Vũ Linh | |
---|---|
Biệt danh | Ông Hoàng Cải Lương Hồ Quảng |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Võ Văn Ngoan |
Ngày sinh | 10 tháng 12 năm 1958 |
Nơi sinh | Chợ Lớn, Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa |
Mất | |
Ngày mất | 5 tháng 3 năm 2023 | (64 tuổi)
Nơi mất | Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam |
Quốc tịch | Việt Nam |
Nghề nghiệp | Diễn viên sân khấu |
Gia đình | |
Con cái | Võ Thị Hồng Loan (Con nuôi) |
Lĩnh vực | Cải lương, tân cổ, tân nhạc |
Danh hiệu | Nghệ sĩ Ưu tú (1997) |
Sự nghiệp sân khấu | |
Vai diễn | Lương Sơn Bá trong Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài |
Tác phẩm | Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Xa phu đi sứ, Giũ áo bụi đời, Bức ngôn đồ Đại Việt... |
Giải thưởng | |
HCV Trần Hữu Trang (1991, 1995) Giải Mai Vàng (1995, 1999) | |
Vũ Linh, tên đầy đủ là Võ Văn Ngoan (10/12/1958 – 5/3/2023), là một trong những nghệ sĩ cải lương lừng danh của Việt Nam. Ông nổi bật với nhiều vở cải lương nổi tiếng như: Hòn vọng phu, Giũ áo bụi đời, Bức ngôn đồ Đại Việt, Cô đào hát, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài...
Cuộc đời và sự nghiệp
Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, việc học của ông không được hoàn tất. Ông bắt đầu biểu diễn khi mới 11 tuổi và từ 13 tuổi, ông được gia đình cho học hát tại trường Văn Phát, sau đó tiếp tục học ca cổ với Văn Vĩ. Năm 1972, ông gia nhập đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ và đi diễn ở nhiều tỉnh thành. Sau đó, ông về hợp tác với gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng, nơi ông gặp gỡ và nhận sự dìu dắt tận tình từ nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền và nghệ sĩ Trương Ánh Loan, những người đã xem ông như con cái trong gia đình.
Ông cũng từng làm việc với nhiều đoàn hát khác như: Khánh Hồng An Giang, Thiên Nga, Sơn Minh...
Năm 1981, ông lần đầu trở lại thành phố và biểu diễn cho gánh Minh Tơ và Huỳnh Long. Đến năm 1983, ông bắt đầu hợp tác với gánh Lâm Đồng để đi lưu diễn khắp các tỉnh. Đến năm 1988, ông gia nhập Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2 và trong năm đó, Vũ Linh thực sự tỏa sáng sau hơn 15 năm cống hiến trong nghề, chính tại đây ông đã làm sống lại nghệ thuật sân khấu cải lương tuồng cổ với vở Xa phu đi sứ. Ngay sau đó, ông tiếp tục thành công với nhiều vở tuồng cải lương Hồ quảng nổi tiếng như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Bàng Quý Phi, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chiêu Quân cống Hồ, và sau đó cũng cộng tác với các gánh Sông Bé 2, Sông Bé 3.
Năm 1989, ông đạt vị trí thứ hai trong danh sách 10 diễn viên được yêu thích nhất trong năm. Năm 1990, ông kết hợp với Tài Linh và ghi dấu ấn với các vở Xử án Bàng Quý Phi (Tống Nhơn Tôn và Bàng Quí Phi), Trảm Trịnh Ân (Triệu Khuông Dẫn và Hàn Tố Mai), Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ (Tiết Ứng Luông và Thần Nữ), Thái Tử Đan giả gái (Thái Tử Đan và Vũ Tuyết Nương) và đã giành vị trí đầu bảng trong danh sách 10 diễn viên được yêu thích nhất trong năm. Năm 1991, ông đoạt Huy Chương Vàng giải Triển Vọng Trần Hữu Trang, là nam nghệ sĩ duy nhất trong số 6 người đoạt giải năm đó (Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Tài Linh, Phương Hồng Thủy, và Thanh Hằng). Năm 1995, ông tiếp tục giành Huy Chương Vàng giải xuất sắc Trần Hữu Trang, năm đầu tiên giải này trao thêm giải Diễn viên xuất sắc với trích đoạn ông diễn là nhân vật Nguyễn Địa Lô trong tuồng Bức Ngôn Đồ Đại Việt.
Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Vũ Linh đã thực hiện hơn 400 video cải lương hồ quảng và xã hội. Ông cũng tham gia nhiều video ca nhạc như Duyên tình và Tình đời. Thêm vào đó, ông còn tham gia diễn xuất trong hai bộ phim truyện, Cô Bé Mộng Mơ và Búp Bê Kỳ Quái. Ông đã diễn chung với nhiều nữ nghệ sĩ nổi tiếng trên sân khấu và trong video như: Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Hằng, Hương Lan, Phượng Mai, Thanh Ngân...
Vũ Linh sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em, ông là con thứ tư và được gọi là Anh Năm trong gia đình. Hai người em của ông cũng là nghệ sĩ, Hồng Nhung và Tiểu Linh. Ông có một người con gái nuôi tên Võ Thị Hồng Loan, được nhận từ bệnh viện qua một người bạn. Hồ sơ khai nhận con nuôi của Võ Thị Hồng Loan đã được TAND Quận Phú Nhuận xem xét về tính pháp lý trong vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế giữa cô và hai người em ruột của cố Nghệ sĩ Vũ Linh.
Những giờ phút cuối cùng
Ông đã từ trần tại nhà riêng ở quận Phú Nhuận vào lúc trưa ngày 5 tháng 3 năm 2023, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, thọ 65 tuổi.
Linh cữu của ông được an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương vào ngày 9 tháng 3 năm 2023.
Các giải thưởng đạt được
- Năm 1989: Diễn viên được yêu thích nhất (Hạng 2) với 2948 phiếu bầu.
- Năm 1990: Danh ca vọng cổ với 1275 phiếu bầu.
- Diễn viên được yêu thích nhất (Hạng 1) với 6644 phiếu bầu.
- Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất (Báo Người Lao động)
- Năm 1991: Diễn viên dự giải Triển Vọng THT được yêu thích nhất (Hạng 1) với 9204 phiếu bầu.
- Huy chương vàng giải Triển Vọng THT.
- Năm 1992: Đôi nam nữ hát chung được yêu thích nhất (Hạng 2 với Tài Linh) với 7362 phiếu bầu.
- Đôi nam nữ hát chung được yêu thích nhất (Hạng 3 với Thanh Thanh Tâm) với 4275 phiếu bầu.
- Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất (Báo Người Lao động)
- Năm 1993: Diễn viên video được yêu thích nhất.
- Năm 1995: Huy chương vàng giải Xuất sắc Trần Hữu Trang với trích đoạn 'Bức Ngôn Đồ Đại Việt'.
- Diễn viên xuất sắc (Tạp chí Sân khấu - Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam).
- Mai vàng (Báo Người Lao Động)
- Năm 1997: Nghệ sĩ ưu tú.
- Năm 1999: Giải Mai Vàng do Báo Người Lao Động tổ chức.
- Tài Linh
- Phương Hồng Thủy
- Thanh Thanh Tâm
- Linh Tâm
- Vũ Luân
- Thanh Tòng
- Quế Trân
- Kim Tử Long
- Hoài Linh
- Thanh Nam
- Bảo Chung
Giải Mai Vàng cho Nam diễn viên sân khấu | |||||
---|---|---|---|---|---|
1995–2009 |
| ||||
2010–nay |
|