng mao mạch dẫn đến bị vỡ bởi thói quen khạc nhổ thường xuyên.
Làm việc trong môi trường khói bụi là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp
3. Triệu chứng và biến chứng
Những triệu chứng thường gặp
Tùy theo mức độ viêm nhiễm, tác nhân hình thành, mỗi bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đi kèm khác nhau, tiêu biểu như:
-
Cổ họng có cảm giác đau, khó nuốt thức ăn, thậm chí là uống nước hay nuốt nước bọt.
-
Các hạt sưng lên tại cổ họng dẫn đến cảm giác ngứa hay vướng họng. Triệu chứng này tăng dần theo thời gian, có thể chuyển thành những cơn đau họng dữ dội.
-
Ho kéo dài cũng có thể là một trong những biểu hiện của tình trạng viêm họng hạt. Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng ho khan hoặc ho có đờm. Những cơn ho về đêm gây khó ngủ, dẫn đến mệt mỏi, đau đầu.
-
Khi bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn, hệ miễn dịch sẽ thực hiện chức năng phản ứng chống lại tác nhân gây hại dẫn đến hình thành các biểu hiện như: sốt cao, nổi hạch bạch huyết.
-
Một số đối tượng mắc bệnh sẽ gặp tình trạng hơi thở có mùi, gây khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc.
Biến chứng của bệnh
Viêm họng hạt không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng thường tái phát, gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Bệnh cũng có thể dẫn đến một số biến chứng như:
-
Gây viêm nhiễm tại hầu họng, áp xe, hay sưng amidan.
-
Gây ra các vấn đề về hệ hô hấp như: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản,...
-
Viêm họng tái phát nhiều lần có thể dẫn đến ho ra máu nguy hiểm.
-
Bệnh kéo dài có thể dẫn đến viêm khớp, viêm cầu thận,...
Viêm họng hạt là một bệnh liên quan đến hệ hô hấp, có diễn biến phức tạp, khả năng điều trị dứt điểm thấp. Do đó, mọi người cần chủ động phòng tránh, thăm khám, điều trị kịp thời để tránh hậu quả.
Viêm họng kéo dài có thể gây ra ho kéo dài kéo theo mệt mỏi
4. Chế độ ăn uống cho người mắc viêm họng hạt
Ngoài việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh viêm họng hạt cần lưu ý những điểm sau khi chọn thực phẩm hàng ngày:
-
Chọn thức ăn dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng như cháo, súp,...
-
Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, chiên rán hoặc thức ăn cứng.
-
Uống đủ nước mỗi ngày, có thể thay nước lọc bằng nước ép từ trái cây như cam, cà rốt, dưa hấu,...
-
Bổ sung thực phẩm giàu Vitamin, khoáng chất như trái cây, rau củ, yến mạch,...
-
Bổ sung thực phẩm chống viêm, hỗ trợ điều trị bệnh như gừng, tỏi, tía tô,...
-
Tránh thức ăn lạ, chưa từng dùng để tránh dị ứng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
-
Tránh uống thức uống lạnh như kem, đá,... và chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,...
Người bị viêm họng nên hạn chế ăn uống lạnh