Các nhà khoa học Trung Quốc vẫn đang mong chờ tín hiệu từ xe tự hành Zhurong, dự kiến sẽ khởi động lại sau giai đoạn 'giấc ngủ' để vượt qua mùa bão cát trên hành tinh Đỏ.
Xe tự hành Zhurong của Trung Quốc đã chuyển sang chế độ ngủ đông vào tháng 5 năm 2022 để tránh mùa đông khắc nghiệt với những cơn bão cát dữ dội trên sao Hỏa. Tuy nhiên, mọi diễn biến hiện nay đều cho thấy sứ mệnh này của Trung Quốc đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng.
Phương tiện thám hiểm sao Hỏa đã được dự định sẽ tỉnh dậy vào cuối tháng 12, nhưng từ khi chuyển sang chế độ ngủ đông, không có liên lạc nào được thiết lập, theo các nguồn tin không nêu tên cho biết.
Zhurong đã hạ cánh xuống sao Hỏa vào ngày 14/5/ 2021 là sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc. Xe tự hành được vận chuyển bằng tàu quỹ đạo Tianwen-1. Ngoài nhiệm vụ khám phá sao Hỏa, con tàu cũng có vai trò truyền tải dữ liệu giữa xe tự hành và đội ngũ điều khiển ở Trái đất.
Khoảng một năm sau khi thám hiểm và nghiên cứu trên hành tinh Đỏ, xe tự hành đã vào trạng thái ngủ đông - một chế độ an toàn sử dụng ít năng lượng - để vượt qua mùa đông trên sao Hỏa. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ trên sao Hỏa thường ở mức -20 độ C vào ban ngày và -100 độ C vào ban đêm, cùng với cơn bão cát và bụi dày đặc, khiến các tấm pin mặt trời của xe tự hành bị phủ kín, không thể thu sóng ánh sáng mặt trời để tạo ra điện. Để tự bảo vệ, Zhurong đã chuyển sang trạng thái không hoạt động trong những tháng lạnh giá và bụi bặm trên sao Hỏa.
Vào cuối tháng 12, khi mùa xuân bắt đầu trên bán cầu bắc của sao Hỏa, xe tự hành được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoạt động tự động khi điều kiện môi trường cải thiện. Các nhà khoa học hy vọng rằng sau khi tỉnh dậy, Zhurong sẽ tiếp tục hành trình về phía nam để khám phá một nơi được cho là vị trí của một đại dương cổ.
Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc vẫn chưa cập nhật bất kỳ thông tin nào về xe tự hành, điều này làm nảy sinh lo ngại.
Zhurong được thiết kế để hoạt động trong ba tháng, nhưng đã vượt qua một năm hoạt động và di chuyển gần 2km để khảo sát địa hình. Sử dụng radar xuyên đất, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về hai sự kiện lũ lụt lớn được cho là đã xảy ra hàng triệu năm trước trên hành tinh Đỏ.
Về mặt thiết kế, Zhurong hoàn toàn dựa vào năng lượng mặt trời và bốn tấm pin mặt trời hình con bướm của nó được thiết kế để chống bụi. Tuy nhiên, xe tự hành có thể đã gặp khó khăn với các trận bão cát khắc nghiệt trên hành tinh này.
“Từ một bức ảnh selfie được chụp vài ngày sau khi Zhurong hạ cánh vào năm 2021, chúng ta có thể thấy các tấm pin mặt trời của nó rất sạch sẽ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, những bức ảnh được chụp vào tháng 1 năm sau đã cho thấy các tấm pin đã bị phủ một lớp bụi,” một nguồn tin cho biết. “Không khó để đoán rằng sau một mùa bão cát khắc nghiệt, Zhurong có thể bị phủ hoàn toàn bởi lớp bụi sao Hỏa đỏ.”
Tệ hơn nữa, bức xạ mặt trời trong mùa đông cũng giảm, gây ra hạn chế cho việc cung cấp năng lượng cho xe tự hành.
Cơ chế năng lượng của Zhurong khác biệt so với xe tự hành Curiosity và Perseverance của NASA, vì chúng có khả năng duy trì hoạt động suốt mùa đông sao Hỏa bằng năng lượng từ hệ thống đồng vị phóng xạ. Bộ pin này được thiết kế để hoạt động ít nhất trong 14 năm.
Không chỉ xe tự hành gặp khó khăn, mà tàu quỹ đạo Tianwen-1 cũng đã mất tích. Thông tin này được Scott Tilley, giáo sư tại Viện Công nghệ Florida, chia sẻ trên Twitter, ghi nhận rằng không có kết nối giữa trạm mặt đất và Tianwen-1.
Điều này gây nhiều tiếc nuối, vì Trung Quốc đã dự định thực hiện các thí nghiệm phanh hãm khí vào năm 2023 với Tianwen-1, chuẩn bị cho việc đưa các mẫu vật từ sao Hỏa trở lại Trái đất.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề có thể chỉ xảy ra với tàu quỹ đạo chứ không phải là với Zhurong, nhưng cần chờ Trung Quốc có tuyên bố chính thức. Nếu không nhận được phản hồi từ xe tự hành và tàu quỹ đạo, sứ mệnh của Trung Quốc vẫn được coi là thành công, vì thời gian hoạt động đã vượt quá kỳ vọng ban đầu.
Tham khảo từ SCMP và Gizmodo.