Thao Túng Con Cái để Làm Dơ Đối Phương, hiện tượng xa lánh phụ huynh là minh chứng rõ ràng cho câu nói “khi tình yêu biến thành hận thù.”
Tuy nhiên, khi cha mẹ rơi vào xung đột, hiện tượng xa lánh phụ huynh âm thầm xâm nhập, đe dọa phá vỡ mối quan hệ gần gũi đó. Đáng buồn là một trong những bên phụ huynh lại là người thực hiện hành động tiêu cực này. Xa lánh phụ huynh không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến những đứa trẻ, mà còn đối với những người cha, mẹ ở phía bên kia chiến tuyến.
1. Xa lánh phụ huynh là gì?
Xa lánh phụ huynh (tạm dịch: sự xa cách cha mẹ) mô tả hiện tượng một bên cha/mẹ thao túng cảm xúc và tạo cách biệt trong mối quan hệ giữa con cái với phụ huynh còn lại (được gọi là phụ huynh mục tiêu).
Xa lánh phụ huynh bao gồm các hành vi phỉ báng và tấn công, khiến hình ảnh một bên cha/mẹ trở nên tiêu cực và lệch lạc trong tâm trí của con cái. Hành động này không dựa trên sự thật mà chỉ nhằm mục đích hủy hoại mối quan hệ của trẻ với bên kia.
Ví dụ, trong nhiều gia đình, sau những lần tranh cãi, người mẹ nói với con rằng bố rất vô trách nhiệm và ghét bỏ con cái. Thực tế, người bố rất quan tâm và yêu thương con.
Những điều mà người mẹ nói không phản ánh sự thật, mà chỉ là do cảm xúc nóng giận. Trong tình huống này, người mẹ muốn biến đứa trẻ thành đồng minh, nhằm đẩy người cha vào tình thế cô lập.
Sự xa lánh của đứa trẻ với cha mẹ có thể được thể hiện ở nhiều cách khác nhau. Trẻ có thể thể hiện thái độ ghét bỏ trực tiếp, bằng cách cố ý tranh cãi hoặc phản đối.
Trẻ không cảm thấy có tội lỗi với việc làm tổn thương cha/mẹ, vì tin rằng họ là kẻ xấu. Cũng có trường hợp trẻ từ chối gặp mặt, thậm chí cắt đứt mọi liên lạc với phụ huynh còn lại.
2. Parental alienation gây hại đến mức nào?
Xa lánh phụ huynh là một hình thức bạo hành cảm xúc. Hành vi này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Trẻ khi phải chịu đựng bạo hành cảm xúc đang đứng trước nguy cơ tổn thương tâm lý. Bị ép tin rằng cha mẹ là người xấu có thể làm trẻ cảm thấy bối rối và hoảng loạn. Tình trạng mâu thuẫn cảm xúc kéo dài có thể dẫn đến rối loạn tâm lý nghiêm trọng cho trẻ.
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera
Một nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ (NLM) cho thấy, hành vi thao túng từ phía phụ huynh làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, PTSD và nhiều rối loạn khác ở trẻ.
Ngoài ra, hành vi thao túng từ phụ huynh gây ra những hậu quả lâu dài nếu không được can thiệp kịp thời. Các rối loạn tâm lý có thể vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi trẻ đã hòa nhập lại với cha mẹ.
Bị ép xa cách với người mình yêu thương đặt trẻ vào trạng thái cô đơn và lo lắng. Trẻ mất niềm tin vào mối quan hệ xã hội và gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ.
3. Động cơ nào đứng sau hành vi thao túng?
Có nhiều lý do đa dạng thúc đẩy hành vi thao túng cảm xúc của con cái. Nguyên nhân phụ thuộc vào từng hoàn cảnh gia đình cụ thể. Tuy nhiên, parental alienation thường xảy ra khi cặp phụ huynh gặp mâu thuẫn, bao gồm tranh cãi, ly hôn hoặc tranh giành quyền nuôi con.
Có ba động cơ tâm lý phổ biến, bắt nguồn từ lo âu ái kỷ, nhân cách ranh giới và tổn thương trong quá khứ.
Narcissistic Anxiety (Lo âu ái kỷ)
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ có hành vi thao túng thường có đặc điểm của người ái kỷ. Họ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của bản thân mà không quan tâm đến hậu quả tiêu cực đối với gia đình. Ngoài ra, nhân cách ái kỷ cũng thúc đẩy mong muốn kiểm soát người khác.
Khi đối mặt với ly hôn hoặc tranh chấp quyền nuôi con, họ xem mối quan hệ của con với phụ huynh còn lại như một mối đe dọa đến hình ảnh bản thân.
Bắt nguồn từ nhu cầu bảo vệ bản thân, họ bị thúc đẩy thực hiện hành vi thao túng. Quá trình này khiến họ cảm thấy con cái là của riêng mình, đồng thời tự cảm thấy vượt trội hơn phụ huynh khác.
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera
Borderline personality (Nhân cách ranh giới)
Nhân cách ranh giới liên quan chặt chẽ đến nỗi sợ bị bỏ rơi và mối quan hệ không ổn định. Trong tình huống ly hôn hoặc tranh chấp quyền nuôi con, phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con thân thiết với người còn lại. Họ coi đó là dấu hiệu của việc bị bỏ rơi.
