Vịt thịt siêu năng suất (còn gọi là vịt Super Meat, vịt Super M, hoặc vịt CV) là giống vịt công nghiệp chuyên thịt do hãng Cherry Valley của Anh phát triển từ năm 1976 và được du nhập vào Việt Nam cuối những năm 1990. Đây là giống vịt có năng suất rất cao. Hiện nay, Việt Nam đã công nhận giống vịt này là một giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành trên toàn quốc, áp dụng cho một số dòng vịt như Vịt CV (Super M, CV Super M2 và M2 (i), Super-M3), và giống vịt chuyên thịt M14.
Đặc điểm nổi bật
Đây là giống vịt dễ nuôi, ăn tạp, khả năng tận dụng thức ăn cao, lớn nhanh, thịt ngon. Nuôi khoảng 45-50 ngày tuổi, trọng lượng có thể đạt 3-3,5 kg/con. Khả năng chống chịu bệnh tốt, tỷ lệ sống cao và có giá trị kinh tế. Vịt có ngoại hình đẹp, chân vàng, lông trắng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Hình dáng bên ngoài
Là giống vịt chuyên về thịt có năng suất cao, vịt có ngoại hình đặc trưng của giống vịt cao sản hướng thịt. Lông màu trắng, mỏ và chân màu vàng nhạt hoặc vàng chanh, thân dài, ngực nở, rộng và sâu, chân cao, đùi phát triển, đầu và cổ to dài, mỏ dài và rộng. Đỉnh đầu đến mỏ gần như tạo thành một đường thẳng. Dáng đứng gần như song song với mặt đất. Vịt con có lông mềm mịn, mắt sáng, to, lanh lợi, chân bóng mượt, nhanh nhẹn khỏe mạnh. Không nên chọn con vịt bị dị tật, quá nhỏ hoặc quá to so với trung bình, hở rốn, yếu, khèo chân, bụng nặng bết lông.
Vịt trống nặng 4,1 kg, vịt mái nặng 3,45 kg. Con đực trưởng thành nặng 4,7 kg/con, con mái nặng 3,7 kg/con. Dòng cao sản nuôi 42 ngày tuổi đạt 2,8 kg/con và 60 ngày tuổi đạt 3 kg/con. Chi phí thức ăn từ 2,2 - 2,6 kg cho 1 kg tăng trọng. Vịt nuôi chạy đồng đạt 2,8 - 3,0 kg thức ăn lúc 70 - 75 ngày nuôi. Chi phí thức ăn thêm cho 1 kg tăng trọng từ 1,2 - 1,5 kg. Vịt trống và mái có đặc điểm sinh trưởng khác nhau nên nhu cầu dinh dưỡng cũng khác nhau. Lượng thức ăn hàng ngày của vịt trống cao hơn vịt mái từ 5 - 10%. Vịt bố mẹ bắt đầu đẻ ở tuần thứ 25, năng suất trứng 180-220 quả/mái/67 tuần tuổi. Nuôi thương phẩm 8 tuần tuổi đạt 3-3,4 kg/con, tiêu tốn thức ăn 2,6-2,8 kg/kg tăng trọng. Khối lượng giết thịt lúc 56 ngày tuổi trong điều kiện nuôi thâm canh đạt 3,4 kg/con, nuôi chạy đồng lúc 70 ngày tuổi đạt 3,3 kg/con. Tỷ lệ thịt xẻ 73%, tỷ lệ nạc 27,3%, tiêu tốn thức ăn cho 1 kg thịt hơi 2,7 kg.
