Từ việc phải nhập khẩu mọi thứ và chỉ xuất khẩu được vài nghìn chiếc ô tô vào thập kỷ 1980, Trung Quốc đã vượt Mỹ và Hàn Quốc để trở thành quốc gia xuất khẩu xe hơi lớn thứ 3 trên thế giới, và đang sắp vượt qua vị trí thứ 2 của Đức.
Thống trị ngành ô tô
Khi Andreas Tatt, một giám đốc tại Canterbury-Anh, muốn mua một chiếc xe điện, anh ấy đã lựa chọn Polestar 2 thay vì Tesla Model 3 hoặc Porsche Taycan. Polestar 2 là sản phẩm của Volvo phối hợp với tập đoàn mẹ Zhejiang Geely Holding Group.
“Chiếc xe này thu hút mọi ánh nhìn, từ màu sắc đến thương hiệu. Tôi đã lo lắng về chất lượng của sản phẩm từ Trung Quốc, nhưng sau khi lái thử, tôi hoàn toàn yên tâm về chiếc xe này”, ông Tatt nói khi quyết định mua chiếc xe làm nhiều người bất ngờ.
Theo Bloomberg, việc các hãng xe Trung Quốc thu hút ngày càng nhiều khách hàng như ông Tatt đã góp phần thúc đẩy tham vọng trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn thứ 2 trên thế giới, một dấu ấn có thể làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Số liệu từ Hiệp hội ô tô Trung Quốc (CPCA) cho thấy nước này đã tăng gấp 3 lần lượng xe hơi xuất khẩu ra nước ngoài kể từ năm 2020, đạt hơn 2,5 triệu chiếc vào năm 2022. Con số này chỉ kém 60.000 chiếc so với quốc gia xuất khẩu ô tô lớn thứ 2 thế giới hiện nay là Đức, mà đã giảm dần sản lượng xuất khẩu ô tô trong những năm gần đây.
Dù chỉ xếp thứ 3 toàn cầu, Trung Quốc đã vượt qua cả Mỹ và Hàn Quốc, 2 đối thủ lớn trong ngành công nghiệp xe hơi quốc tế.
Các thương hiệu xe hơi Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh thị trường Trung Đông và Châu Mỹ Latinh. Ở Châu Âu, đa số các sản phẩm xe điện của Tesla được bán là sản xuất tại Trung Quốc, bên cạnh những thương hiệu khác như Volvo, MG, Dacia.
Dòng xe điện iX3 của BMW, dòng xe bán chạy nhất, cũng được sản xuất tại Trung Quốc để xuất khẩu sang Châu Âu.
Trong khi đó, các hãng ô tô lớn của Trung Quốc như BYD, Nio Inc đang mở rộng thị trường quốc tế với dòng xe điện. Ở Úc, các sản phẩm xe điện của BYD đã thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng nhờ giá thành hợp lý và chất lượng ổn định.
Theo chuyên gia Xu Haidong của Hiệp hội sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), đây chỉ là khởi đầu khi Trung Quốc đặt mục tiêu xuất khẩu 8 triệu xe hơi vào năm 2030, gấp đôi lượng xuất khẩu hiện tại của Nhật Bản, quốc gia dẫn đầu về số lượng xe bán ra trên thế giới.
Từ việc chỉ xuất khẩu vài nghìn chiếc xe vào giữa thập kỷ 1980, Trung Quốc đã có một cuộc tiến bộ đáng kinh ngạc.
Cho đến năm 2018, Tesla mới được phép sở hữu nhà máy tại Trung Quốc. Trước đó, các hãng xe hơi nước ngoài phải hợp tác với nhà máy địa phương để sản xuất. Nhờ chi phí thấp, những thương hiệu quốc tế này hưởng lợi, trong khi nhà máy địa phương tiếp tục phát triển qua việc mua lại các hãng xe như Volvo, Lotus.
Sự phát triển kinh tế bùng nổ đã đưa Trung Quốc trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2009, khi nhu cầu mua xe tăng cao.