Mục tiêu chính của việc cắt đứt mối quan hệ của con với phụ huynh là giảm thiểu cảm giác lo lắng và nỗi sợ bị bỏ rơi. Bằng cách làm cho con trở thành đồng minh, với mục tiêu chung là phụ huynh còn lại, họ củng cố tâm lý của mình và không cảm thấy bị lãng quên.
Trauma (Thương tổn trong quá khứ)
Những bậc cha mẹ từng trải qua tổn thương, như bị lạm dụng hoặc phản bội, thường bị ám ảnh bởi những trải nghiệm đó. Khi ly hôn, họ lo sợ con cũng phải trải qua cảm giác tồi tệ tương tự. Do đó, họ tin rằng việc cắt đứt mối quan hệ của trẻ với phụ huynh còn lại là điều cần thiết để bảo vệ chúng.
Hành vi này giống như một cơ chế để ngăn chặn tổn thương. Họ thực hiện các hành vi cực đoan để thao túng cảm xúc, xúc phạm người khác, nhằm mục đích làm cho trẻ không cảm thấy tội lỗi hoặc bị bỏ rơi khi cắt đứt mối quan hệ với cha mẹ.
4. Cần làm gì để không rơi vào Parental alienation?
Khi đối mặt với hành vi Parental alienation, chúng ta cần tránh việc đổ lỗi. Chủ đề này cần được tiếp cận với sự cảm thông và thấu hiểu, nhằm bảo vệ gia đình tránh xa khỏi hiện tượng tiêu cực này.
Ngăn chặn parental alienation đòi hỏi sự tiếp cận tích cực và toàn diện. Dưới đây là một số chiến lược phổ biến để ngăn chặn các gia đình không rơi vào mô hình độc hại của hành vi bạo hành cảm xúc.
Tách biệt mâu thuẫn cá nhân với việc nuôi dạy con cái
Các bậc phụ huynh cần nhớ rằng con cái không nên trở thành nạn nhân của mâu thuẫn giữa họ. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cần được ưu tiên khi xảy ra vấn đề trong gia đình.
Tham gia vào cuộc đấu tranh chỉ đáp ứng những cảm xúc ngắn hạn của một bên, nhưng có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng cho gia đình.
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera
Khi phụ huynh xảy ra xung đột, hãy tìm cách giải quyết trong không gian riêng của mình. Đồng thời, phụ huynh có thể suy nghĩ về việc chia sẻ với con cái về vấn đề mà họ đang gặp phải, đồng thời khẳng định rằng họ đang cố gắng để giải quyết.
Quan trọng nhất là làm cho trẻ cảm thấy an toàn và ổn định ngay cả khi có vấn đề xảy ra.
Khuyến khích sự hợp tác giữa phụ huynh
Hiện tượng ly hôn và xa cách giữa các bên thường xảy ra trong tình huống mà hai bên phụ huynh có xung đột. Để tránh hậu quả, hãy tạo điều kiện cho việc giao tiếp mở cửa giữa phụ huynh và con cái. Đây sẽ là không gian cho phép phụ huynh và con cái có thể chia sẻ cảm xúc, thúc đẩy sự thấu hiểu và tôn trọng cho tất cả mọi người.
Dù có xảy ra mâu thuẫn, thậm chí là ly hôn, phụ huynh cũng cần công nhận và tôn trọng mối quan hệ của con với người kia.
Trừ khi có sự can thiệp của tòa án, nên khích lệ cả hai phụ huynh duy trì mối quan hệ vững chắc và lành mạnh với con.
Giáo dục và nâng cao nhận thức cho con
Các bậc phụ huynh cần tự nâng cao nhận thức về tác hại của bạo hành cảm xúc. Kiến thức đáng tin cậy có thể đến từ các khóa học, tài liệu trực tuyến, hoặc sự tư vấn từ các chuyên gia.
Việc giáo dục bản thân phải đi đôi với việc giáo dục con cái. Cha mẹ nên ưu tiên việc giáo dục sớm với con, giúp trẻ nhận biết những hành vi lừa dối, bắt nạt cảm xúc, từ đó có thể tự bảo vệ.
Trao đổi thông tin thường xuyên và dành thời gian lắng nghe con là điều cần thiết để hiểu rõ tình hình, cũng như can thiệp khi cần thiết.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia
Hãy nhớ rằng, những gợi ý trên chỉ mang tính chất tổng quát và không phải lúc nào cũng áp dụng được cho mọi tình huống. Nếu phụ huynh gặp mâu thuẫn hoặc nghi ngờ người kia đang thao túng con, hãy xem xét tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.
Bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý, hoặc luật sư, họ đều có đủ chuyên môn và thẩm quyền để đưa ra các giải pháp dựa trên từng trường hợp gia đình cụ thể.
Họ có thể hỗ trợ trong việc hòa giải mâu thuẫn và cung cấp tư vấn cũng như can thiệp y tế cần thiết để giải quyết các vấn đề tâm lý không ổn định.