Tập tính sinh hoạt
Vịt có thói quen tìm kiếm thức ăn rất kỹ và giỏi. Vịt thích nghi tốt ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, có thể nuôi nhốt, chăn thả dưới nước hoặc trên cạn. Vịt thương phẩm nuôi nhốt 56 ngày tuổi, hoặc kết hợp chăn thả 70 ngày tuổi đạt trọng lượng 2,8 - 3,4 kg/con. Vịt nuôi lấy thịt theo phương thức thâm canh (nuôi nhốt tại chỗ và cho ăn thức ăn hỗn hợp) đạt trọng lượng 3,5 - 3,7 kg lúc 56 ngày tuổi với tỷ lệ nuôi sống từ 93 - 98%, chi phí 2,3 kg thức ăn cho 1 kg tăng trọng. Vịt đẻ bắt đầu vào lúc 168 ngày tuổi, sản lượng trứng đạt 190 quả/mái/42 tuần đẻ. Khối lượng trứng trung bình từ 86 - 88 gam. Tỷ lệ có phôi trên 90%, tỷ lệ nở trên phôi đạt 85%. Lượng thức ăn tiêu thụ trong giai đoạn đẻ là 230 gam/con/ngày. Tỷ lệ nuôi sống vịt thương phẩm từ 1 ngày tuổi đến khi giết thịt đạt 97%.
Ở phương thức nuôi thả truyền thống, vịt siêu thịt đạt trọng lượng 3 - 3,3 kg lúc 70 ngày tuổi với tỷ lệ sống 90 - 92%. Vịt siêu thịt có năng suất cao hơn vịt địa phương với sản lượng 190 - 210 trứng/mái/năm, tỷ lệ sống trên 96%, trọng lượng xuất chuồng trung bình 3,1 kg/con. Tiêu tốn thức ăn 2,7 kg cho mỗi kg tăng trọng. Vịt siêu thịt lớn rất nhanh, nuôi trên hai tháng đã đạt trên 3 kg/con, nuôi giống vịt này cho hiệu quả kinh tế cao. Từ 2 tuần tuổi, vịt có sức đề kháng tốt, sinh trưởng đồng đều.
Vịt nuôi lấy thịt theo phương thức thâm canh (nuôi nhốt và cho ăn thức ăn hỗn hợp). Vịt siêu thịt 6 tháng tuổi bắt đầu đẻ trứng, khối lượng trứng lớn: 80 – 85g/trứng, tỷ lệ trứng có phôi 90 – 95% và tỷ lệ nở trứng có phôi 78 – 85%. Sau 10 tháng đẻ, nếu bầy vịt vẫn duy trì tỷ lệ đẻ 60-70% thì đó là bầy vịt đẻ tốt. Đối với vịt siêu thịt bố mẹ, nên khai thác khả năng đẻ trứng trong 10 tháng đẻ từ khi đàn vịt đẻ đạt 5% là tốt nhất. Nếu để vịt đẻ tiếp thì hiệu quả kinh tế giảm do tỷ lệ đẻ thường sụt xuống 50-55% và tiếp tục giảm.
Các giống vịt
Các dòng vịt Super như Super M hay Super Heavy (siêu nặng) có ưu điểm sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn nhưng cho sản lượng thịt cao. Các giống vịt dòng Super cho năng suất cao hơn so với giống vịt truyền thống. Vịt CV Super M2 cải tiến (Viện Chăn nuôi, 2006) là kết quả cải thiện di truyền từ trại vịt giống Vigova nhập từ Anh Quốc, nâng cao năng suất và chất lượng thịt, giảm tiêu tốn thức ăn. Việt Nam đã nhập một loạt giống vịt ông bà CV Super M gồm 2 dòng, qua 9 thế hệ chọn lọc nâng cao năng suất của dòng ông (CB1) và dòng bà (CB2) bằng phương pháp chọn lọc, tạo dòng đơn giản và áp lực chọn lọc cao, luân chuyển trống mái để tránh cận huyết.
