Để thu hút khách hàng chuyên nghiệp, Apple cần phải hạ bớt triết lý của mình và thỏa mãn những yêu cầu của người dùng. Đó chính là điều hãng đã thực hiện trên thế hệ MacBook Pro mới.
Gần đây, Apple đã giới thiệu thế hệ mới của MacBook Pro với nhiều cải tiến về hiệu suất. Bên cạnh việc nâng cấp chip Intel Core lên thế hệ thứ 8, lần đầu tiên một chiếc MacBook Pro có thể nâng cấp RAM lên đến 32GB - gấp đôi so với thế hệ trước.
Để thực hiện điều này, Apple đã chuyển từ việc sử dụng RAM DDR3 sang RAM DDR4.
Tuy nhiên, DDR4 không phải là công nghệ mới. Từ năm 2015, chip Intel Core thế hệ thứ 6 đã hỗ trợ RAM DDR4. Các nhà sản xuất máy tính như Dell, HP, Lenovo cũng đã sớm sử dụng DDR4 trên sản phẩm của họ. Tuy vậy, khi MacBook Pro ra mắt vào cuối năm 2016, Apple vẫn sử dụng RAM DDR3 và giữ nguyên giới hạn 16GB.
Tại sao Apple từng không sử dụng DDR4?
Cần nhấn mạnh rằng loại RAM mà Apple sử dụng không chỉ là DDR3 mà là LPDDR3. 'LP' viết tắt của Low-power, có ý nghĩa là tiết kiệm năng lượng. Trong điều kiện sử dụng thông thường, mức tiêu thụ năng lượng của LPDDR3 và DDR4 tương đương nhau. Tuy nhiên, khác biệt của RAM Low-power là khi bạn đặt máy ở chế độ chờ: LPDDR3 tiết kiệm năng lượng hơn rất nhiều so với DDR4.
Trước đây, Micron, một trong những nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu thế giới, đã so sánh thời gian chờ pin giữa hai loại RAM DDR3 và LPDDR3. Nếu DDR3 chỉ có thời gian chờ là 11 ngày, thì con số đó với LPDDR3 là… 55 ngày. Tương tự như vậy với DDR4.
Ở đây bạn có thể tự hỏi: Ồ, RAM Low-power thật tuyệt. Vậy RAM LPDDR4 đâu, tại sao Apple không sử dụng?
Vấn đề quan trọng là: Intel
Thực tế, Apple đã sử dụng LPDDR4 từ năm 2015, nhưng không trên máy tính mà là trên iPhone 6s và iPad Pro. Với ưu điểm về tiết kiệm năng lượng, Apple muốn áp dụng LPDDR4 lên dòng máy Mac của mình. Nhưng Apple không thể thực hiện điều đó. Vấn đề không phải từ Apple mà từ Intel.
Không phải Apple mà là Intel đã khiến LPDDR4 không thể được sử dụng trên dòng máy Mac của Apple.
Tính đến thời điểm hiện tại, các dòng chip mới của Intel (bao gồm cả Kaby Lake-R và Coffee Lake) vẫn chưa hỗ trợ LPDDR4. Các nhà sản xuất phải đưa ra sự lựa chọn: LPDDR3 tiết kiệm điện nhưng chỉ đạt tối đa 16GB, hoặc DDR4 'ngốn pin' nhưng có thể lên đến 32GB.
Thế hệ chip tiếp theo của Intel là Cannon Lake sẽ hỗ trợ RAM LPDDR4. Thực tế, sản phẩm thương mại đầu tiên sử dụng con chip này đã được tung ra, đó là chiếc Lenovo Ideapad 330 đi kèm con chip Intel Core i3-8121U.
Rõ ràng là Apple không thể đưa một con chip Core i3 với hiệu năng thấp vào dòng sản phẩm Pro của mình được. Ngoài ra, có vẻ như chính Intel vẫn còn đang gặp khó khăn với tiến trình 10nm mới. Bằng chứng cụ thể là con chip Core i3-8121U không có GPU tích hợp, và dường như đó là một trở ngại mà Intel vẫn chưa thể khắc phục để tiến tới sản xuất hàng loạt các dòng chip i5/i7/i9 cao cấp hơn.
Chính vì vậy, Apple nói riêng, toàn bộ ngành công nghiệp máy tính nói chung và đương nhiên là cả người dùng vẫn đang chờ đợi Intel. Hiện vẫn chưa có thời điểm chính xác khi nào thì những con chip Cannon Lake hiệu năng cao mới được ra mắt, chỉ biết chắc chắn rằng nó sẽ là câu chuyện của năm 2019 chứ chưa phải là năm nay.
Từ bỏ sự hoàn hảo để đáp ứng nhu cầu của người dùng
Apple nổi tiếng với việc luôn tập trung vào trải nghiệm chứ không bao giờ chạy theo những con số. Chính vì vậy, vào thời điểm năm 2016, Apple đã quyết định sử dụng RAM LPDDR3 và giữ nguyên mức 16GB nhằm đem lại một trải nghiệm tổng thể tốt hơn cho người dùng. Hãng muốn tạo ra một sản phẩm đồng đều về mọi mặt, và với suy nghĩ này thì một chiếc laptop 16GB RAM nhưng pin lâu vẫn tốt hơn là một chiếc laptop 32GB RAM nhưng pin tệ. Thực tế, 16GB vẫn là tương đối đủ cho phần lớn người dùng, cộng thêm khả năng quản lý bộ nhớ khá tốt của macOS, vậy nên Apple vẫn khá tự tin về hiệu năng của MacBook Pro thời đó.
Tuy nhiên, trước kỷ nguyên của video 4K/8K, AR (thực tế ảo tăng cường), nghiên cứu về AI/Machine Learning và hàng loạt các công nghệ mới, nhu cầu của người dùng ngày một tăng cao. Chính điều này đã khiến cho Apple nhận được hàng loạt lời phàn nàn của người dùng, đặc biệt là giới chuyên nghiệp. Cộng thêm sức ép từ các đối thủ bên thế giới PC như Dell XPS với hàng loạt những lời đánh giá tốt, Apple cảm nhận rõ được sự thất thế của mình.
Và Apple đã quyết định bỏ cuộc. Bỏ cuộc với LPDDR3, với việc chờ đợi Intel, với sự hoàn hảo để đến với DDR4, để đạt mức RAM 32GB và để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Việc chuyển sang sử dụng DDR4 chắc chắn sẽ khiến cho Apple không thoải mái một chút nào, do Apple biết chắc chắn sẽ có những người dùng cảm thấy không hài lòng về thời lượng pin của máy. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng đây là MacBook Pro - chiếc máy dành cho đối tượng người dùng chuyên nghiệp. Người dùng chuyên nghiệp cần RAM 32GB hơn hay cần thời lượng pin dài hơn? Có lẽ là RAM nhiều hơn.
Hy sinh sự hoàn hảo là phương án mà Apple đã lựa chọn để níu kéo đối tượng người dùng chuyên nghiệp - những người trong suốt những năm qua đã nhiều lần cảm thấy bị thất vọng bởi các sản phẩm của hãng.