Tuy nhiên, vào năm 2018, Trung Quốc đã gặp khó khăn khi doanh số bán xe trong nước giảm lần đầu tiên sau gần 30 năm. Nguyên nhân chính là do các hãng ô tô nước ngoài đổ về cạnh tranh với hãng ô tô trong nước.
Theo giám đốc Stephen Dyer của hãng tư vấn AlixPartners, đồng thời từng là quản lý cấp cao của Ford Motor, các hãng ô tô Trung Quốc đã nhận ra rằng giai đoạn tăng trưởng nhanh đã kết thúc và họ đã chuyển sự chú ý sang phát triển xe điện.
May mắn thay, hệ thống cung ứng truyền thống của Trung Quốc đã giúp họ nhanh chóng có lợi thế trong cuộc cạnh tranh mới. Trước đây, Trung Quốc phải nhập khẩu hầu hết mọi nguyên liệu, nhưng hiện nay họ tự sản xuất được hầu hết các linh kiện ô tô.
Do đó, Trung Quốc đã có thặng dư thương mại về xe hơi và linh kiện ô tô lần đầu tiên vào năm 2021, mặc dù vẫn phụ thuộc khá nhiều vào máy móc nhập khẩu từ Nhật Bản và Đức.
Mở rộng tầm nhìn
Theo Bloomberg, việc Trung Quốc dần thống trị ngành ô tô toàn cầu là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển đổi từ sản xuất hàng hóa kỹ thuật thấp sang mức cao hơn của chuỗi cung ứng.
Bằng cách xuất khẩu ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao đến các thị trường khắt khe với giá cạnh tranh, Trung Quốc đang khẳng định vị thế cao trong chuỗi cung ứng và sức mạnh kinh tế với GDP 18 nghìn tỷ USD.
Bảng xếp hạng Chỉ số Độ phức tạp Kinh tế của Growth Lab thuộc Đại học Harvard đã xếp Trung Quốc ở vị trí thứ 17, một tiến bộ đáng kể so với vị trí thứ 24 cách đây 10 năm.
“Chúng ta phải chú ý đến Trung Quốc một cách nghiêm túc hơn. Sức nóng cạnh tranh ngày càng gia tăng và đây là thời điểm không ổn định nhất kể từ khi ông cha của ngành ô tô Carl Benz sáng tạo động cơ xăng vào năm 1886”, CEO Ola Kallenius của Mercedes Benz cảnh báo.
Bloomberg nhận định sự phát triển của Trung Quốc trong ngành xe hơi không được nhiều hãng xe Mỹ chú ý, một phần do ảnh hưởng từ đại dịch và một phần do Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thị trường Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.
Trong năm 2021, GM đã bán được 40.000 chiếc Buick Envision (sản xuất tại Trung Quốc) tại thị trường Mỹ, nhưng do căng thẳng thương mại giữa hai nước, dòng sản phẩm này dần biến mất.
Đối với thị trường Châu Âu, Trung Quốc đã bắt đầu tiếp cận từ đầu những năm 2000 thông qua việc tham gia hàng loạt triển lãm ô tô. Tuy nhiên, hàng loạt thất bại trong bài kiểm tra an toàn năm 2007 đã khiến kế hoạch này của Trung Quốc gặp nhiều trở ngại.
“Thật sự, tôi đã nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc mãi mãi”, chuyên gia Jochen Siebert của hãng tư vấn JSC Automotive nhớ lại.
Rất may, hãng Goldman Sachs cho biết sự phát triển đột phá trong tự động hóa và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đã biến Trung Quốc thành một đối thủ mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô hiện nay. Các nhà máy sản xuất ô tô mới của Trung Quốc được Goldman đánh giá là có mức độ tự động hóa hàng đầu thế giới.
Nhờ vào sự cải thiện đáng kể về chất lượng trong 10 năm qua, Trung Quốc một lần nữa tiến vào thị trường Châu Âu, vượt qua các kiểm tra an toàn. Thậm chí, tiêu chuẩn chặt chẽ về ô nhiễm của các sản phẩm ô tô Trung Quốc đã giúp họ đạt các tiêu chuẩn về khí thải nhà kính tại Châu Âu, điều mà nhiều hãng xe phương Tây gặp khó khăn.
