Mẫu số 1
Khi mực nước biển dâng lên nhanh chóng, ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể gây ra những tác động tàn phá đối với sinh vật ven biển và đất liền. Điều này có thể dẫn đến: Xói mòn, lũ lụt, đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, mất môi trường sống cho cá, chim và thực vật. Tạo ra nhiều cơn bão nguy hiểm hơn. Ảnh hưởng đến cuộc sống con người, dân phải di cư đến các vùng đất cao hơn. Đe dọa các dịch vụ như truy cập Internet... Các nhà khoa học chỉ ra rằng các quốc gia hợp tác để giảm lượng khí thải nhà kính sẽ làm giảm nhiều lượng khí thải. Và từ đó có thể có tác động đáng kể đến việc nước biển dâng cao hơn
Mẫu số 2
Một hậu quả của nước biển dâng là ngập lụt bất thường, kéo dài trên diện rộng và xâm nhập mặn. Ở Việt Nam, ngập lụt ven bờ có nhiều nguyên nhân, do tác động của con người, những biến đổi bất thường về thời tiết và khí hậu kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển tốc độ chậm nhưng kéo dài. Theo dự báo của Bộ Tài nguyên & Môi trường, hai đồng bằng châu thổ lớn là sông Hồng và sông Cửu Long, nhiều vùng đất ven các con sông nhỏ, đầm phá, vũng và ven nhiều đảo cũng đối diện với nguy cơ ngập lụt cao, thậm chí ngập chìm nếu mực biển dâng cao hơn 1m. Đặc biệt, ngập lụt đe dọa sự tồn tại của nhiều đảo san hô ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; đe dọa các thành phố lớn ven biển như: Hải Phòng, Hạ Long, Quy Nhơn, Cà Mau…
Mẫu số 3
Hậu quả của nước biển dâng là vô cùng to lớn. Các tác động như mất đất, tình trạng ngập lụt tăng cao đối với các khu vực đất thấp, tốc độ xói mòn tăng dọc theo bờ biển, làm tăng mức độ mặn ở các cửa sông và nguồn nước ngầm và mặt khác làm giảm chất lượng nước, gây suy thoái hệ sinh thái ven biển. Hiện nay, hầu hết vùng ven biển được sử dụng chủ yếu cho du lịch và dịch vụ thương mại, nguy cơ phá hủy khu vực này khi nước biển dâng là rất lớn nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả vùng bờ. Nước biển dâng kết hợp với thiên tai bão lụt cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống hạ tầng: hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước…
Mẫu số 4
Nước biển dâng lên có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng: tăng nguy cơ bão lụt ở các khu vực ven biển; làm mất mạch đất canh tác màu mỡ; mở rộng diện tích bị nước mặn hoặc nước lợ xâm nhập; làm suy giảm tính đa dạng sinh học của hệ động và thực vật; làm mất đi các hệ sinh thái quan trọng… Theo dự báo biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình hàng năm ở nước ta có thể tăng khoảng 2,3 độ C; lượng mưa hàng năm và lượng mưa vào mùa mưa sẽ tăng, trong khi lượng mưa vào mùa khô sẽ giảm. Theo kịch bản này, nếu mực nước biển tăng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo mỗi năm, chịu ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
(Nguồn: sưu tầm)