Trong khoảng 40 năm qua, Việt Nam đã nhập nhiều giống vịt có năng suất thịt cao từ khắp nơi trên thế giới. Các giống vịt này hiện còn tồn tại rất ít. Trong các năm 1989, 1990, 1991, 1999 và năm 2001, Việt Nam đã nhập thêm các giống vịt CV Super M, M2, M2(i), CV Super M3, là những giống vịt có năng suất thịt cao và đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Vịt Super cho năng suất cao, chất lượng thịt tốt, tỷ lệ đẻ trứng và tỷ lệ phôi cao. Qua các thế hệ, vịt CB1 có tỷ lệ sống cao ở các giai đoạn con, dò, hậu bị: 97 - 100%; tương ứng với vịt CB2 là 96 - 99%. Khối lượng cơ thể của vịt CB1 trống 8 tuần tuổi đạt 2,3 - 2,7 kg/con, vịt CB2 trống đạt trung bình 2,0 - 2,2 kg/con.
Năng suất trứng/mái/64 tuần tuổi: Vịt CB1 đạt 164 - 170 quả; vịt CB2 đạt 181 quả (thế hệ 9), tăng 12,03 quả so với thế hệ 1 (169,21 quả). Vịt CB1 thế hệ 9 có tỷ lệ phôi: 89,9%, tỷ lệ nở loại I/trứng có phôi: 79,22%; vịt CB2 tương ứng đạt 91,79%; 82,31%. Vịt thương phẩm (trống CB1 x mái CB2) nuôi đến 8 tuần tuổi có tỷ lệ sống 98%, khối lượng cơ thể đạt 3,3 kg. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng là 2,62 kg. Trên nền tảng từ các dòng vịt CV Super M, lai tạo ra các dòng vịt Super M3 và SM3 Super Heavy nhập nội, kết hợp những đặc điểm tốt, tạo ra tổ hợp lai có ưu thế về sức sống, chất lượng thịt, thích nghi với từng vùng sinh thái.
Chăn nuôi vịt
Chế độ dinh dưỡng
Đối với giống vịt cao sản, nhu cầu dinh dưỡng rất khắt khe. Nếu thức ăn thiếu hoặc không cân đối dinh dưỡng sẽ làm giảm năng suất. Nguồn thức ăn địa phương như lúa, còng, đầu tôm, cá... thường thiếu hoặc không cân đối vitamin, khoáng, protein... sẽ làm vịt mái đẻ giống siêu thịt đẻ kém, rụng lông sớm. Nuôi vịt giống siêu thịt không đúng kỹ thuật là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vịt đẻ kém, rụng lông sớm.
Vịt có thể nuôi nhốt, chăn thả dưới nước hoặc nuôi cạn. Chọn vịt nở đúng ngày (28 ngày), nếu vịt nở sớm hoặc muộn đều không tốt vì tỷ lệ chết cao. Chuồng vịt phải khô ráo, sạch sẽ, có sân chơi cho vịt. Thức ăn đảm bảo chất lượng, hàm lượng protein 20-22%. Tuần đầu, vịt con mới bắt về cho ăn C.16 và nước uống pha thuốc ngừa tiêu chảy, dịch tả, thương hàn (uống liên tiếp 2 tuần). Sau 2 tuần, trộn thêm bột cá, đỗ tương, Premik VTM, khoáng, tôm tép, cá, giun, cua, ốc rau xanh, bã bia cho vịt ăn.
Thức ăn đảm bảo dinh dưỡng với hàm lượng protein 15,5%. Từ 9-11 tuần tuổi, mỗi con ăn 210g/ngày; từ 12-15 tuần tuổi, mỗi con ăn 310g/ngày. Sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên và thức ăn có sẵn để nuôi vịt. Chỉ cho vịt ăn 1 lần/ngày theo lượng quy định. Tránh để vịt quá béo hoặc quá nhỏ, trọng lượng trung bình vịt từ 8 tuần tuổi là 2,1 - 2,7 kg; 10 tuần tuổi là 2,7 - 3,1 kg; 12 tuần tuổi là 3,5 - 4,0 kg. Phải đáp ứng nhu cầu calci và phosphor dễ hấp thu cho vịt CV Super M nuôi thịt trong điều kiện chăn nuôi tập trung. Vịt đực ăn quá nhiều gây mập mỡ hoặc ăn quá ít gây lao.