“Để cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc, chúng ta cần có mức giá cạnh tranh. Ngoài ra, Châu Âu có lẽ sẽ phải hạn chế nhập khẩu xe Trung Quốc, nếu không các hãng xe như của chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn nhiều”, CEO Carlos Tavares của Stellanis cảnh báo.
Nghiên cứu của UN Comtrade cho thấy, với chiến lược cạnh tranh về giá, trung bình mỗi chiếc ô tô sản xuất tại Trung Quốc chỉ có giá khoảng 13.700 USD, chỉ bằng 1/3 so với chiếc ô tô sản xuất tại Đức năm 2021 và rẻ hơn 30% so với Nhật Bản.
Báo cáo của Eurostat cho biết lượng ô tô sản xuất tại Trung Quốc nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng 156% trong năm 2021, đạt 435.000 chiếc.
Thậm chí, sự phụ thuộc quá lớn của ngành ô tô điện vào Trung Quốc khiến chỉ cần một sự cố nhỏ của thị trường này cũng có thể ảnh hưởng đến toàn cầu.
Ví dụ đơn giản là tình hình phức tạp của đại dịch khiến nhà máy của Tesla tại Trung Quốc phải tạm đóng cửa, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Sau đó, BYD, không chỉ là hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc mà còn là nhà sản xuất ắc quy xe điện hàng đầu thế giới, cung cấp cho cả các đối thủ như Tesla.
Tiến ra Đại Dương
Theo thông tin từ hãng tin Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh tự tin vào ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc khi nói về việc “tiến ra Đại Dương”. Chuyên gia Gao Yang từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng sức mạnh của ngành ô tô Trung Quốc sẽ được thử thách trên thị trường toàn cầu, và chính phủ sẽ khuyến khích các hãng ô tô nước này mua lại hoặc sáp nhập với các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhận thấy lợi ích của việc phát triển ngành công nghiệp ô tô, Trung Quốc đã tiên phong với xe điện bởi sản phẩm này còn mới mẻ, dễ dàng chuyên nghiệp hóa và xây dựng ưu thế so với ô tô chạy xăng truyền thống, là thế mạnh của Phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc suốt nhiều năm.
Theo Phó Chủ tịch Alexander Klose của hãng xe điện Trung Quốc Aiways Automobiles, xu hướng chuyển sang xe điện đã tạo ra cơ hội cạnh tranh lớn cho Trung Quốc.
Việc người dùng quan tâm nhiều hơn đến môi trường đã làm cho Trung Quốc có lợi thế khi chuỗi cung ứng ở đây giúp giảm chi phí sản xuất xe điện. Nhà máy của Tesla tại Thượng Hải sản xuất gần 711.000 xe điện mỗi năm, chiếm 52% sản lượng của công ty.
Mặc dù vẫn chưa có nhiều thương hiệu xe Trung Quốc có ảnh hưởng lớn, nhưng các tên tuổi như BYD, Nio hay Xpeng đang dần trở nên nổi bật trên nhiều thị trường xe điện.
Tập đoàn BYD tự tin với khả năng tự cung ứng các sản phẩm chất bán dẫn và ắc quy của mình, họ đang từng bước trở thành một “Toyota trong thế giới xe điện”.
“Thực tế là cả người Trung Quốc lẫn Châu Âu đang dần quen với việc các sản phẩm xe hơi của Trung Quốc có chất lượng tốt”, ông Alan Visser, giám đốc thị trường toàn cầu của Lynk&Co - chủ sở hữu của thương hiệu xe điện Geely, đã nhận định.
Thương hiệu Geely của Trung Quốc thông báo họ đã xuất khẩu 190.000 xe điện trong năm 2022 và dự định đạt 600.000 chiếc vào năm 2023.
*Nguồn: Bloomberg