Trong cuộc sống, chúng ta luôn mong muốn nỗ lực hết mình từ lúc chào đời đến khi lìa xa thế giới. Cuộc đời chúng ta tựa như một bản nhạc với 8 nốt: Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si. Nếu tiếng khóc khi chào đời là Do thì nốt Si là tiếng khóc hạnh phúc. Khi còn nhỏ, chúng ta khóc để đòi hỏi; khi lớn lên, chúng ta khóc khi đạt được ước nguyện. Vậy tuổi trẻ, có bao giờ ta nhận ra đó là sự đánh đổi quá lớn? Có khi nào ta tự hỏi vì sao mình không còn là chính mình nữa?
Cuộc sống hiện đại làm con người trở nên mơ hồ, cô đơn và im lặng. Chúng ta dễ rơi vào trầm cảm, sống trong những bản thảo hỗn độn do chính mình tạo ra. Thế hệ trẻ ngày nay không còn kiên cường như thời ông cha giữ nước, không còn liên kết chặt chẽ như mẹ Âu Cơ dạy dỗ. Chúng ta trở nên độc lập nhưng ngoan ngoãn đến đáng sợ, sống mà không phản kháng mạnh mẽ khi thế giới trở nên xấu xa, không kết nối với tâm hồn mình. Cuộc sống hiện đại đầy những bản thảo cuộc đời hoàn hảo của người khác, khiến ta áp lực và lạc lối, biến mình thành một bản sao hỗn độn. Chúng ta đo lường cuộc đời mình bằng thước đo của xã hội, nơi mọi người tranh nhau thể hiện nốt Si của cuộc đời. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng tâm hồn và bản ngã của bạn mới là nốt Si thật sự của cuộc đời mình? Có bao giờ bạn nghĩ rằng người khác cũng đang tìm kiếm nốt Si của họ?
Nốt Si là nốt cuối và cũng là nốt cao nhất, giống như cuộc đời mỗi người. Từ Do đến Si, mỗi giai đoạn của cuộc đời đều mang âm hưởng riêng. Khi sinh ra, chúng ta là nốt Do, trầm lặng nhưng thuần khiết và bền vững. Lớn lên, khi bắt đầu đi học và tiếp xúc với thế giới, chúng ta là nốt Re, khám phá ra bản thân. Khi trưởng thành, biết tự lập và trải nghiệm tình yêu đầu đời, chúng ta là nốt Mi. Khi bước vào xã hội, chúng ta là nốt Fa, với những tham vọng và khát vọng. Khi đạt được một số thành tựu, chúng ta là nốt Sol, nhưng cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Khi nhận ra những đánh đổi đó quá lớn, chúng ta là nốt La, mong muốn quay lại với những gì đơn giản. Cuối cùng, nốt Si là hạnh phúc thật sự khi ta hài lòng với chính mình. Cuộc đời như một bản nhạc hoàn chỉnh khi chúng ta biết trân trọng bản thân và những gì mình có.
Bản thảo cuộc đời mà chúng ta vẽ ra đôi khi trở thành bản chính, để rồi ta nhận ra chúng không thực sự thuộc về mình. Khi cảm thấy bản thân lạc lối trong những mong đợi của xã hội, chúng ta trở nên mơ hồ, mất tự tin, và dần rơi vào trầm cảm, căn bệnh nguy hiểm chỉ sau bệnh tim mạch. Trong thời đại mạng xã hội và công nghệ, thế hệ trẻ dễ bị áp lực bởi những thành công phô trương nhưng thiếu sự phấn đấu thực sự. Xã hội vội vàng đánh giá con người qua thành tựu, mạng xã hội có thể giết chết một cá nhân, chỉ trích khi họ sống đúng với bản thân mình. Nếu vòng xoáy của nốt Si là sự lầm tưởng về hạnh phúc, thì thế hệ trẻ đang phải trả giá quá đắt, mất đi hạnh phúc và sự cân bằng của chính mình.
Khi đánh mất bản thân, con người trở nên lạnh lùng, vô cảm và phán xét nhiều hơn. Đó là cái giá của việc lầm tưởng hạnh phúc. Để đạt được hạnh phúc mà ta cho rằng cần phải có thành tựu cao, dùng đồ hiệu đắt tiền, chúng ta trở nên thờ ơ với những điều xấu, đánh mất giá trị thực sự. Thế hệ trẻ hiện nay là điển hình cho sự lầm tưởng về giá trị hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là những thứ hữu hình mà ta chạy theo, mà là sự chấp nhận và hài lòng với những gì ta đã và đang có.
Tuổi trẻ thường rơi vào vòng xoáy của nốt Si, đánh mất chính mình khi chạy theo những thứ hữu hình, quên đi tâm hồn và bản ngã. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài xã hội mà quên đi rằng chính bản thân mới tạo ra nốt Si, tạo ra hạnh phúc. Vòng xoáy này đã khiến nhiều người trẻ và cả xã hội ngày nay rơi vào trầm cảm, một căn bệnh đáng báo động. Theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai năm 2021, khoảng 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm 25%, và mỗi năm có từ 36.000 - 40.000 người tự tử do trầm cảm. Những con số này đang tăng và trẻ hóa. Giới trẻ ngày càng áp lực bởi xã hội và chính mình trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Hãy nhớ, hạnh phúc chính là những gì bạn đã và đang có khi bạn biết chấp nhận và hài lòng. Hãy là chính mình, tuổi trẻ!
Nguồn ảnh: Pinterest - Artwoonz.com
Tác giả: Thanh Nhi