Đoan Tuệ Hoàng thái tử 端慧皇太子 | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Hoàng thái tử Đại Thanh | |||||||||
Hoàng thái tử Đại Thanh | |||||||||
Tại vị | 1 tháng 1 năm 1736 - 23 tháng 11 năm 1738 (2 năm, 326 ngày) | ||||||||
Tiền nhiệm | Dận Nhưng | ||||||||
Kế nhiệm | Nhân Tông Duệ Hoàng đế | ||||||||
Thông tin chung | |||||||||
Sinh | 9 tháng 8, 1730 | ||||||||
Mất | 23 tháng 11, 1738 | (8 tuổi)
||||||||
An táng | 11 tháng 12, 1743 Đoan Tuệ Hoàng thái tử viên tẩm (端慧皇太子园寝) | ||||||||
| |||||||||
Hoàng tộc | Ái Tân Giác La | ||||||||
Thân phụ | Thanh Cao Tông | ||||||||
Thân mẫu | Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu |
Đoan Tuệ Hoàng thái tử (chữ Hán: 端慧皇太子; 9 tháng 8, năm 1730 – 23 tháng 11, năm 1738) thuộc dòng Ái Tân Giác La, là con trai thứ hai của Hoàng đế Càn Long triều Thanh.
Với vị thế là Đích trưởng tử, Vĩnh Liễn được Càn Long Đế rất yêu quý. Theo lời tự thuật của Càn Long Đế, Vĩnh Liễn đã được chọn làm Thái tử ngay từ năm Càn Long thứ nhất (1736).
Cuộc sống
Hoàng tử Vĩnh Liễn sinh vào giờ Thân, ngày 26 tháng 6 (âm lịch) năm Ung Chính thứ 8 (1730), là con trai thứ hai của Thanh Cao Tông và con trai đầu của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Ông là anh ruột của Cố Luân Hòa Kính công chúa và Triết Thân vương Vĩnh Tông.
Vĩnh Liễn, một Hoàng tử thông minh, được Càn Long Đế rất yêu quý. Tên gọi Vĩnh Liễn được do Thanh Thế Tông Ung Chính Đế đặt, mang ý nghĩa 'Kế thừa dòng tộc'. Theo lời tự thuật của Càn Long Đế, Vĩnh Liễn đã được bí mật chọn làm Hoàng thái tử từ năm Càn Long thứ nhất (1736). Dù được yêu thương và kỳ vọng, Vĩnh Liễn không may mắc bệnh nặng và qua đời vào giờ Tỵ, ngày 12 tháng 10 (âm lịch) năm Càn Long thứ 3 (1738), khi mới 8 tuổi.
Càn Long Đế rất thương tiếc khi Đích tử qua đời và đã có những chỉ dụ về sự mất mát này.
“ |
永璉乃皇后所生,朕之嫡子,聰明貴重,氣宇不凡。皇考命名,隱示承宗器之意。朕御極後,恪守成式,親書密旨,召諸大臣藏於乾清宮“正大光明”榜後,是雖未冊立,已命為皇太子矣。今既薨逝,一切典禮用皇太子儀注行。 . Vĩnh Liễn là do Hoàng hậu sở sinh, là Đích tử của Trẫm, thông minh quý trọng, khí vũ bất phàm. Hoàng khảo đặt tên cho nó, hàm ý kế thừa tông khí. Trẫm sau khi ngự cực (ý là lên ngôi), tuân thủ nghiêm ngặt thành thức, thân thư mật chỉ, triệu chư đại thần giấu ở sau biển Chính Đại Quang Minh ở Càn Thanh cung, dù chưa sắc lập, nhưng đã được chọn là Hoàng thái tử rồi. Nay đã hoăng thệ, hết thảy tang lễ và nghi cụ đều dùng hình thức dành cho Hoàng thái tử. |
” |
— Lời dụ tang lễ cho Hoàng tử Vĩnh Liễn |
Sau đó, Vĩnh Liễn được phong tặng danh hiệu Đoan Tuệ Hoàng thái tử (端慧皇太子), là Thái tử duy nhất được truy phong trong triều Thanh. Tang lễ của Hoàng thái tử được tổ chức long trọng, và Càn Long Đế đã ra chỉ thị cẩn thận tránh nhắc đến chữ 'Liễn' trong tên của Thái tử. Trong lễ tang, Càn Long Đế đã nhiều lần trực tiếp tham dự và cử hành các nghi thức.
Mộ phần
Vào ngày 11 tháng 12 năm Càn Long thứ 8 (1743), quan tài của Đoan Tuệ Hoàng thái tử được chính thức đưa vào khuôn viên lăng tẩm của mình tại Đoan Tuệ Hoàng thái tử viên tẩm (端慧皇太子园寝), nằm ở Chu Hoa sơn (朱华山) thuộc vùng Kế Châu, Thiên Tân.
Trong tổng số 12 lăng mộ của các Hoàng đế, 7 lăng của Hoàng hậu và nhiều viên tẩm của thành viên Hoàng gia nhà Thanh, chỉ có duy nhất một lăng mộ dành cho Hoàng thái tử, đó là Đoan Tuệ Hoàng thái tử viên tẩm. Để xây dựng lăng mộ khang trang cho Thái tử, Càn Long Đế đã chi hơn 3000 lượng bạc trắng. Viên tẩm của Đoan Tuệ Hoàng thái tử được đánh giá là hoàn thiện và cao cấp nhất trong số các viên tẩm dành cho Hoàng tử nhà Thanh. Càn Long Đế cũng ưu ái đặc biệt cho việc tế lễ tại đây, đặc biệt vào các ngày lễ lớn như Thanh Minh, Trung Nguyên và Đông chí, điều mà không viên tẩm nào khác có được.
Khi Gia Khánh Đế được chọn làm Hoàng thái tử và tiếp quản quyền lực, Càn Long Thái Thượng hoàng yêu cầu Tân đế phải thực hiện nghi lễ trước mộ của Đoan Tuệ Hoàng thái tử, lý do là:'Đoan Tuệ Hoàng thái tử đã được bí mật chọn làm Trữ quân và có danh phận, vì vậy Tân đế phải thực hiện lễ quỳ khấu trước mộ, nhưng không được coi đó là nghi lễ của em trai đối với anh trai' (端慧皇太子先曾密立。已有名分,应行叩跪之礼,非因以弟拜兄). Sự kiện này được ghi chép trong Thực lục và quy định lễ nghi của triều Thanh.
- Thanh Cao Tông
- Thanh Nhân Tông
- Hoàng thái tử
- Vĩnh Tông
- Vĩnh Kỳ
- Thanh sử cảo