1. Nguyên nhân gây ra vùng da quanh mắt bị đỏ rát
Vùng da quanh mắt tự nhiên mỏng manh nên dễ bị kích ứng bởi các tác nhân gây bệnh. Khi vùng da quanh mắt bị đỏ rát, nguyên nhân có thể là:
1.1. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da bị kích ứng do tiếp xúc với các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Vùng da mắt mỏng dễ bị viêm da tiếp xúc, thể hiện qua ngứa, đỏ, bỏng rát da, mắt đỏ, da vùng mắt có vảy hoặc dày lên,... ở một hoặc hai bên mắt.
Viêm da tiếp xúc có thể dẫn đến tình trạng da quanh mắt bị đỏ rát
Nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc sẽ thấy vòng đỏ xung quanh mắt. Nguyên nhân thường là kem dưỡng da, sữa tắm, chất dưỡng ẩm, hóa chất trang điểm,... Vì vậy, khi phát hiện da quanh mắt đỏ, hãy kiểm tra xem có tiếp xúc với các chất này không để tìm ra nguyên nhân và tránh sử dụng trong những lần tiếp theo.
1.2. Bị viêm da dị ứng
Người mắc viêm da dị ứng có thể thấy mắt đỏ kèm theo các triệu chứng sau:
- Ngứa và đỏ da xung quanh mắt.
- Mí mắt sưng phù.
- Làm mắt chảy nước nhiều.
- Da quanh mắt khô rát và có hiện tượng lột da.
Viêm da dị ứng có thể gây ra các triệu chứng ở vùng mắt hoặc bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến biến chứng viêm mũi dị ứng, hen suyễn,...
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng ở mắt chủ yếu do: thực phẩm, mỹ phẩm, phấn hoa, ánh nắng mặt trời, nước sinh hoạt, suy giảm chức năng đường tiêu hóa, sử dụng thuốc,...
1.3. Bệnh zona thần kinh
Bệnh zona thần kinh do virus varicella zoster gây ra. Khi mắc phải bệnh này, vùng da quanh mắt sẽ đỏ rát, có mụn nước hình dải, ngứa ngáy. Các mụn nước này sẽ lan rộng theo thời gian, lớn lên và tự vỡ.
Vùng da bị bệnh có thể cảm thấy nóng rát, sưng phồng như bị bỏng, gây khó chịu cho người bệnh. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh zona thần kinh có thể gây tổn thương cho dây thần kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
1.4. Viêm da ở vùng mí mắt
Đây là bệnh do tuyến dầu trong mí mắt gặp vấn đề, khiến cho mí mắt trở nên nhờn, vùng da xung quanh bị viêm dẫn đến tình trạng vảy, ngứa, đỏ và sưng mắt. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và kem dưỡng ẩm sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh và ngăn chặn sự lan rộng của vi khuẩn.
Mắt sưng đỏ do viêm da ở vùng mí mắt
1.5. Viêm mô tế bào quanh hốc mắt
Với tình trạng này, người bệnh gặp phải nhiễm trùng nghiêm trọng ở mô, mí mắt hoặc da xung quanh mắt. Nhiễm trùng có thể lan rộng và xâm nhập sâu vào máu. Khi mắc bệnh viêm mô tế bào quanh hốc mắt, vùng da quanh mắt sẽ đỏ rát, sưng, thị lực giảm, mắt lồi, sốt,...
Bệnh thường phát sinh do chấn thương xảy ra gần mắt hoặc do nọc độc của côn trùng cắn.
2. Phương pháp điều trị khi vùng da quanh mắt bị đỏ rát
Để xử lý một cách hiệu quả và chấm dứt tình trạng vùng da quanh mắt bị đỏ rát nhanh chóng, cần phải xác định được nguyên nhân. Khi các triệu chứng đỏ rát da chưa nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:
- Rửa mặt sạch sẽ
Hằng ngày, việc rửa sạch mắt và mặt sẽ loại bỏ chất gây kích ứng trên da, giúp làn da dịu bớt cảm giác khô rát và đỏ.
- Sử dụng khăn lạnh
Đặt một chiếc khăn sạch vào nước lạnh, sau đó đặt vài viên đá vào và chườm lên vùng da quanh mắt. Nhiệt độ thấp giúp da co lại, cải thiện lưu thông máu và giảm cảm giác khó chịu. Nên thực hiện việc chườm lạnh 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 10 phút.
- Sử dụng túi trà
Ngâm một túi trà vào nước nóng trong 5 phút, sau đó đắp lên vùng da quanh mắt. Caffeine trong trà giúp giảm tình trạng khô rát, đỏ và sưng ở vùng mắt.
Nếu da vùng mắt đỏ rát và có dấu hiệu bất thường về thị lực, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt
Khi bị đỏ rát vùng da quanh mắt, không nên cào gãi để tránh làm tổn thương nghiêm trọng hơn. Cần đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài. Nếu tình trạng không giảm sau khi áp dụng biện pháp tại nhà hoặc có các vấn đề kèm theo, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị cụ thể.
- Thị lực và tầm nhìn giảm sút.
- Mắt bắt đầu sưng và đau nhức.
- Đôi mắt ngứa ngáy, da đỏ phát ban, và cảm giác sốt lên.
- Da quanh mắt bắt đầu bị bong tróc.
Nếu da quanh mắt đỏ rát do viêm da tiếp xúc, hãy tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng, không dùng sản phẩm làm sạch hoặc mỹ phẩm trong thời gian này. Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua loại thuốc nào khác để tránh tác dụng phụ không mong muốn cho mắt.
Trong trường hợp da quanh mắt bị đỏ rát do dị ứng, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc chống histamin hoặc kem dưỡng ẩm để giảm triệu chứng. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng corticosteroid tại chỗ để chấm dứt viêm nhiễm.
Thực tế, hầu hết chúng ta không thể tự tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng da quanh mắt đỏ rát, do đó không nên coi thường vấn đề này. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc kèm theo các triệu chứng không bình thường liên quan đến thị lực hoặc sức khỏe tổng thể, hãy thăm bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.