Nuôi vịt nhốt
Khi nuôi đàn vịt riêng, cần phải thêm một số vịt mái theo tỷ lệ một đực năm mái để đảm bảo phát dục của con đực. Tuyệt đối không nuôi riêng con đực mà không có mái trong thời gian dài. Một số đàn vịt giống siêu thịt mới đẻ trứng 4-5 tháng đã rụng lông, mập mỡ, đẻ kém do nông dân sử dụng vịt thịt để làm vịt giống. Vịt thương phẩm chỉ dùng để nuôi lấy thịt có khả năng tăng trọng nhanh nhờ ưu thế lai, nhưng khả năng sinh sản kém. Đàn vịt này thường đẻ muộn, tỷ lệ đẻ tăng chậm và sau 4-5 tháng đã rụng lông, phải bán bỏ.
Trong thực tế nuôi vịt đẻ siêu thịt bố mẹ, thường gặp hiện tượng vịt trống 8-9 tháng tuổi mà đạp mái yếu, tỷ lệ đậu phôi thấp. Trong khi vịt trống siêu thịt bình thường 7 tháng đã thành thục sinh dục và 8-9 tháng đạp mái tốt, tỷ lệ phôi cao. Nguyên nhân là do kỹ thuật không đúng trong thời gian nuôi hậu bị: Vịt trống và mái không được nuôi chung thường xuyên từ nhỏ. Tách trống mái quá lâu trong quá trình nuôi dưỡng. Nuôi chung trống mái từ nhỏ là trong đàn vịt mái nên thả một số vịt trống và nuôi suốt từ giai đoạn nhỏ đến khi đẻ trứng và thả luôn trong quá trình đẻ trứng. Định kỳ 2 tuần một lần, vịt đực được tách ra nuôi riêng rồi nhập lại nuôi chung với vịt mái suốt giai đoạn từ khi nhỏ đến khi đẻ.
Chế biến thịt vịt
Chọn đúng thời điểm giết mổ là rất quan trọng. Với phương thức nuôi thâm canh, thời điểm lý tưởng để giết mổ vịt là khi chúng đạt 7-8 tuần tuổi, lúc này vịt có trọng lượng từ 3,0 – 3,3 kg/con. Tỷ lệ thịt đùi và ức cao (29-30%). Sau 8 tuần, trọng lượng vịt chậm lại do tích mỡ nhiều, làm tăng chi phí thức ăn. Thời điểm 7-8 tuần, lông vịt đã phát triển đầy đủ, dễ vặt. Nếu giết mổ sớm, vịt còn nhiều lông măng; muộn quá, lông ức thay, khó vặt.
Nuôi vịt ở Việt Nam
Vịt siêu thịt lần đầu được nhập từ Anh vào Việt Nam năm 1989 qua dự án VIE/86-007 do Liên Hợp Quốc tài trợ. Lần đầu nhập vịt bố mẹ thuần chủng vào tháng 11/1989, tiếp theo là giống ông bà thuần chủng vào tháng 9/1990 và tháng 8/1991. Từ năm 1990 đến nay, giống vịt này cho thấy khả năng thích nghi và phát triển tốt ở Việt Nam, sản lượng thịt vượt trội so với giống vịt địa phương.
Những năm đầu thập kỷ 90, nhờ tiến bộ quốc tế, các giống vịt cao sản được nhập vào Việt Nam. Sau thời gian nhân nuôi và chọn tạo, chúng cho thấy khả năng thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện Việt Nam, đặc biệt là dòng Super. Vịt siêu thịt, mặc dù là giống cao sản, nhưng kỹ thuật chăm sóc không phức tạp. Ban đầu cho ăn 5-6 bữa/ngày, từ ngày 11 giảm còn 3-4 bữa/ngày. Từ 7-8 ngày tuổi, cho vịt làm quen với nước. Sau 20 ngày tuổi, cho vịt ra đồng kiếm thức ăn.